Người ta không thể nấu bánh ở chung cư

Ngày 4-1, tại talkshow "Tết tốt giản - giữ nét xưa trong lòng Tết hiện đại" và ra mắt sách "Tết đoàn viên, những câu chuyện xoay quanh chủ đề tết giữa truyền thống và hiện đại” đã được nhiều nhà văn, nhà báo đề cập.

Nói về việc gần đây ở nước ta đã xuất bản sách tết trở lại, nhà văn Uông Triều, cũng là một người làm trong lĩnh vực xuất bản, kể lại câu chuyện: Hà Nội trước đây, các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài... cứ mùng 1 tết là đến ông chủ nhà in Tân Dân gửi một truyện tết cho ông Tân Dân. Ông chủ sẽ mừng tuổi cho mỗi người một bao lì xì, nhưng truyện đó không in năm đó mà in năm sau.

Từ đó, ông bày tỏ rất vui mừng khi thấy không khí xưa với việc sách tết xuất hiện trở lại.

Họa sĩ Đỗ Phấn mong muốn lớp trẻ sẽ quan tâm đến không khí tết. 

Nói về tết hiện đại trong sự so sánh với tết xưa, họa sĩ Đỗ Phấn khẳng định: Không khí tết dân tộc cổ truyền đến bây giờ không còn được bao nhiêu. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này là tết của chúng ta thiếu không khí chứ không thiếu tất cả từ quần áo đến đồ ăn.

“Nấu một nồi bánh chưng quá phiền phức, thậm chí không thể thực hiện, không có chỗ để nấu. Ở chung cư không có trong thiết kế, không thể nào nấu nồi bánh chưng ở chung cư”, ông dẫn chứng.

Ông cũng nêu vấn đề, tại sao người ta gọi ăn tết chứ ít nói chơi tết, vì lúc đó nền kinh tế rất xập xệ, nghèo thiếu, thậm chí có những năm muốn có ít thịt lợn gói bánh chưng người ta phải nhịn cả tháng để dồn phiếu mua thịt.

Từ đó ông bày tỏ mong muốn lúc nào đó lớp trẻ sẽ quan tâm đến không khí tết.

Nhà văn Lữ Mai thì đưa đến một góc nhìn của người trẻ về tết hiện nay. Bà cũng chia sẻ bà nhớ đến những cái tết ngày xưa, thưở căn nhà nơi bà ở bốn bề là gió lạnh nhưng người ta xích lại gần nhau.

Nhà văn Lữ Mai nói về trải nghiệm đầy ấn tượng khi đón tết ở quê chồng. 

“Em trai tôi thuộc thế hệ 9x có những cái tết đúng như nhạc Phan Mạnh Quỳnh là nhạc tung tóe thanh niên hòa ca”, bà kể.

Chia sẻ về một cái tết trong ký ức, bà nói: “Bố chồng tôi qua đời ngay trước thềm năm mới, năm đó tôi mới biết được tết ở quê chồng tôi, mỗi gia đình trong năm đó có người qua đời thì họ sẽ tự làm thủ công một cái đèn, giống đèn trung thu của mình để đem ra nấm mộ và thắp cho người đã khuất. Khi đi qua nghĩa trang sáng bừng trong đêm giao thừa, có rất nhiều ngọn đèn, chúng ta đếm được bao nhiêu ngọn đèn thì có bao nhiêu người nằm đó đã qua đời”.

Nhà văn trẻ này cũng tâm sự tết Việt có nhiều nhiêu khê, nhiều mệt mỏi nhưng vẫn có nhiều giá trị song hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm