Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á: Hạnh phúc hơn với chuyến đi Hoàng Sa

Dù không đại diện cho một cơ quan, tổ chức nào, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vẫn xông pha đến Hoàng Sa trong những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 để ghi lại những hình ảnh giá trị về việc giữ gìn biển đảo Việt Nam.

Quyết liệt ra Hoàng Sa

. Tại sao anh thuyết phục được lực lượng hải quân để được lên tàu ra Hoàng Sa chụp ảnh với tư cách cá nhân, không đại diện cho cơ quan nào?

Tôi đã từng đi Trường Sa nhiều lần cho ý tưởng triển lãm ảnh về tình người ở Trường Sa. Triển lãm ảnh này gần như đã hoàn thành xong thì xảy ra vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam. Tôi nghĩ, bộ sưu tập ảnh về chủ quyền biển đảo của tôi phải nhất thiết có những hình ảnh Hoàng Sa trong thời khắc lịch sử này. May mắn là trong những lần đi Trường Sa trước đó, tôi đã có được các mối quan hệ xã hội, trong đó có lực lượng hải quân. Các anh cũng biết đến sự lao động nghiêm túc của tôi, hiểu được sự dấn thân làm nghề của tôi qua các bộ sách ảnh: Họ đã sống như thế; Tâm và Tài, Họ là ai ... Khi xin ra Hoàng Sa, tôi cũng trình bày rõ kế hoạch của mình là thông qua hình ảnh để kể câu chuyện xuyên suốt về các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và đặc biệt là những ngư dân ngày đêm bám biển để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam thì đã may mắn được sự đồng ý.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á (đứng giữa) cùng các đồng nghiệp trên tàu cảnh sát biển 8003 tại Hoàng Sa tháng 6-2014. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh có chuẩn bị tâm lý đương đầu với những nguy hiểm có thể xảy ra khi có mặt trên con tàu bị tàu Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng?

+ Dĩ nhiên tôi biết có nhiều nguy hiểm, nhưng nếu e ngại nguy hiểm, tôi không thể có những bức ảnh giá trị về thời khắc quan trọng của đất nước. Để có nhiều góc hình, nhiều câu chuyện tôi thường xuyên di chuyển sang các tàu khác nhau, từ tàu tàu lớn sang tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển để chụp ảnh và nói chuyện với họ. Đợt hai tôi ra Hoàng Sa trúng cơn bão số 6, sóng rất mạnh. Trước khi xuống thuyền thúng để di chuyển qua tàu ngư dân, tôi đều chép mọi dữ liệu hình ảnh để lại ở tàu lớn. Ở độ sâu 1500m, nếu có cơn sóng lớn ập tới, thì mình chịu hy sinh máy móc, ống kính. Còn lỡ bản thân mình nếu có chuyện gì thì tiếc lắm, vì tôi còn bao nhiêu kế hoạch phải làm, bao nhiêu công việc dở dang (Cười).

 Đoàn kết giữ vững chủ quyền - Ảnh Nguyễn Á

Sống trong không khí sục sôi ý thức bảo vệ chủ quyền 

Anh có cảm nhận gì về ba cụm nhân vật chính: lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, ngư dân mà anh chụp ở Hoàng Sa?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á: Hạnh phúc hơn với chuyến đi Hoàng Sa ảnh 3

Giữ hòa bình trên ngọn sóng biển Đông - Ảnh Nguyễn Á

+Cả ba lực lượng này đều rất bản lĩnh và cực kỳ kiềm chế trước thái độ hung hăng, ngang ngược của phía Trung Quốc. Bạn thử tưởng tượng khi bạn bị người khác hung hăng đánh mà bạn không đánh trả lại, chỉ đỡ đòn và né thôi. Đó là điều tôi rất khâm phục ở các lực lượng này. Họ kiên quyết bảo vệ chủ quyền trong hòa bình, không gây xung đột với phía Trung Quốc. Mặc dù suốt ngày bị tàu Trung Quốc dí chạy, va đâm, phun vòi rồng nhưng họ nói với tôi họ không cảm thấy mảy may lo sợ gì cả. Vì lúc này, họ nhận được rất nhiều sự quan tâm từ đất liền. Họ cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Có ngư dân còn nói với tôi rằng chẳng may tàu Trung Quốc có đâm vào tàu của họ thì cũng chẳng lấy làm buồn vì đó là sự hy sinh để bảo vệ chủ quyền và họ còn đùa vui rằng khi tàu bị va đâm, họ càng nhận được nhiều sự ủng hộ, chia sẻ của đồng bào cả nước cũng như nước ngoài...

Có đến năm lần ra Trường Sa, bộ ảnh của anh có những câu chuyện gì đặc biệt?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á: Hạnh phúc hơn với chuyến đi Hoàng Sa ảnh 4

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tại đảo Sinh Tồn cuối năm 2013  (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 + Người xem sẽ thấy được những câu chuyện thú vị về hai cha con cùng là lính đảo Trường Sa, lý giải tại sao đảo Nam Yết là đảo duy nhất có dừa; câu chuyện chuyển giao nhiệm vụ thay quân giữa những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ với tân binh Trường Sa câu chuyện trong những lời gửi gắm và nước mắt rưng rưng; hay hình ảnh xuyên suốt về các bà mẹ ở Trường Sa từ khi tôi gặp lần đầu mới có thai năm tháng cho đến khi đứa con chào đời, bi bô; những tình cảm tốt đẹp của lính nhà giàn với ngư dân qua các hình ảnh lính ngư dân ghé vào thăm nhà giàn xin nước, thuốc men, nhờ băng bó vết thương bị cá quẫy trúng hoặc ghé tặng cá, mực cho lính đảo.

Hai chuyến đi Hoàng Sa có ý nghĩa gì trong cuộc đời làm nghề nhiếp ảnh của anh?

+ Đó là sự may mắn trong nghề nghiệp của tôi. Giữa thời bình nhưng được sống, cảm nhận và tác nghiệp trong một không khí sục sôi ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước. Chuyến đi khiến tôi cảm thấy hạnh phúc hơn trong nghề nghiệp, cảm nhận rõ hơn tình yêu quê hương trong tim mình. Và tôi hài lòng với những bức ảnh trên cả mong đợi. Ngoài những bức ảnh về cảnh sát biển, kiểm ngư, ngư dân, tôi cũng chụp được cảnh bão tố, cảnh bình minh đỏ rực trên biển… thấy biển trời quê hương đẹp nao lòng. Tôi cũng chụp được cảnh các đồng nghiệp phóng viên vẫn không rời nhiệm vụ để gồng mình chống đỡ vòi rồng từ tàu Trung Quốc phun sang cuốn theo cả những mảnh kính tàu vỡ sắc lẹm. Tôi nhìn họ để phấn đấu thêm cho mình, làm sao có thể giỏi hơn, tốt hơn những điều bản thân mình đã làm trước đây.

Xin cảm ơn anh

TRÀ GIANG thực hiện

Mang thịt bò ra Trường Sa

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á: Hạnh phúc hơn với chuyến đi Hoàng Sa ảnh 5
 Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Mỗi lần đến Trường Sa, Nguyễn Á như về nơi thân thuộc của mình. Anh đều chu đáo chuẩn bị quà cho mọi người trên đảo. Anh mua thuốc bổ, thịt bò ngon rồi lọ mọ ủ đá, đóng vào thùng xốp dành tặng cho các bà bầu. Anh mua vài chục ký trái cây tặng cho cư dân, sách báo và không quên đóng khung những tấm ảnh anh đã chụp mọi người những lần đến trước. Với tình cảm chân thành đó, người dân và các chiến sĩ ở Trường Sa rất quý mến Nguyễn Á, xem anh như người nhà và thường xuyên liên lạc với anh qua điện thoại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm