Ngô Quang Hải: "Sai lầm lớn nhất của tôi là dễ dãi"

Gần đây tôi nhận được rất nhiều thông tin của bè bạn về bài báo viết tôi đã bạo hành với vợ, đánh vợ vỡ đầu, khoá trái cửa đi ra ngoài để trả lời “Yến là khát vọng của tôi”. Thực ra đã có một số người không thiện chí với tôi từ trước, đặt title bài đó khi biết cuộc hôn nhân của chúng tôi rạn nứt. Tôi thấy mình đang bị nhìn nhận như một người đàn ông hai mặt, như là tôi lợi dụng sự nổi tiếng của vợ làm quân bài danh vọng cho mình.

"Tôi yêu và lấy Yến trước khi nàng nổi tiếng". Ảnh: Nhân vật cung cấp.
"Tôi yêu và lấy Yến trước khi nàng nổi tiếng". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tôi không phải là người đàn ông hai mặt

Vợ tôi kém tôi 15 tuổi. Sau khi nàng học xong trường Múa, chúng tôi gặp nhau, đưa nhau đến câu chuyện thành công và tôi không bao giờ quên thời khắc đó. Khi mới gặp tôi, nàng rất hiền lành và chăm chỉ.

Mọi người hỏi tôi: "Anh đã có sự nghiệp sau khi có hôn nhân, sống với người vợ nổi tiếng thì thế nào?", bằng sự hàm ý không che giấu. Tôi chỉ trả lời những gì nhìn thấy và nghe thấy, những thứ khác tôi không nói, họ nghĩ rằng tôi khéo léo né tránh. Nếu như một ai đó khi đã bị chối từ vẫn xộc vào đời tư của người khác hỏi liệu có bất lịch sự quá không?

Đôi khi hiện tượng xảy ra nhưng không như những gì bạn nghĩ. Tôi chuyển vào sinh sống ở TP HCM từ năm 1993, sau khi tốt nghiệp ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Người miền Nam có câu nói rất hay: “Thấy vậy nhưng không phải vậy”. Một cái cây một ngày bị ngã xuống sau cơn gió, mọi người bảo cây đổ do lỗi cơn gió nhưng thực ra là do cây yếu, bị sâu đục, mục ruỗng bên trong từ lâu rồi.

Sai lầm lớn nhất của tôi là chiều vợ

Ngày bé, tôi đi xin những mầm cây phong lan, đặt và theo dõi từng ngày mầm cây nẩy lên, rễ cây dài ra từng chút một. Tôi không phải là người quá kỹ càng nhưng là người luôn chờ đợi những điều mình đã gieo cấy thì sẽ gặt lại. Tiếc rằng cuộc sống không phải mọi chuyện đều như ý muốn, bạn gieo một cái mầm tốt, chăm sóc nó hàng ngày nhưng cây lại cho quả đắng. Đó là bi kịch.

Tôi vẫn cho nguồn gốc bi kịch này là người đàn ông. Anh ta đã quá đam mê công việc của mình. Bi kịch xảy ra để cho người chồng tự hỏi, anh ta đã làm gì sai, có dễ phủi toẹt mọi chuyện thế không, để người vợ hỏi chồng mình có thực sự yêu mình, chiều mình không? Tôi đã phải đi tìm từng họa tiết hoa văn áo dài, từng họa tiết may váy để vợ xuất hiện trên thảm đỏ, gọi từng người thợ đến dặn dò.

Sai lầm lớn nhất của tôi là chiều vợ không kiểm soát. Tôi từng nói với nàng: "Mình đi một đôi guốc đẹp, mặc một cái váy đẹp, cầm một cái túi hàng hiệu đi vào một bữa tiệc sang trọng, không phải là mình là người sang trọng thuộc về giới quý tộc đó đâu. Hãy là chính mình trong tất cả mọi chuyện".

Chưa một lần nào, nàng phải làm dâu mẹ tôi. Mẹ tôi mỗi lần nói chuyện này lại khóc: “Mẹ cũng đã quá nuông chiều nó”.

Cuộc hôn nhân của tôi kéo dài gần bốn năm, chúng tôi quen nhau bốn năm thì cưới. Ngày cưới của tôi, mẹ tôi không có mặt. Chưa bao giờ, cha mẹ tôi được câu hỏi thăm từ con dâu của mình một cách tự nguyện, trừ khi tôi trực tiếp gọi điện thoại về cho cha mẹ hỏi thăm sức khỏe, vào những dịp lễ Tết và đưa máy cho nàng. Đó là điều khiến tôi luôn đè nặng trong lòng, không thể trả lời cha mẹ được.

"Chúng tôi đã cùng đưa nhau tới những tháng ngày thành công" (Quang Hải - Hải Yến tại LHP Montreal năm 2006). Ảnh: Nhân vật cung cấp.
"Chúng tôi đã cùng đưa nhau tới những tháng ngày thành công" (Quang Hải - Hải Yến tại LHP Montreal năm 2006). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tết năm vừa rồi tôi về nhà với tâm trạng rất buồn. Cha mẹ, anh chị em tôi biết được chuyện đó, rất nhiều người chia sẻ nhưng cũng không dám hỏi han. Vì thế, tôi chỉ ở với cha mẹ đêm 30 và sáng mùng 1. Chiều mùng 1 tôi lái xe lên Hà Nội trốn tránh tất cả. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt cha mẹ mình… Sáu ngày Tết tôi chỉ ngồi trong nhà viết kịch bản, không bước chân ra ngoài.

Không ân hận vì theo đuổi đam mê

Những chuyện đã xảy ra, tôi chỉ thấy ân hận lớn nhất trong đời là chưa làm cho cha mẹ tôi vui. Các cụ dạy, tiên trách kỷ hậu trách nhân, tôi sẽ trách cá nhân tôi trước còn với người khác tôi không nói gì. Con người ta lớn lên, trưởng thành là do giáo dục, do nền văn hóa của mỗi người. Học cao hiểu rộng cũng chỉ để tìm cách sống tốt hơn, làm người không bị chê cười, không bị chửi bới, lăng mạ.

Tôi không cho phép người thân của tôi làm như vậy với người khác, đau xót thay điều đó đôi khi lại xảy ra với chính tôi. Tôi luôn tâm niệm trong mọi mối quan hệ với những người xung quanh: Không phải ai giúp mình, làm những việc có lợi cho mình thì mới kết bạn. Cuộc sống này có nhiều cách để sống. Người ta ra ngoài gặp mọi người với những bộ mặt khác. Nhưng khi trở về nhà, đóng chặt cửa lại tự hỏi có day dứt hay không?

Tôi cho rằng, người đàn ông không thể dễ dàng vì người khác mà ruồng rẫy người thân của mình, nhất là người ấy lại từng đầu gối tay ấp với mình, từng là cuộc sống, hơi thở của mình. Một phần vì đam mê phim ảnh, tôi thừa nhận bị cuốn theo dẫn đến cuộc sống gia đình có lúc thiếu thốn đôi chút về tinh thần, vật chất, nhưng không nhiều. Và tôi không bao giờ ân hận vì đã theo đuổi đam mê của mình.

Có thể thời gian trôi đi, mỗi người sẽ có suy nghĩ khác. Khi bạn hỏi người khác về một điều gì, ai cũng cố gắng nói tốt cho mình. Tôi thừa nhận mình đã sai lầm nhưng không như những gì báo chí nói, không vì một cô gái mà ruồng rẫy vợ mình. Bằng chứng là sau gần tám năm, tôi không có một người nào khác cho đến khi xảy ra những chuyện về con cái. Tôi rất đau đớn khi mình về nhà mà không cảm thấy đó là nhà mình.

100 người khi đó có 99 người trách tôi khi chỉ nhìn vào hiện tượng. Tôi chấp nhận, nếu điều đó là tình thương, là sự chịu đựng để có được tương lai, để bảo vệ điều gì đó. Nhưng tôi nghĩ chuyện này không đáng để tôi phải làm như thế. Sự nghiệp của tôi có được là do hai mươi mấy năm ăn học, lăn lộn từ thằng trợ lý, chạy việc vặt, thiếu nước lau chân cho đạo diễn… chỉ mong sẽ học hỏi và làm được những bộ phim hay. Sai lầm lớn nhất của tôi lúc đó là kéo người thân vào đam mê phim ảnh, để cuộc sống gia đình lẫn trong công việc.

Tại sao tôi không lấy vợ bình thường, đẻ con bình thường mà cứ cuốn từ phim nọ sang phim kia, câu chuyện nọ sang câu chuyện kia. Đến một ngày chính tôi là nạn nhân của câu chuyện đó. Mọi người hỏi tôi về công việc bao giờ cũng thòng thêm câu: "Cuộc sống thế nào, hôn nhân ra sao?". Thực ra công việc của tôi, gia đình của tôi là một.

Sau khi chia tay, thỉnh thoảng tôi gặp nàng một cách tình cờ. Tôi hỏi: "Em thế nào, em có khỏe không?", và cũng đợi ở nàng một câu hỏi như vậy, nhưng... Tôi cảm thấy khi sống với nhau không có sự chia sẻ thì khi xa nhau sẽ càng khó hơn nếu ai cũng khăng khăng giữ cái tôi của mình.

Có những điều vợ chồng hy sinh cho nhau không nói ra. Tôi nhận thấy những người sống trọn đời với nhau là những người biết nhường nhịn nhau. Không phải là đem những hy sinh đó ra rêu rao. Nếu thế thì xã hội chúng ta không có những câu chuyện nhân văn đâu.

Cho tôi xin một sự bộc bạch đơn giản: Tất cả những câu chuyện đã xảy ra, chỉ những người luôn nhìn quá khứ một cách ảm đạm hoặc dối lòng mình mới không dám đối diện với nó.

Hỏi đã sống thật lòng với nhau chưa?

Thực ra bây giờ nếu viết câu chuyện của tôi thành một cuốn tiểu thuyết thì hay vì không có một câu chuyện nào mổ xẻ, phân tích đến tận cùng cuộc sống bằng chính câu chuyện của cuộc sống.

Tôi đam mê phim ảnh hơn tất cả mọi thứ. Khi tôi truyền đam mê cho em, một ngày nào đó, em thành công, em tưởng mình cũng đam mê. Khi đó em thấy mình không thể thỏa mãn nhau nữa, em quay sang bảo tôi: "Cái đam mê của anh là cái vất đi". Tôi nhã nhặn đáp lại: "Vâng, chị là nhất". Em lại dấn thêm bước nữa, nói: "Vì những bộ phim vớ vẩn anh bỏ con anh". Trước đó, mọi người đồn tôi pêđê, đồng tính, giới tính thứ 3, có vấn đề, không đáp ứng được cho cuộc sống gia đình. Cho tôi hỏi nếu bạn đặt tất cả niềm tin và cuộc sống vào sự nghiệp nhưng sau đó nhận được những điều như vậy thì bạn sẽ làm gì?

Hai vợ chồng lấy nhau, đến một ngày chồng em đi làm về, em thông báo em có thai, chồng em sướng vô cùng vì bao nhiêu năm chờ đợi. Một ngày khác, anh ta đi làm về, thấy khuôn mặt em nặng nặng, em bảo là chưa thích hợp, có khi để hai năm nữa.

Chồng em bảo: "Anh muốn đẻ, nếu không nhận con nuôi cũng được", em bảo em không nuôi con người khác. Không nói ra thì ai cũng biết đàn ông muốn có con. Ngày một, ngày hai cho đến ngày thứ năm về nhà vẫn thấy em nặng mặt. Lại một ngày không đẹp trời khác, mẹ em điện cho tôi bảo: "Vợ con nói gì với con chưa, mẹ đi xem bói thầy bảo nếu đẻ con gái thì một trong hai sẽ chết, đẻ con trai thì được heo vàng". Anh vẫn nói: "Con muốn đẻ". Khi người ta khát khao như vậy mà không được, đàn ông vốn là người cục tính, bực tức nói: "Thế nào cũng được". Người đàn bà bắt được cái cớ đó để bỏ con đi.

"Sau cuộc hôn nhân, tôi còn lại gì?". Ảnh: Ngọc Trâm.
"Sau cuộc hôn nhân, tôi còn lại gì?". Ảnh: Ngọc Trâm.

Qua những chuyện này, chuyện kia, em đổ riết cho chồng: "Vì người khác, anh ruồng rẫy tôi". Sau này một mặt, em đi nói với bạn bè: "Anh ấy muốn tôi phải bỏ đứa bé đi", một mặt em lại nói với chồng em: "Vì những bộ phim vớ vẩn anh bỏ con anh". Lúc đó, nếu có thể lao ra khỏi cửa kính dưới là 30 tầng tôi cũng có thể lao được.

Sau đó có những việc đã xảy ra bạn bè chứng kiến khuyên can hai vợ chồng. Ban đầu mọi người trách tôi, rồi quay sang khuyên vợ tôi nhưng cuộc đời chẳng biết trước được. Một khi phụ nữ đã tức rồi thì cái gì cũng làm. Nàng không có một người tư vấn tốt đằng sau chuyện đó. Nếu chị có chồng, khi chị dữ lên, chị đạp chồng một cái có bao giờ chồng chị đi nói với người ta: "Vợ tôi đạp tôi không?". Nhưng nếu chị xúc phạm chồng đến mức anh ta không chịu được, anh ta bợp tai chị một cái, thì bị gán tội bạo hành và chị ngay lập tức đến viện nói: “Tôi bị chấn thương sọ não” sau đó phone cho tất cả bạn bè anh ta nói rằng anh ruồng rẫy vợ… Mà ngay tối đó, theo lịch, hai vợ chồng sắp sửa phải sang Vladivostok (Nga).

Trước đó một thời gian, một người bạn chung, khi biết chuyện của chúng tôi thông qua lăng kính của vợ tôi đã đến hỏi và trách tôi: “Tại sao anh lại làm thế ?”. Rồi khi tôi đang chọn vai Chít và Pi, còn khoảng 1 tiếng nữa là ra sân bay, chính anh ta đã ngăn vợ tôi không nên làm lớn chuyện nhưng không được… Anh ta gặp tôi sau khi chứng kiến mọi chuyện và nói: “Anh cho tôi xin lỗi, bây giờ tôi đã hiểu những gì anh phải chịu đựng”. Đó là ý kiến của những người ngoài, còn khi bạn đối mặt với cuộc sống của chính mình, bạn phải chấp nhận nó.

Hôm đó, khi lái xe về, tôi thấy nàng của tôi đã về nhà, đang nằm ở ghế sofa, nói chuyện với hai người bạn tôi. Tôi nói: “Anh sẽ không đi Vladivostok nữa”, nàng bảo: “Em vẫn đi”. Tôi nói: “Vậy anh sẽ đưa em ra sân bay”. Tôi hơi choáng váng vì trước đó 20 phút, nàng vẫn… “chấn thương sọ não” thì làm sao có thể bay được hai mấy tiếng? Tôi rất lo nên bảo: “Nếu sang Seoul - Hàn Quốc (chuyến bay transit ở Seoul) hoặc đến nơi em bị mệt thì báo cho anh, anh có sẵn vé và visa, anh sẽ bay sang”. Trong những ngày nàng ở bên đó, tôi vẫn hy vọng nhận được điện thoại nhưng không hề thấy. Song lại có những cú điện thoại của nàng gọi về cho những người bạn tôi, vợ con họ, nói là nàng đang rất ốm và đau nằm đó một mình. Dù tôi biết nàng vẫn có mặt tại hầu hết buổi tiệc.

Tôi là người từng phải suy nghĩ rất nhiều trước khi cầm bút viết về con người, đọc bao nhiêu câu chuyện, xem bao nhiêu bộ phim làm về mật mã con người. Vậy mà khi chuyện dội vào mình thì chính mình quay cuồng không biết đâu là sự thật..

Khi tôi bắt đầu yêu nàng, nàng nặng 36 cân vì đau dạ dày. Vào Sài Gòn, cặp xanh cặp đỏ trên đầu, người ta hỏi: "Hai cậu cháu đi đâu?". Thậm chí nàng còn chưa lên được cầu thang cuốn. Nhưng khi ấy nàng đã yêu một người sau này là tiếp viên hàng không. Nàng nói với mọi người: "Hải là người đàn ông đầu tiên của tôi".

Trong bài báo gần đây có hàm ý nhắc đến cuộc sống của chúng tôi với tình tiết: Vì tình nghĩa vợ chồng, nàng đã không cho đăng bài báo kể sự thật về tôi. Thực ra, tôi rất muốn bài báo đó được đăng lên. Đến bây giờ, tôi muốn hỏi nàng một câu: Đã thật lòng với chồng mình chưa? Có phải tình cảm dành hết cho chồng không?

Tôi không hỏi câu hỏi đó cho một diễn viên, tôi hỏi một người vợ.

Sau cuộc hôn nhân tôi còn lại gì?

Sau một cuộc hôn nhân, tôi còn gì trong tay? Tôi làm về cái gì? Làm về tương lai con cái à? Bằng không. Làm về xe hơi, nhà lầu à? Tôi có xe hơi từ năm 26 tuổi. Năm 29 tuổi đã có nhà cửa đàng hoàng, không thiếu thốn gì. Những thứ tôi có được từ công việc làm ăn, buôn bán chứ không phải tiền từ việc đóng những bộ phim nước ngoài như Người Mỹ trầm lặng, Chiều mùa hè thẳng đứng, Xích lô... Cái thuận lợi là tôi và nàng đã có một giai đoạn chung sức. Tôi không yêu và lấy nàng khi nàng nổi tiếng mà là trước đó rất lâu rồi.

Khi câu chuyện xảy ra, tôi bị choáng váng, choáng váng vì sự chuẩn bị của người từng gắn bó với mình, choáng váng vì chiến dịch chuẩn bị của tạo hóa. Tôi không khuyên một người phụ nữ thích một người đàn ông như tôi vì có rất nhiều bi kịch, có rất nhiều trạng thái trong cuộc sống của anh ta. Tôi đã kéo cả gia đình vào cuộc chơi nguy hiểm bởi đam mê điện ảnh của mình. Sau mỗi người đàn ông thành đạt hay thất bại đều có bi kịch. Bi kịch không phải do mình không hiểu mình mà là do trong một khoảnh khắc anh không xác định được mình là ai.

Trước khi gặp nàng, tôi cũng yêu một vài người, và đổ vỡ. Cũng do có những người nói với tôi là làm nghề xướng ca vô loài. Tôi nói: “Ô, vậy à, chào nhau nhé”. Tôi đi phất phơ. Tôi muốn làm việc mình muốn, và đi tận cùng đam mê của mình.

Con người ta không thể tránh khỏi sai lầm. Sai lầm không được sửa chữa sẽ liên tiếp dẫn đến những sai lầm khác buộc người ta phải trả giá. Tôi không dám đùa với phụ nữ. Và bây giờ thì tôi sợ. Tôi nghĩ cần phải có thời gian, sẽ lại là bi kịch nếu một ai đó lúc này đến với tôi. Tôi không được giáo dục để chịu những bất ngờ liên tiếp dù tôi xem phim rất nhiều và thích cái tính đảo chiều như vậy.

Theo NGỌC TRÂM (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm