Nguyễn Nhật Ánh thôi trong trẻo để trong suốt

Ngày 20-12, Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức buổi ra mắt cuốn sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mang tên Cây chuối non đi giày xanh. Tác phẩm truyện dài mới nhất của nhà văn ăn khách hàng đầu Việt Nam này đã lập kỷ lục với số lượng in lần đầu lên đến 170.000 bản.

Tác giả sẽ ký tặng độc giả mua sách mới từ 8 giờ 30 đến 10 giờ sáng 7-1-2018 tại gian hàng sách Nhà xuất bản Trẻ trên Đường sách TP.HCM và vào ngày 14-1-2018 tại Phố sách Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, đã khẳng định nhà xuất bản chính thức yêu cầu nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không ký tên vào sách in lậu của những độc giả lỡ mua phải, bất kể độc giả đó có vô tình mua nhầm hay đã phải chờ đợi bao lâu để đến lượt mình lấy chữ ký.

Cây chuối non đi giày xanh gồm hai bản bìa cứng và bìa mềm, cùng một tấm thiệp chào mừng năm mới.

Cây chuối non đi giày xanh kể câu chuyện tuổi thơ của các nhân vật trẻ con ở thị trấn Hà Lam thơ mộng xứ Quảng vào khoảng thập niên 1950-1960. Tuổi thơ đó trong trẻo, hồn nhiên và ly kỳ hóa với những nhân vật đời thường, những câu chuyện đời sống của người lớn được nhìn qua đôi mắt ngây thơ giàu trí tưởng tượng của trẻ con.

Tuổi thơ đó còn có những rung động đầu đời trong veo của những đứa nhỏ vùng quê thuần phác, chẳng nhiễm chút phức tạp ở bên ngoài. Tuổi thơ đó rất quen thuộc với nhiều thế hệ khi mô tả một “ông Kẹ” ở đời thường mà trẻ con hay bị người lớn lấy một ai đó quanh mình để dọa. Có tình cảm vừa quyến luyến vừa tò mò ngưỡng mộ, yêu kính của trẻ con với các thầy cô giáo. Và có cả những mối tình của người lớn được chúng khám phá

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, tặng hoa cho tác giả - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Khi gặp phải những câu hỏi quen thuộc như tại sao mãi viết cho lứa tuổi học trò, tại sao lại viết truyện hoài một kiểu kể những câu chuyện trẻ con ở vùng quê, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã chia sẻ:

“Tôi không phải chỉ viết sách cho lứa tuổi học sinh cấp II, cấp III, mà tôi rất muốn viết sách cho lứa tuổi nhỏ hơn nữa, lứa tuổi tiểu học. Tôi muốn viết sách không phải trong trẻo nữa mà là trong suốt để phù hợp với các trẻ em nhỏ tuổi.

"Tôi nghiệm ra rằng viết cho trẻ càng nhỏ tuổi càng rất khó viết, người viết phải rất giỏi. Bởi trẻ con càng nhỏ cuộc đời của nhân vật càng trong veo, đâu có gì phức tạp về tâm lý, tiền bạc, tình yêu đâu… để mà viết.

"Tôi có những người bạn văn như nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhà thơ Đỗ Trung Quân…, họ viết về những đề tài tình yêu, xã hội, thời cuộc rất hay, hay hơn tôi viết những chuyện ấy.

"Nếu bạn theo dõi kỹ một nhà văn, bạn sẽ thấy nhà văn đó chỉ viết hay về một loại đề tài, cách viết nào đó và thường trở lại viết như vậy. Riêng tôi, viết về tuổi học trò, tuổi thơ để thỏa mãn tâm hồn luôn nhớ về ký ức tuổi thơ của mình.

"Có thể đến một lúc đó khi việc viết về tuổi thơ đã đủ đầy đối với tôi, tôi sẽ viết một cái gì đó khác đi, không viết về tuổi thơ nữa, như viết về cuộc sống xã hội hiện tại. Nhưng viết cái gì và bao giờ viết cũng vẫn còn là một bí mật với cả chính tôi nữa ”.

Với Cây chuối non đi giày xanh, nhà văn ăn khách viết về tuổi thơ nói:

“Với tác phẩm này, tôi viết để thấy tâm hồn mình ấm áp. Mỗi tác phẩm tôi viết ra thường hướng đến một mục đích, có tác phẩm thì để thể hiện một kỹ thuật viết mới, có tác phẩm viết vì đáp ứng một quan điểm thẩm mỹ, có tác phẩm viết để chia sẻ những chiêm nghiệm cuộc sống… Mỗi một lúc viết, nhà văn sẽ có cảm hứng về một điều gì đó, muốn đem lại một điều gì đó cho người đọc, mà trước hết là đem lại điều gì đó về chính người viết”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm