Nhà văn Ma Văn Kháng: 'Vụ Phan Huyền Thư chỉ là chuyện vặt'

Hội Nhà văn TP.HCM vừa có buổi tọa đàm Nhà văn anh là ai? nhân dịp quyển tiểu luận và bút ký về nghề văn có  tên Nhà văn anh là ai? của nhà văn Ma Văn Kháng mới ra mắt.

Nhà văn anh là ai? là những suy nghĩ, tư tưởng, kiến thức, kinh nghiệm, những câu chuyện về một đời lao động viết văn miệt mài mà nhà văn Ma Văn Kháng đưa đến với bạn đọc.

Nhà văn Ma Văn Kháng cho biết hiện nay ông tuổi cao, bệnh tật nhiều. Ông dành nhiều thời gian nghỉ ngơi bên các cháu nội, ngoại trong gia đình.

. Phóng viên: Xin ông chia sẻ một cách súc tích nhất với độc giả, theo ông “Nhà văn anh là ai”?

+ Nhà văn MA VĂN KHÁNG: Nhà văn là một giá trị tự thân. Là một đấng tự hữu (nói theo chữ của Kinh Thánh), là kẻ tự xuất hiện, tự lựa chọn và tự gánh vác lấy trách nhiệm phụng sự lợi ích của con người và nhân dân mình. Không ai phân công, bó buộc anh làm nhà văn cả.

Đây là một nghĩa vụ hoàn toàn tự nguyện. Và công việc của anh là đem lại cái gọi là văn cho cuộc đời. Cái gọi là văn ấy là sản phẩm của nhà văn. Nó chưa từng có trong cuộc đời. Nó do tài năng nhà văn tạo nên. Nó góp thêm vào cuộc đời. Ừ thì đúng là phải có hiện thực đời sống làm cơ sở. Nhưng Chế Lan Viên rất đúng khi nói về giá trị của Truyện Kiều: “Không có Du thế kỷ này thành tay không”.

Cái gì không hợp lý thì sẽ tự mất

. Với quan điểm vừa chia sẻ, ông nghĩ gì về thực tế hiện nay mọi người dễ dàng để ra một quyển sách, gần như chỉ cần họ có tiền là có thể in nó; và cứ có hai tác phẩm được in thì sẽ được xét kết nạp vào Hội Nhà văn?

+ Bạn chú ý cho mấy chữ “sẽ được xét” chứ đâu có phải là đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Vấn đề là chất lượng văn học của các tác phẩm đã in ấy như thế nào kia. Ngay trong điều lệ của Hội cũng nói rõ điều ấy. Còn bây giờ in sách dễ dàng là điều có thật. Và tôi cũng không hiểu đó là điều nên vui hay nên buồn nữa.

. Ở thời của ông, người ta thường nói đến câu “văn chương thế sự” nhưng bây giờ lại đang có rất nhiều người trẻ ào ạt viết sách theo dòng văn chương thời trang mà bạn trẻ thời nay gọi là dòng sách “Đam mỹ”, trong đó thiên về những câu chuyện ngôn tình, giới trẻ khẳng định bản thân qua lối sống thành đạt thể hiện ở sự sành điệu, thụ hưởng vật chất. Ông có đọc dòng văn học này không và ông nghĩ gì về “văn chương thế sự” hôm nay?

+ Tôi không có thời gian và hứng thú đọc dòng văn chương thời trang này. Đó là tôi. Nhưng còn người khác? Văn chương có nhiều dòng, đáp ứng nhiều nhu cầu của nhiều tầng lớp bạn đọc. Cái gì không hợp lý thì tự nó sẽ mất đi thôi. Còn như dòng văn học mà bạn gọi là văn chương thế sự dù thế nào cũng là một dòng văn học lớn, đôi khi có vẻ như nó đang âm thầm, cô độc lẻ loi nhưng thế nào thì vẫn là một dòng văn chương chủ lưu sôi nổi mạnh mẽ và mang giá trị vĩnh hằng, không gì thay thế được!

Thời sách bị đem nghiền thành bột đã qua lâu rồi

. Trong buổi tọa đàm “Nhà văn anh là ai?” tại TP.HCM vừa qua, có những nhà văn đã nói về sự kiểm duyệt trong văn chương. Là một nhà văn viết nhiều về chuyện thế sự, ông nói gì về sự kiểm duyệt trong văn chương ở thời đã qua và thời hiện nay?

+ Tôi cũng có những cuốn tiểu thuyết bị các nhà chức trách có thẩm quyền kiểm duyệt, chê trách, phàn nàn. Ví dụ: Cuốn Mưa mùa hạ xuất bản năm 1982 bị “đắp chiếu” nằm trong kho, dừng phát hành ba tháng trời. Bạn tôi cũng có những cuốn tương tự, thậm chí có cuốn bị cấm phát hành, phải đem tiêu hủy, ví dụ bị đem nghiền thành bột. Chuyện đó xảy ra cách đây vài chục năm hay nhiều hơn.

Bây giờ tình hình có khác nhiều rồi. Khác rất nhiều rồi! Riêng tôi và có lẽ nhiều nhà văn bạn tôi cũng thế, chúng tôi viết trong tâm trạng ngày càng thoải mái, không bị ám ảnh nhiều về chuyện bị kiểm duyệt, tâm sáng như nhật nguyệt thì có gì mà ngại ngùng nhỉ?

Nói tôi cạn vốn sáng tác nên viết lý luận thì hơi buồn cười

. Ông đang đọc và thích đọc những nhà văn trong nước nào hiện nay? Ở tuổi 80 này ông có còn quan tâm đến thời sự văn chương như chuyện chất lượng của các giải thưởng văn học, chuyện đạo văn, đạo thơ như vụ Phan Huyền Thư với nghi án đạo thơ Phan Ngọc Thường Đoan vừa rồi hay không, thưa ông?

+ Tôi hiện nay tuổi cao, bệnh tật nhiều, sức khỏe sa sút. Mấy cuốn sách tôi  in gần đây như cuốn Nhà văn anh là ai? hoặc tiểu thuyết Người thợ mộc và tấm ván thiên, NXB Trẻ vừa phát hành cuối năm nay, thực tình là tôi viết từ cách đây đã lâu.

Khoảng vài năm gần đây tôi gần như xa rời công việc văn chương. Sáng tác thì gần như dừng hẳn. Còn sách thì tôi thường đọc các cuốn của các nhà văn bạn bè gửi tặng như  tiểu  thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, Vũ Oanh, Y Ban,  Võ Khắc Nghiêm... Thêm nữa là sách của các nhà văn trẻ như Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp... Rất ít thôi. Thời gian chủ yếu tôi dành cho nghỉ ngơi bên các cháu nội, ngoại trong gia đình.

Mấy sự kiện như bạn vừa kể gần đây tôi có biết nhưng cũng không quan tâm lắm. Cũng chỉ là những chuyện vặt vãnh, bình thường, có gì là nghiêm trọng lắm đâu!

. Vì sao gần đây ông chuyển sang viết tiểu luận?

+ Khi tôi bắt đầu viết một loạt bài tiểu luận về văn chương in liên tiếp trên các số báo Văn Nghệ năm 2012, rồi sau đó tập hợp lại in thành hai tập sách Phút giây huyền diệu (NXB Hội Nhà văn 2013) và Nhà văn, anh là ai? (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM 2015), có người bảo: Ông này hết vốn sáng tác rồi nên quay sang viết lý luận đây. Tôi hơi buồn cười và tự nghĩ: Không hiểu có đúng thế không nhỉ?

Thật tình thì cùng với sáng tác, từ lâu rồi tôi cũng rất thích lý luận vì quan niệm, lý luận có ích cho sáng tác rất nhiều. Thành ra, từ cả chục năm trước tôi đã viết lý luận rồi. Hai cuốn sách kể trên chính là tập hợp những gì bản thân tôi đã trải nghiệm trong quá trình sáng tác, nghĩa là lý luận văn học được nhìn dưới góc độ một người sáng tác!

. Xin cám ơn ông.

Nhà văn Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, từng là giáo viên cấp 2, dạy môn văn và là hiệu trưởng một trường cấp 3 ở Lào Cai. Ông viết văn từ thập niên 1970 và sau đó giữ các vị trí phó giám đốc NXB Lao Động, Tổng Biên tập tạp chí Văn học Nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Ma Văn Kháng: 'Vụ Phan Huyền Thư chỉ là chuyện vặt' ảnh 2 
Ông có khoảng 30 đầu sách với khoảng 20 tiểu thuyết, trong đó có nhiều tác phẩm gắn với đề tài miền núi Tây Bắc, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng, được trao các giải thưởng văn học và được đọc giả nhớ tên như: Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Đồng bạc trắng hoa xòe, Mưa mùa hạ, Vùng biên ải, Trăng soi sân nhỏ, Heo may gió lộng, Ngoại thành, Hoa gạo đỏ, Phép lạ đời thường, Trăng non, Một mình một ngựa, Chó Bi - đời lưu lạc…

Những giải thưởng văn học ông nhận được, gồm Giải B Hội Nhà văn Việt Nam 1986 cho tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn; tặng thưởng của Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam 1995 cho tập truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ. Giải thưởng Văn học ASEAN 1998; giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật năm 2001; giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2009 cho tiểu thuyết Một mình một ngựa; giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật năm 2012.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm