Người vẽ chân dung Bác Hồ trên... trúc

Họa sĩ Nguyễn Thái Vinh đang vẽ ảnh Bác - Ảnh: Q.Thuần
Họa sĩ Nguyễn Thái Vinh đang vẽ ảnh Bác - Ảnh: Q.Thuần

Phòng tranh nhỏ mang tên Bamboo Arts của họa sĩ Nguyễn Thái Vinh nằm lọt thỏm giữa hàng loạt showroom hoành tráng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Q.Phú Nhuận (TP.HCM). Nhưng nếu để ý, nó vẫn nổi bật lên bởi những tấm chân dung lớn của các chính khách, họa sĩ, ca sĩ nổi danh được thể hiện trên những "tấm vải" trúc cực kỳ sống động. Giữa phòng tranh là bức chân dung Bác Hồ cực lớn được đặt ngay vị trí trang trọng.

Nguyễn Thái Vinh, Giám đốc - họa sĩ của Bamboo Arts còn khá trẻ. Nhưng ngay từ khi còn là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Vinh đã có một niềm đam mê kỳ lạ với chất liệu trúc. Anh tâm sự: "Hội họa được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau mà từ xa xưa con người đã biết và sử dụng như: Gỗ - vải - đá - sơn mài, tạo thành những tác phẩm nghệ thuật kinh điển mà sau này được xem là những tài sản vô giá của nhân loại. Tôi vẽ tranh trên trúc, như là một lối đi riêng để thể hiện hoài bão của mình".

Ít ai biết rằng Thái Vinh đã sở hữu một bộ sưu tập tranh trúc đồ sộ về Bác Hồ, những bức ảnh Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ trong chiến dịch biên giới 1950, Bác Hồ- Bác Tôn, Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc... lần lượt được anh thể hiện lại trên những mành trúc khổng lồ một cách sinh động. Vinh cho biết: "Tranh trên chất liệu trúc khác với tranh trên giấy, trên vải hoặc nói chung là trên các chất liệu "chết", việc thể hiện các tác phẩm nghệ thuật trên chất liệu trúc có thể nói là vô cùng khó khăn và phức tạp, không thể tô màu như trên giấy mà phải dùng tay vuốt tròn từng ống trúc, điều này đòi hỏi sự tỉ mỉ và khổ công. Tuy nhiên khi hoàn thành thì bức tranh trúc, với khả năng lay động sẽ tạo hiệu ứng động cho người trong tranh. Ngay cả khâu ghép chất liệu trúc đã là một công đoạn cực khổ, phải lựa những ngọn trúc đều và thẳng đem cạo hết vỏ tinh trúc. Sau đó cắt thành từng đoạn 6 cm có đường kính từ 3-5 cm, đem phơi từ 3-4 nắng rồi từng đoạn trúc được xâu lại với nhau thành từng dây. Mỗi dây có 32 ống trúc. Bình quân mỗi tấm nguyên liệu có kích thước 200x200cm gồm 326 dây, như vậy người thợ phải xâu tổng cộng 10.432 ống trúc với nhau".

Chính vì kỳ công như vậy nên để có được bộ sưu tập phong phú về Bác Hồ, anh đã hao tốn tâm trí đến gần 10 năm. Nói về thành quả của mình, Vinh bộc bạch: "Tôi chọn hình ảnh Bác Hồ làm nội dung thể hiện tranh trúc của mình, xuất phát từ lòng kính yêu vị cha già của dân tộc. Bức tranh đầu tiên của tôi về Bác cũng là bức tranh có kích thước to nhất, hiện đang treo ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh. Nhiều bức khác được tặng cho các bảo tàng. Có nhiều tác phẩm tôi chỉ thể hiện được trong những lúc xuất thần, nếu được yêu cầu vẽ lại, chắc chắn sẽ không có "hồn" như thế".

Thái Vinh mong muốn có được một cuộc triển lãm chính thức những bức tranh độc đáo này một cách nghiêm túc. Và hơn thế nữa, anh tâm sự: "Tôi mong loại hình nghệ thuật này sẽ được công chúng đón nhận, bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị đích thực, để không bị thất truyền".

Theo Quang Thuần (Thanh Niên)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm