Người Sài Gòn: Chủ hay khách?

Theo các nhà tâm lý học xã hội, một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển cộng đồng là sự cảm nhận của mỗi người rằng mình thuộc về cộng đồng đó, rằng mình là một thành viên không tách rời của cuộc sống nơi đó và được coi trọng như một phần không thể thiếu.

Đất của dân nhập cư

Đất Sài Gòn (SG) hơn 300 năm trước đã có dân tứ xứ định cư. Sự định cư ấy không diễn ra bằng những cuộc tranh giành đất đai và chiến tranh thù địch, mà là chung sống êm ả, do vùng đất này gần như vô chủ.

Từ khi đất nước mở cửa, kinh tế SG – TPHCM phát triển với tốc độ cao. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất mọc lên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước đổ tiền vào sản xuất, kinh doanh, l àm cho lực lượng nhân công tại chỗ không đủ đáp ứng, nên lượng người nhập cư đổ về ngày càng đông.

Như vậy, giống như đã từng diễn ra trong lịch sử, sự phát triển của SG – TPHCM vẫn luôn dựa vào nguồn lao động của dân nhập cư.

Có thể nói những chính sách thông thoáng của nhà Nguyễn đã củng cố thế thiên thời – địa lợi – nhân hoà cho SG – Gia Định. Ví dụ trong Quốc triều chánh biên có nói triều đình nhà Nguyễn “Ngoài việc đòi hỏi người Hoa và người Minh Hương phải đóng thuế như mọi người trong nước, còn sẵn sàng chấp nhận người nước ngoài đến xin tá túc tị nạn hay làm ăn, nhưng bắt phải theo một quy chế tuần tự đồng hoá..., (nhờ vậy) Hoa kiều sang đời thứ hai đã trở thành người VN. Rất nhiều người Minh Hương như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Phan Thanh Giản... đã trở thành sứ thần, trọng thần của triều đình VN, gánh vác những công việc không nhỏ của một thời đại rối ren”.

Ai là người Sài Gòn?

Người SG ngày nay có thể hỏi nhau “Vào TP từ năm nào?”, “Trước ở đâu?”. Vậy ai có thể được gọi là người SG chính hiệu? Có ý kiến cho rằng, những người đã sống ở đây một đời (cha mẹ) coi như đã là người TP. Cũng có ý kiến nhìn từ khía cạnh hành chính, cho rằng khi người nào nhập hộ khẩu vào TP thì coi như đã là người TP. Hoặc nhìn từ các góc độ khác, như tâm lý, ngôn ngữ thì có thể xét về tiếng nói (nói giọng SG), tính cách và lối sống (xử sự như người SG)... Tóm lại, một người SG – TPHCM thực sự phải có những yếu tố về thời gian sinh sống, có hộ khẩu TP.

Nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt cho rằng ngôn ngữ đô thị, tiếng nói SG trước đây và TPHCM hiện nay là một tập hợp bao gồm các biến thể địa lý và biến thể xã hội của ngôn ngữ toàn dân. Đặc điểm này được thể hiện ngay từ giai đoạn hình thành và không thay đổi bao nhiêu trong suốt quá trình phát triển của nó cho đến tận ngày nay. Một vài cách nói, như “chỉ” (chị ấy), “ảnh” (anh ấy), ổng (ông ấy)... của tiếng SG tuân theo quy tắc ngữ âm học trong ngôn ngữ của toàn dân chứ không phải là một nét đặc trưng của riêng phương ngữ Nam Bộ. Các ca sĩ đều chọn ngữ âm Hà Nội làm chuẩn khi hát tân nhạc. Như vậy, phân biệt về giọng nói của dân SG với xuất xứ khác nhau không có trong truyền thống của người SG.

Sống hay kiếm sống?

Người đến SG - TPHCM từ xưa đến nay đều để sinh sống và để kiếm sống. Nhưng hai mục đích này không cố định, nó phụ thuộc vào quan hệ về kinh tế, chính trị và văn hoá. Nhưng dù đến để sinh sống hay để kiếm sống, tuyệt đại đa số họ đã góp sức tạo nên diện mạo TP hôm nay. Nhìn vào nguồn nhân lực của TP, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao sẽ thấy người nhập cư chiếm số lượng lớn.

Để có việc làm trong các cơ quan nhà nước, người ta phải có hộ khẩu, và có một thời gian dài để có hộ khẩu thì phải có việc làm. Yếu tố hộ khẩu có lúc hạn chế người ta sinh sống và kiếm sống một cách hợp pháp. Họ không thể mua nhà để định cư đứng tên mình, không mua được xe máy mang biển số TP, và nhiều thứ nữa liên quan đến hộ khẩu khiến họ sống ở TP chỉ để kiếm sống, dù đã hàng chục năm sinh sống ở mảnh đất này. Trong thực tế, họ là người SG, nhưng đối với chính quyền họ vẫn không phải là công dân TPHCM. Thời gian gần đây, chính sách về định cư đã thông thoáng hơn, nhiều người đã có được hộ khẩu, khiến họ có cảm thấy gắn bó, có trách nhiệm hơn với TP. Bên cạnh ý thức và vốn văn hoá để trở thành một công dân đô thị văn minh, tâm lý được chấp nhận và tự cảm nhận rằng mình thuộc về nơi đang sống là yếu tố quan trọng. Tâm lý này gần giống như cảm giác là chủ hay là khách ở một nơi nào đó.

Ai là chủ?

Sẽ hành xử như người chủ khi ta cảm nhận mình thuộc về một nơi nào đó, có những quyền và nghĩa vụ đối với nơi đó. Rõ ràng muốn có một thành phố văn minh, hiện đại thì phải có những chủ nhân văn minh và hiện đại. Vậy ai sẽ là chủ nhân của TP?

Cảm nhận là chủ, trong xã hội pháp trị trước hết phụ thuộc vào những quyền lợi và nghĩa vụ của người làm chủ. Tiếp đó là những ứng xử nơi họ sinh sống và làm việc, như thân thiện, bình đẳng, không kỳ thị. Để là chủ nhân của TP, phải có đủ hai nhóm yếu tố đó, nếu không sẽ cảm thấy mình là khách ở các mức độ khác nhau: khách vãng lai, khách quen, khách quý, nửa chủ nửa khách, hoặc thậm chí khách không mời mà đến. Một người làm việc ở một cơ quan của TP có lần buột miệng nói với bạn bè rằng “Ở cơ quan hơn 30 năm rồi mà vẫn thấy mình như khách”. Khi bị xem là khách nơi làm việc, thì khó lòng hết mình với công việc, nhưng họ không thể xa rời TPHCM. Như vậy, sự phân biệt khách và chủ có thể diễn ra ở môi trường này, mà không có ở môi trường kia ngay trong TP. Nơi nào người dân được cảm nhận là chủ, nơi đó họ sống hết mình, họ xây đắp và vun vén cho cuộc sống chung. Nơi nào họ được đối đãi như khách, họ đến rồi lại đi, hoặc chỉ có mặt cho có. Không có những chủ nhân toàn tâm toàn ý xây dựng TP thì không thể có một TP phát triển.

Như vậy, những người đến TP dù để sinh sống hay kiếm sống, nếu cảm thấy mình được tôn trọng, được quan tâm thì sẽ có trách nhiệm đối với nơi họ sống và làm việc. Bất kỳ một sự phân biệt đối xử thiếu tôn trọng hay bất kỳ sự kỳ thị nào đều là biểu hiện của sự thiếu văn minh và là nguyên nhân khiến lòng người bất ổn.

TS.Phan Thị Kim Ngân - Viện Ngiên Cứu Xã Hội TPHCM (Tạp chí Người Đô Thị)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm