Nhạc sĩ Minh Châu: 6 năm để hoàn thành trường ca Dân Việt

Tuy vậy, nhiều năm qua anh đã “chuyển hướng”, dành nhiều thời gian và công sức để viết những bản trường ca, một thể loại âm nhạc của riêng Việt Nam, nhưng nhiều thập kỷ qua ít người sáng tác…

* Đã từng có những ca khúc “hit” đoạt giải thưởng Làn sóng xanh, giờ đây lại say mê viết trường ca, anh có thể cho biết lý do?

- Những ca khúc nhạc nhẹ của tôi được công chúng biết tới nhiều hơn mảng âm hưởng dân ca, theo tôi có lẽ do môi trường phổ biến và hòa nhập của nhạc nhẹ có phần thuận lợi và được quần chúng quan tâm hơn...

Tuy vậy, tôi say mê âm nhạc dân gian từ những ngày còn bé, cho đến năm 18 tuổi, những sáng tác đầu tay đều mang âm hưởng dân ca. Sau này, được đi khắp mọi miền đất nước, cộng với đam mê nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa dân tộc, âm nhạc cổ truyền... càng ngày tôi càng bị hút về mảng âm nhạc dân gian với những sáng tác mang chất liệu dân ca, mà chiếm nhiều công sức nhất là thể loại trường ca - trường ca Bức tranh non nước viết từ năm 2000, phát hành (CD và VCD) năm 2003; trường ca Dân Việt soạn từ 2003 đến nay (6 năm) là những tác phẩm dùng chất liệu âm nhạc dân tộc diễn tả đất nước và con người Việt Nam. Đây là những đề tài rộng lớn, được tôi chuyển tải bằng thể loại trường ca nhằm thể hiện đầy đủ những nét đặc trưng của đất nước, con người Việt Nam.

Nhạc sĩ Minh Châu
Nhạc sĩ Minh Châu

* Trường ca được xem là thể loại âm nhạc “đặc sản” của Việt Nam, anh có thể nói những mặt mạnh của nó? Anh thích những trường ca nào của các nhạc sĩ thế hệ trước? Tại sao?

- Những đề tài lớn, gồm nhiều nội dung độc lập, được bố cục có lớp lang (về thời gian, không gian) tạo thành mạch xuyên suốt, sắc thái âm nhạc thay đổi theo những nội dung... theo tôi đó là những điểm mạnh của thể loại trường ca, những yếu tố mà một ca khúc đơn lẻ không chuyển tải hết được; một điều dễ nhận thấy là những trường ca của các nhạc sĩ từ trước đến nay hầu như đều sử dụng chất liệu dân ca Việt Nam; trong đó tôi thích nhất là tác phẩm Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương - một trường ca dạt dào xúc cảm và thấm đẫm tình dân tộc...

* Hiện nay, một số ca sĩ có hát những “liên khúc”, gồm nhiều ca khúc cùng chủ đề; trường ca cũng gồm nhiều đoản khúc phục vụ cho một chủ đề, như vậy chúng khác nhau ở điểm nào?

- Một “liên khúc” gồm những ca khúc cùng chủ đề, theo tôi hoàn toàn khác với một trường ca, bởi liên khúc đó không có những đặc trưng của trường ca như tôi đã nói ở trên; hơn nữa, trường ca thường do một tác giả sáng tạo, bố cục nên mạch nội dung, cảm xúc... trong khi liên khúc là những ca khúc của nhiều tác giả, chỉ giống nhau chủ đề nhưng nội dung có khi trùng lặp, thiếu sự độc lập để có thể bố cục thành một mạch nội dung xuyên suốt mà không thừa, thiếu.

* Anh có thể nói về tác phẩm trường ca Dân Việt mà anh đang hoàn thành?

- Trường ca Dân Việt gồm 5 phần, bao gồm những thế hệ với những diễn biến tình cảm đa dạng theo dòng chảy đời sống. Giai điệu âm nhạc được vận dụng và triển khai từ các điệu thức, thang âm của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Tôi cũng mời nhạc sĩ Phan Cường cùng hợp tác để dàn dựng phần phối khí mang phong cách dân gian pha trộn giao hưởng, thính phòng. Các nhạc cụ, nhất là nhạc cụ dân tộc đều được thu sống bởi những nghệ nhân hàng đầu. Phần hát do ca sĩ Tùng Dương, nhóm Năm Dòng Kẻ, nhóm hát thiếu nhi... thể hiện. Phần thu âm được thực hiện ở cả Hà Nội và TP.HCM.

* So với trường ca Bức tranh non nước trước đó, nó có những khác biệt nào đáng nói?

- Cả hai đều dùng chất liệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam; tuy nhiên về nội dung, bố cục, vận dụng chất liệu âm nhạc khác nhau nhiều... Nếu Bức tranh non nước nhằm phác họa nên những đặc trưng địa lý, lịch sử, văn hóa... mang tính khu biệt của ba miền Bắc, Trung, Nam để hòa chung vào thành một Việt Nam gấm hoa (phần 4 của trường ca này) mang chiều rộng không gian và chiều dài lịch sử, thì trường ca Dân Việt nhằm đi vào chiều sâu tâm hồn của các thế hệ người dân Việt Nam. Chính vì thế, để lột tả được hết tâm cảm người Việt, những nỗi niềm thâm trầm theo tiến trình thời gian của dân tộc, trong suốt 6 năm nay, tâm trí tôi lúc nào cũng mang nặng trăn trở và chiêm nghiệm về nó, làm thế nào để tác phẩm nói lên được tâm hồn người Việt một cách sâu sắc, xác thực và hồn hậu nhất.

* Dự kiến bao giờ hoàn thành, phổ biến như thế nào?

- Việc làm nhạc, thu thanh đã gần như hoàn thành, bây giờ tôi cần chăm chút, chỉnh sửa một chút trước khi ra master CD. Sau khi hoàn thành các thủ tục, có lẽ CD sẽ ra mắt trong thời gian không xa. Với khả năng của mình, tôi chỉ có thể thực hiện CD; còn đời sống sau đó của nó thì do môi trường âm nhạc quyết định.

* Theo anh tại sao trường ca ít người sáng tác và cũng ít được biểu diễn?

- Trường ca có thời lượng dài, đề tài lớn, thông thường cần nhiều ca sĩ (cả tốp ca, hợp xướng...) thể hiện và phải tập luyện công phu trong một thời gian dài, vì vậy mà nó ít được dàn dựng để biểu diễn. Về quy mô tác phẩm nó cũng thuộc loại “trường thiên tiểu thuyết” cần sự đầu tư dài hơi, nên cũng ít nhạc sĩ sáng tác. Vì vậy trường ca vắng bóng trong nhiều thập kỷ nay. Tuy vậy, nó là hình thức của một tác phẩm thanh nhạc lớn, có thể diễn tả những điều mà ca khúc không thể làm được.

Theo Minh Bích (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm