Nhạc sĩ Phú Quang: Cuộc tình của tôi với Hà Nội không thể ly dị

Nhạc sĩ Phú Quang, người vừa được vinh danh là một trong 10 công dân thủ đô ưu tú năm 2014, nhân 60 năm ngày giải phóng thủ đô diễn ra tại TP Hà Nội vào ngày 10-10 tới đã xúc động chia sẻ: “Tôi đã từng có lúc ghen tị với những người ở Hà Nội khi họ không phải đem theo nỗi nhớ Hà Nội ra đi nhưng sau này tôi mới hiểu chỉ đi xa mình mới biết mình yêu đất ấy đến nhường nào”.

Không hô khẩu hiệu “Hà Nội ơi, Hà Nội à…”

. Phóng viên: Tình yêu Hà Nội trong ông bắt nguồn và được bồi đắp như thế nào, thưa ông?

+ Nhạc sĩ Phú Quang: Có lẽ là từ những kỷ niệm. Tôi lớn lên với những kỷ niệm của Hà Nội. Khi đó tôi là một đứa trẻ thường đánh bi đánh đáo, chơi với đám bạn ở ven Hồ Tây. Chúng tôi rủ nhau lên rạp Kim Đồng xem phim, xem chưa đã lại về xem thêm ở mấy cái ống nhòm của các ông bán kẹo kéo. Rồi những âm thanh như tiếng tàu điện cũng đã đi suốt tuổi thơ tôi. Và con người Hà Nội nữa, đừng xét nét quá vào vẻ bên ngoài mà phải hiểu từ thẳm sâu bên trong của họ thì sẽ thấy họ rất đáng yêu.

. Phải chăng chính tình yêu đó đã kéo ông lại về với Hà Nội dù ông đã có hơn 20 năm sống ở TP.HCM?

+ Đúng vậy, TP.HCM đã ưu ái cho tôi rất nhiều. Mảnh đất ấy đã tạo điều kiện để tôi phát huy khả năng của mình. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm ấy không lúc nào tôi thôi nhớ về Hà Nội, lúc nào tôi cũng nghĩ chỉ cần có thể là tôi về ngay lập tức. Mỗi năm tôi có tới 5-7 lần về Hà Nội và mỗi lần như thế tôi thường ở lại nửa tháng.

Âm nhạc Phú Quang luôn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng yêu nhạc, đi cùng năm tháng và trở thành “đặc sản” của thủ đô.

. Ca khúc về Hà Nội của ông đến bây giờ vẫn có vị trí rất riêng trong lòng người, điều đó thể hiện ở việc các chương trình của Phú Quang đều có đông khán giả. Theo ông, điều gì làm nên sự hấp dẫn ấy?

+ Thật ra gần như những nhạc sĩ nổi tiếng đều có bài về Hà Nội. Người khác có thể viết một cách trực diện hơn, còn tôi hay trầm tư và nghĩ về tình yêu của mình. Mỗi người sáng tác có những mảng miếng, màu sắc khác nhau nhưng đọng lại đó đều là tình yêu thật. Nhạc của tôi đều là những bài hát cất lên từ tình yêu thật, không hô khẩu hiệu như “Hà Nội ơi, Hà Nội à”… Công chúng đến với nhạc của tôi cũng từ một tình yêu Hà Nội chân thật, sâu đậm, chỉ có điều họ không phải là nhạc sĩ, không có phương tiện để diễn đạt tình yêu của mình như tôi mà thôi. Tôi trân trọng khán giả và khán giả có lẽ cũng vì thế mà trân trọng nhạc của tôi chăng!

Nhớ cô gái chờ tôi dưới gốc cây với vành môi lạnh

. Cả đất và người Hà Nội đang biến đổi, vậy tình yêu của ông có biến đổi không?

+ Tình yêu của tôi với Hà Nội là một thứ tình yêu không thể ly dị được. Cuộc sống biến đổi nhưng tôi cho rằng khi người nghệ sĩ hiểu được thấu đáo đời sống hôm nay thì sẽ có tác phẩm hay. Muốn hiểu được tình yêu đó như thế nào có lẽ chúng ta phải đi xa.

. Ký ức của ông về Hà Nội những ngày xa là những gì ?

+ Có những nỗi nhớ tưởng như cụ thể mà không cụ thể, đôi khi chỉ là một ánh mắt, một cái bím tóc đuôi sam thôi, hay cả những nụ hôn lạnh ngày đông. Ngày xưa, Hà Nội có ai chờ nhau ở khách sạn đâu mà toàn chờ nhau ở gốc cây. Khi tôi đến thì cô gái của tôi ngồi dưới cơn mưa phùn, với vòng tay ướt và vành môi lạnh. Đó là những điều nhỏ bé nhưng khi đi xa rồi mới thật sự thấy nó thiêng liêng nhường nào.

. Ông định nghĩa như thế nào về người Hà Nội?

+ Tôi được sinh ra ở tỉnh Phú Thọ khi mẹ tôi lên đó tản cư. Năm năm tuổi giải phóng thủ đô tôi mới được về Hà Nội. Nhưng với tôi Hà Nội là quê hương của mình. Khi ta coi đó là quê hương thì việc ta có tình yêu với đất ấy là bình thường. Có lần một hội đồng hương ở nước ngoài cũng tranh luận về câu hỏi như bạn vừa hỏi và họ có tham khảo ý kiến của tôi, tôi chỉ trả lời ngắn gọn rằng: Người Hà Nội là những người đang hoặc đã từng sống ở Hà Nội và từng biết yêu nó.

. Xin cảm ơn nhạc sĩ.

VIẾT THỊNH thực hiện

Gia tài âm nhạc đồ sộ về Hà Nội

Nhạc sĩ Phú Quang có rất nhiều bài hát hay, sâu sắc về Hà Nội đã đi vào lòng người như Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ, Nỗi nhớ mùa đông, Khúc mùa thu, Mơ về nơi xa lắm, Tôi muốn mang Hồ Gươm đi… Đặc biệt từ năm 1990 đến nay, cứ mỗi mùa thu về, ông là nhạc sĩ duy nhất cả nước có chương trình âm nhạc của riêng mình về Hà Nội. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng về âm nhạc như Huy chương vàng âm nhạc cho ca khúc của ông trong các phim Bao giờ cho đến tháng MườiHuyền thoại Mẹ; giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho chùm ca khúc viết về Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm