Nghệ sĩ Xuân Hương: 'Châm biếm thế nào thể hiện văn hóa thế đó…'

Thật ra các chương trình hài châm biếm dạng nói thẳng thật ở Việt Nam thật sự đúng nghĩa, có giá trị là đã có từ lâu như Những người thích đùa, Táo quân của VTV và nhiều chương trình khác trên tivi như Kính đa tròng, Cười không độ…

Pháp Luật TP.HCM có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Xuân Hương xung quanh vấn đề này. 

Nghệ sĩ Xuân Hương cho rằng tự do ngôn luận không có nghĩa là muốn nói gì thì nói, hay có thể nói như lăng nhục người khác một cách tùy tiện.

Không nên xem đối tượng phê phán là kẻ thù để hạ gục

. Phóng viên: Với tư cách là một nghệ sĩ làm đúng thể loại show hài châm biếm như mục tiêu mà chương trình Những kẻ lắm lời - Bitches in town tự nhận, chị có suy nghĩ gì về chương trình này?

+ Nghệ sĩ XUÂN HƯƠNG: Tôi không xem nhưng đọc nhiều, nghe nhiều dư luận nói về chương trình này nên cũng có những quan điểm riêng của mình. Đối với tôi thì mỗi người đều có quyền tự do thể hiện quan điểm của mình và có rất nhiều cách thể hiện sự phê phán về một đối tượng hoặc một sự việc nào đó. Tôi không chọn cách nói đối đầu và nặng lời, miệt thị người khác vì như vậy thì tác phẩm của mình sẽ bị phản tác dụng, vô hình trung mình biến bạn thành thù. 

Hơn nữa trong mỗi tác phẩm dù lớn, dù nhỏ cũng phải mang tính giải trí, tính giáo dục, đem lại mỹ cảm nghệ thuật cho khán giả và cuối cùng là phải gửi gắm thông điệp gì đến khán giả. Đó là bài học mà tôi đã được nhà trường dạy, tôi vẫn tuân thủ qua mấy mươi năm nay.

. Vậy với chị, thế nào là nói thẳng nói thật trong hài châm biếm?

+ Nói thẳng nói thật là nói những chuyện thật sự có tác động không tốt đến cộng đồng, quốc gia, dân tộc, hay chí ít là nó ảnh hưởng đến bản thân mình. Nói thẳng nói thật không phải là đem những khiếm khuyết, sơ xuất của người khác ra để nhục mạ, nặng lời, làm người khác bị tổn thương hoặc ảnh hưởng không tốt đến danh dự của họ.

Và chuyện nói thẳng nói thật trong hài châm biếm này phải được thể hiện với sự hài hước, duyên dáng để xây dựng một cách khéo léo, tế nhị, có bài bản chứ không phải kiểu nói vô tội vạ. Đừng đem tâm lý coi đối tượng đang nói đến là kẻ thù để hạ gục họ bằng những ngôn từ mang tính chà đạp, cười cợt, dèm xiểm khiến đối tượng cảm thấy bị xúc phạm.

. Chị nghĩ sao về quan điểm châm biếm tức là đối kháng, là nói xấu đối tượng? Trên thế giới từng có những chương trình nghệ sĩ được mời đến để nghe MC châm biếm những khiếm khuyết, sơ xuất của mình bằng những ngôn từ chẳng dễ nghe, nếu họ không chống đỡ được thì đành chịu?

+ Khi nói đến hài châm biếm, show châm biếm thì phải hiểu là loại hình nghệ thuật hoặc show diễn chỉ ra những điều rất thật, những điều còn chưa đẹp chứ không phải nói xấu. Nói xấu có nghĩa là đặt điều, bịa chuyện cho người khác. Còn nói thật là vạch trần cái xấu của ai đó qua lăng kính và ngôn ngữ châm biếm, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu đó nhưng phải thể hiện tính chất xây dựng, không gây hận thù.

Trên sân khấu, hai nghệ sĩ có thể “đốn” nhau, “hạ gục” nhau ngay trước mặt khán giả. Họ có thể đem những chuyện “khiếm khuyết” của nhau ra gây cười nhưng phải thể hiện một cách dí dỏm, thông minh, có văn hóa và cái cười đó phải trên nền tảng tôn trọng nhau, nâng nhau lên chứ không phải là hạ nhục nhau. 

Sự “công kích” đó cuối cùng phải để lại trong lòng khán giả về tình bạn, về sự tôn trọng lẫn nhau và để lại niềm vui hoặc một kết luận thú vị hay “bài học” thú vị bổ ích thông qua câu chuyện mà người diễn viên thể hiện.

Một chương trình dù chỉ mang tính giải trí đơn thuần thì vẫn phải mang giá trị mỹ cảm đến cho công chúng.

Nhưng cũng có dư luận cho rằng nói kiểu nào và nói chuyện gì là quyền tự do ngôn luận của mỗi người. Chị nghĩ sao về điều này?

+ Tự do ngôn luận không có nghĩa là muốn nói gì thì nói, hay có thể nói như lăng nhục người khác một cách tùy tiện. Bởi vì bên cạnh khái niệm tự do ngôn luận còn có khái niệm lịch sự, kèm theo đó là khái niệm có giáo dục và rất nhiều từ ngữ khác thuộc về khái niệm văn hóa trong ứng xử. Đó là những khái niệm mà chúng ta phải luôn nhớ, bởi cách mình nói sẽ cho biết mình là ai. Người nghe sẽ đánh giá mình là người có nhân cách như thế nào, có văn hóa hay không.

Hơn nữa, nếu sự phê phán được thể hiện bằng những ngôn từ suồng sã, thô tục vượt quá cái ngưỡng tôn trọng người khác thì có thể sẽ vượt qua ranh giới của tinh thần xây dựng, khi đó có khi chúng ta sẽ vi phạm pháp luật vì mang tội làm nhục người khác.

“Cơ quan kiểm duyệt bảo hài châm biếm của tôi nói nhẹ quá”

. Theo chị, với một người làm chương trình hài châm biếm, đâu là ranh giới giữa quyền châm biếm nói thẳng nói thật, quyền tự do ngôn luận với quyền riêng tư, đời tư của một người nổi tiếng?

+ Ở ngoài vẫn chấp nhận chuyện đem hình tượng những chính khách, những người lãnh đạo đất nước lên sân khấu để làm đề tài cho các nghệ sĩ phê phán nếu như những đối tượng đó có những hành động đôi khi chưa được đúng chuẩn mực của cương vị mà họ đang có, hoặc họ có những phát ngôn chưa thuận lòng dân chẳng hạn. Nhưng sự phê phán đó cũng phải tuân theo những nguyên tắc của nghệ thuật, của ứng xử và quan trọng là sự phê phán đó làm cho người được phê phán phải tâm phục khẩu phục để khắc phục.

Nói chung là đừng biến mình thành người bị phê phán vì những phát ngôn hoặc những hành vi quá trớn khi phê phán người khác.

. Là người tiên phong làm những show hài châm biếm, nói thẳng nói thật ở Việt Nam qua seri chương trình Những người thích đùa, chị nói gì về thể loại này?

+ Hài châm biếm là một thể loại không lạ trên thế giới nhưng trên thế giới tỉ lệ nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này không nhiều bởi đây là một thể loại rất khó. Mà khó nhất là khâu viết kịch bản, làm sao phải biến một vấn đề khô khan, chính luận của xã hội thành “mềm mại” và đem đến tiếng cười cho khán giả.

. Chị có gặp sự trở ngại nhiều lắm không ở khâu kiểm duyệt?

Nghệ sĩ Xuân Hương: 'Châm biếm thế nào thể hiện văn hóa thế đó…' ảnh 3
Nghệ sĩ Xuân Hương và những giải thưởng mà chị đạt được - Ảnh: N.TÝ 

+ Những năm đầu mới vào nghề tôi gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn. Bởi tâm lý người Việt Nam ăn sâu từ xưa đến giờ là không thích bị người khác phê phán. Tôi làm hài châm biếm từ thời những năm 1980, lúc đó chuyện phê phán một ai hay một việc gì rất dễ bị dị ứng, bị suy diễn.

Tôi làm show không nói thẳng ai, chỉ phê phán những tấm gương tiêu cực điển hình và phổ biến thời bấy giờ. Có nhiều người thấy mình trong những nhân vật tôi thể hiện nên tự nhiên có những ông A, B, C, D nào đó khó chịu nên họ phản ứng. Tuy nhiên, dần dần xã hội phần nào hiểu một cách đúng đắn sự tự do ngôn luận nên chuyện phê phán trở nên quen thuộc với cơ quan chức năng. Họ hiểu và chấp nhận tính phản biện, tính giáo dục và sự cần thiết của thể loại hài châm biếm. 

Hơn nữa, dần dần báo chí cũng mạnh mẽ hơn trong chuyện chống tiêu cực nên việc kiểm duyệt những chương trình của tôi cũng dễ dàng hơn. Thậm chí đôi khi cơ quan chức năng còn cho rằng những gì tôi thể hiện hãy còn quá nhẹ nhàng so với thực tế đang diễn ra trong xã hội.

. Tại sao chương trình Những người thích đùa bị gián đoạn lâu như vậy, thưa chị?

+ Có thể một ngày không xa tôi sẽ lại tái ngộ với khán giả qua chương trình Những người thích đùa vì đó là máu thịt của tôi.

. Xin cám ơn chị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm