Người mẫu Thúy Hạnh: Tiêu cực nghề mẫu bởi xã hội phức tạp

“Không dễ gì giữ được lửa nghề, giữ được hình ảnh đẹp và gắn bó với nghề người mẫu vốn có tuổi thọ ngắn ngủi so với các nghề diễn khác trong suốt 20 năm như chị em chúng tôi” - người mẫu Thúy Hạnh nói.

Nhiều người mẫu trẻ coi đồng tiền quá lớn

. Phóng viên: Là người 20 năm giữ được hình ảnh đẹp trong nghề lẫn đời tư, chị nghĩ gì khi hiện nay không ít người mẫu gây tai tiếng với scandal tình - tiền, như đường dây bán dâm ngàn đô hay vụ á hậu Võ Hoàng Yến lừa tiền đại gia mới đây?

+ Người mẫu Thúy Hạnh: Giữ được bản thân hay không, cái chính là do mình. Hạnh và Hằng luôn tự hào những gì mình có đều là từ sự lao động chân chính chứ không phải kiếm tiền bằng mọi giá. Được như thế chính mình cũng thấy tôn trọng bản thân mình cũng như nhận được sự tôn trọng của người khác. Trong khi đó nhiều bạn người mẫu trẻ hiện nay coi đồng tiền lớn quá, chạy theo đồng tiền, bởi tất cả chuyện tiêu cực nói trên đều dính đến tiền.

. Nói về cám dỗ, cạm bẫy trong nghề người mẫu, dư luận cho rằng chung quy cũng bởi giới người mẫu “óc ngắn”, chỉ biết ăn chơi, chạy theo hình thức… Chị nói gì về điều này?

+ Tôi chỉ có thể nói là tùy trường hợp cụ thể, có chuyện scandal xảy ra đúng với thực tế nhưng cũng có chuyện chỉ là đồn đoán. Nói người mẫu “óc ngắn”, đua đòi thì tôi nghĩ đó là định kiến của xã hội, bởi nghề nào cũng có người này người kia, người tốt kẻ xấu chứ không thể nói chung được. Xã hội đang phức tạp đi, chuyện xấu, người xấu trong các ngành nghề đều rất nhiều. Ngay chính ngành y, ngành giáo dục được coi là mũ cao vọng trọng cũng xảy ra quá nhiều chuyện sai trái nghiêm trọng như báo chí phản ánh chứ đâu phải chỉ riêng nghề người mẫu mới có vụ này vụ kia.

Người mẫu Thúy Hạnh: Tiêu cực nghề mẫu bởi xã hội phức tạp ảnh 1

Người mẫu Thúy Hạnh - người có uy tín trong nghề người mẫu, nhiều năm quản lý và “tiếp lửa” nghề cho thế hệ người mẫu trẻ.

Vỏ bọc không làm nên giá trị con người

. Nhiều người mẫu cứ chạy đua, cạnh tranh nhau bằng đồ hiệu để gây sự chú ý, chứng tỏ đẳng cấp của mình. Quan điểm của chị về giá trị của đồ hiệu trong thế giới người mẫu ra sao?

+ Vỏ bọc không làm nên giá trị một con người mà chính những việc người đó làm mới mang lại giá trị cho họ. Đồ hiệu không thể làm nên đẳng cấp của người mẫu được. Như người mẫu Xuân Lan đấy, bạn ấy chẳng cần đồ hiệu mà vẫn là một người mẫu tên tuổi hàng đầu, thành đạt. Ngược lại, có những bạn thu nhập không nhiều mà vẫn chạy theo đồ hiệu khiến bản thân khổ sở, chưa kể còn khiến dư luận đặt những câu hỏi to đùng như “Thu nhập bao nhiêu?”, “Tiền đâu mà mua đồ hiệu?” ảnh hưởng không ít đến hình ảnh, nghề nghiệp.

. Lâu nay Hiệp hội Người mẫu Việt Nam vẫn trong tình trạng “hữu danh vô thực”. Theo chị, làm cách nào để hoạt động người mẫu được quản lý tốt hơn, phát triển chuyên nghiệp hơn?

+ Hiệp hội Người mẫu đúng là hoạt động không hiệu quả. Ở Việt Nam, phần lớn người mẫu hoạt động tự do, không theo một công ty quản lý người mẫu nào. Việc hoạt động tự do như thế dẫn đến nhiều rủi ro cho các khách hàng như người mẫu có thể đến trễ, bỏ lịch diễn… Phía người mẫu cũng có thể gặp rủi ro không ít như khách hàng không trả thù lao, bắt người mẫu làm việc quá nhiều, quá sức so với thương lượng… Vậy nên hoạt động của các công ty người mẫu là cần thiết để làm cầu nối giữa người mẫu và khách hàng, giảm thiểu rủi ro cho cả hai bên. Các công ty người mẫu cũng sẽ chịu trách nhiệm về người mẫu của mình, có những chiến lược phát triển tên tuổi, hình ảnh để người mẫu hoạt động chuyên nghiệp hơn. Còn bây giờ đi đâu cũng gặp người mẫu, ai cũng xưng là người mẫu được, danh xưng siêu mẫu thì bị lạm dụng vô tội vạ không theo chuẩn mực, giá trị nào.

Gần đây tôi có nghe về việc cấp thẻ hành nghề người mẫu, điều này cần thiết nhưng cũng còn bao nhiêu băn khoăn khi đi vào thực tế, như sau khi cấp thẻ thì việc quản lý ra sao, có khác gì không, ai sẽ được cấp thẻ, có tiêu cực khi cấp thẻ hay không…

. Xin cảm ơn chị.

Người đẹp Việt thi nhan sắc quốc tế: Câu chuyện dài!

. Công ty Người mẫu Elite Việt Nam nơi chị đang làm làm giám đốc đã có nhiều kinh nghiệm đưa các hoa hậu, người mẫu đi tham dự các cuộc thi nhan sắc ở nước ngoài. Gần đây, việc đi thi sắc đẹp của các thí sinh Việt Nam không chỉ đạt thứ hạng thua sút so với trước đây mà còn để xảy ra những chuyện khiến dư luận ồn ào như vụ sai tên nước trên băng đeo của hoa hậu Trần Thị Quỳnh. Theo chị, làm thế nào để việc các người đẹp Việt Nam đi thi nhan sắc quốc tế đạt được kết quả tốt hơn?

+ Đây là chuyện rất dài và rất nhiều vấn đề, không chỉ nói gọn trong vài câu được. Bởi muốn việc các người đẹp Việt Nam đi thi đạt kết quả cao thì cần phải có một mối liên kết cộng đồng gồm rất nhiều thứ trong đó, từ thí sinh đến nhà tài trợ, nền tảng giáo dục-văn hóa xã hội để thí sinh có được sự độc lập, tự tin như thí sinh các nước phát triển.

HÒA BÌNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm