Nhớ lại “ẩm” Chợ Lớn

Ngày trước, người Hoa Chợ Lớn cũng có thú ngồi trà quán, tương tự như cà phê cóc của người Sài Gòn nay. Ngồi quán trà nghe thiên hạ thêu dệt đủ chuyện quanh chung trà cũng là thú vị. Như chuyện hoàng đế Càn Long đời Thanh thọ lâu cũng nhờ trà, ông là người rất mê uống trà, sống đến 88 tuổi.

Khi ông bước sang tuổi 85, một vị lão y nói: “Quốc bất khả nhất nhật vô quân” – Nước một ngày không thể không vua. Càn Long hóm hỉnh: “Quân bất khả nhất nhật vô trà” – Vua không thể một ngày thiếu trà.

Ôlong trà, món “ẩm” phổ biến nhất của người Hoa hiện nay.
Ôlong trà, món “ẩm” phổ biến nhất của người Hoa hiện nay.

Những câu chuyện từ cổ chí kim ở quán trà cứ thế truyền khẩu nhau theo từng chung trà. Mỗi tên trà của người Hoa hầu hết đều có một tích truyện đi kèm, lý giải tên gọi, nguồn gốc xuất xứ, nhiều chuyện thực, nhiều chuyện ly kỳ hấp dẫn người uống trà ngay từ lần “ẩm” đầu tiên. Những tên gọi nghe ly kỳ như hầu trà ở Vũ Di sơn – trà do khỉ hái, đến trà Long tĩnh, Trảm mã trà…

Trong Chợ Lớn ngày xưa, có nhiều trà quán phục vụ cho giới thợ thuyền, người lao động thủ công, cũng có những quán phục vụ cho giới tài chính. Nhóm đi chừng ba bốn người gọi chung một ấm trà – thường là trà Vũ luỹ (một dạng trà đen, ép thành bánh, để lên men lâu năm, khi uống bẻ ra thành từng miếng chế nước sôi cho ra trà, uống mộc chứ không cho thêm hoa cúc hay câu kỷ tử như ngày nay) – tiểu nhị bưng khay trà bằng gốm tròn, có một ấm trà và mấy chung nhỏ, thường là đồ sản xuất từ miệt các lò gốm Lái Thiêu, ngoài vẽ hình con gà, hay bầy cá lượn với các ký tự viết nguệch ngoạc: diên niên ích thọ, niên niên hữu dư…

Trà khi châm hết nước, khách tự ngửa nắp ấm lên là tiểu nhị biết đã hết nước, đem đi châm thêm nước vào trà. Câu chuyện bàn luận rôm rả giữa các bàn trà, hết nước một, nước hai, nước ba… khách vẫn ngồi lì xin thêm nước sôi để thưởng trà đến độ mấy tiểu nhị (phổ kêi) dùng giọng Quảng nhắc khéo: “Pạt thầu xà a!” – trà trắng đầu rồi kìa, ý nói khách đã ngồi quá lâu, trà nhạt hết rồi, về đi là vừa để nhường chỗ cho người khác.

Trà phổ biến nhất những năm 1970 trở về trước của người Hoa Chợ Lớn đó là thương hiệu trà Nghi bồi nham (nghi: con kiến, bồi nham: gò, tổ… ý là loại trà này được trồng trên tổ kiến), những vị tiền bối nghiện Nghi bồi nham vẫn thừa biết loại trà này hẳn không liên quan gì đến tổ kiến, nhưng tên gọi của nó cũng gợi ra nhiều thú vị đủ khiến người ta tò mò về vị trà. Tiệm trà này xưa nằm đối diện bưu điện Chợ Lớn, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông.

Thú uống trà quá nước thứ ba, nếu chiếu theo luận điểm của vị tiên sinh Lâm Ngữ Đường (Lin Yu Tang, 1895 – 1976) – nhà văn, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người ở Long Khê, Phúc Kiến lúc sinh thời cũng có những câu nói về trà đặc biệt là thuyết “tam bào” (trà ba nước), ông cho rằng: “Trà ở nước thứ hai mới tuyệt. Trà nước thứ nhất tựa như ấu nữ mười hai, mười ba, trà nước thứ hai như nữ lang đang độ mười sáu, trà nước thứ ba đã là thiếu phụ…” kể ra đến nước thứ tư, thứ năm đến độ “pạt thầu xà” thì… còn gì là xuân.

Các quán trà trong Chợ Lớn ngày trước nay đã không còn, thay vào đó là các quán cà phê, nhưng thú uống trà vẫn lưu lại trong đại bộ phận các gia đình người Hoa Chợ Lớn. Càng ngày, việc đi lại, thông thương giữa Việt Nam – Trung Quốc càng dễ dàng, các loại trà từ cố quốc được nhập về bày bán rộng rãi khắp Chợ Lớn.

Những loại trà phổ biến thường ngày người Hoa hay dùng trong gia đình như dòng trà xanh Long tĩnh, Ôlong. Điệu đà về hình dáng xác trà có Long châu, Trân châu, Mẫu đơn, đến trà Thiết quan âm, rồi Phổ nhĩ, Vũ luỹ – những loại trà đen được đóng thành bánh, ủ lâu năm khi uống thường pha chung với bông cúc, uống giải khát, tan mỡ…

Phổ biến hơn nữa có hồng trà mà sau này các tiệm nước ven đường ở các ngã tư trong Chợ Lớn hay chế biến thành đủ loại đi kèm cùng hồng trà bán giải khát như hồng trà chanh, hồng trà sữa…

Nhiều công ty trà trong nước cũng sản xuất các loại hồng trà, Thiết quan âm, Ôlong… có vị tương đồng với các loại trà nhập để tạo thị trường cạnh tranh. Những tiệm trà bày bán các loại trà lá, trà cụ phong phú nhập về từ Trung Quốc, Đài Loan trên đường Trần Hưng Đạo, Cống Quỳnh, Hải Thượng Lãn Ông, tầng hầm chợ An Đông… luôn là điểm đến của giới người Hoa vẫn giữ thói quen uống trà trong gia đình.

LAM PHONG - (Theo SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm