Ngô Thanh Vân làm phim về áo dài Sài Gòn trước 1975

Những hình ảnh đầu tiên của Cô Ba Sài Gòn xuất hiện ở buổi công bố dự án vào chiều 16-3 tại TP.HCM.

Phim với các thế hệ diễn viên, người mẫu: Diễm My, NSND Hồng Vân, Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X, Oanh Kiều, người mẫu áo dài trên lịch một thời - Thủy Hương.

Chia sẻ về dự án Cô Ba Sài Gòn, nữ diễn viên Ngô Thanh Vân cho biết: “Hơn 17 năm trở về Việt Nam làm việc, Tết nào tôi cũng mặc áo dài. Khi có giao lưu thảm đỏ tại nước ngoài, tôi vẫn ưu tiên chọn áo dài để nói lên sự tự tin của bản thân lẫn đất nước mình. Mùa Tết vừa qua có nhiều tranh cãi quanh áo dài, tôi nhận thấy có nhiều bạn trẻ không hiểu về áo dài và phần nào tình cảm dành cho áo dài vơi đi. Từ đó tôi và nhà thiết kế Thủy Nguyễn ấp ủ làm sao đem lại áo dài thời xưa lên màn ảnh rộng để thấy sự đẹp đẽ, mộng mơ của một người phụ nữ với áo dài như thế nào”.

Diễm My 9X và Ninh Dương Lan Ngọc sẽ vào vai những cô gái trẻ của Sài Gòn.

Trả lời một số thắc mắc của PLO xung quanh việc tại sao chọn tên Cô Ba Sài Gòn, bởi dự án ban đầu mang tên Ngàn năm áo lụa. Cũng như việc chọn tên cô Ba có liên quan gì đến cô Ba Trà hay thương hiệu xà bông cô Ba với người mẫu cô Ba Thiệu? Đạo diễn Ngô Thanh Vân cho biết: “Dự án ban đầu có tên gọi khác nhưng sau êkíp thống nhất chọn một cái tên nào dễ nhớ, dễ nghe và hình dung ra được người miền Nam nên thống nhất chọn Cô Ba Sài Gòn. Và hình ảnh cô Ba trong phim là hình ảnh phụ nữ miền Nam ngày đó chứ không nhất thiết cụ thể một cô Ba nào”.

Nữ diễn viên gạo cội Diễm My sẽ vào vai phụ nữ Sài Gòn xưa với những xung đột thế hệ khi bảo vệ chiếc áo dài truyền thống.

Đạo diễn Ngô Thanh Vân cũng khẳng định đã đăng ký bản quyền cho tên phim là Cô Ba Sài Gòn. Bởi trước đây thương hiệu Cô Ba đã được Cô Ba Vũng Tàu đăng ký, có đơn vị là Cô Ba xứ Quảng sử dụng và từng dính lùm xùm đến độ phải đổi tên thành Bếp nhà xứ Quảng

Diễn viên Ngô Thanh Vân ngoài vai trò đạo diễn, nhà sản xuất cũng đảm nhiệm một vai trong phim.

Riêng về việc tái hiện Sài Gòn xưa như thế nào trong phim để không gây ra những so sánh với lịch sử, nhà biên kịch Kay Nguyễn (Nguyễn Lê Phương Khanh) - trưởng nhóm biên kịch Cô Ba Sài Gòn cho biết: “Nhóm có nghiên cứu kỹ về lịch sử, văn hóa Sài Gòn giai đoạn đó, cũng như gặp những chuyên gia về áo dài… Bởi chúng tôi ý thức rằng đụng tới Sài Gòn xưa thì chắc hẳn mọi người sẽ chú ý xem coi thử mình làm ra hay không và sẽ nói nếu không ra thì đừng có làm. Êkíp phải trải qua nhiều thời gian, tham khảo sách vở… và với hiện tại, chúng tôi không dám nói 100% nhưng cố gắng phục dựng cách ăn nói, hành xử người Sài Gòn thời đó một cách đúng nhất. Bởi những năm 1968-1969, Sài Gòn tiếp nhận nhiều dòng chảy văn hóa từ Pháp cũ vẫn còn đến Anh-Mỹ và thế hệ già hơn thì theo Nho học, Sài Gòn thời đó trộn nhiều thứ bên trong. Chúng tôi rất thích điều đó và cố gắng để làm sao để làm phim về Sài Gòn xưa mà coi được”.

S.T là gương mặt nam gần như duy nhất giữa các mỹ nữ trong Cô Ba Sài Gòn.

Cô Ba Sài Gòn do Công ty VAA của Ngô Thanh Vân sản xuất, BHD phát hành. Phim sẽ bấm máy vào đầu tháng 4 và dự kiến ra rạp vào mùa thu năm nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm