Nghệ sĩ liên tục mở sân khấu riêng

Chỉ từ đầu năm 2017 đến nay, tính sơ qua đã có đến năm sân khấu kịch - nghệ thuật biểu diễn mới ra đời tại TP.HCM… Đó là Sân khấu kịch Minh Nhí của nghệ sĩ Minh Nhí, Sân khấu kịch Rubik của vợ chồng nghệ sĩ Hoàng Mèo - Đại Ngọc Trâm và những người bạn, Kịch Buffalo Theatre của nhóm Buffalo và Sân khấu kịch Quốc Thảo...

Thua lỗ vẫn quyết làm

Sân khấu kịch Quốc Thảo vừa được nghệ sĩ Quốc Thảo và Quốc Thuận ra mắt vào tuần rồi. Tiếp theo đó một ngày, nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng khai trương Nhà hát Chợ Lớn diễn thời trang, cải lương, hát bội… do chính anh phụ trách.

Đáng nói là các sân khấu mới liên tục ra đời trong bối cảnh nhiều sân khấu đã tồn tại từ trước liên tục thua lỗ, nhiều sân khấu mới khai trương không lâu đã phải đóng cửa. Như trong năm 2016, diễn viên Gia Bảo đã khai trương Sân khấu kịch Family ở quận 1, chỉ ba tháng sau đó anh báo lỗ đến 700 triệu đồng, phải đóng cửa.

Trong cùng năm này, sau khi đoạt danh hiệu quán quân game show Cười xuyên Việt, được sự hỗ trợ của một nhà đầu tư, nhóm hài X-Pro đã ra mắt sân khấu kịch riêng ở một quán cà phê lớn nhưng phải ngưng hoạt động sau đó không lâu. Nhiều sân khấu kịch lớn như Hoàng Thái Thanh, IDECAF, Phú Nhuận vẫn liên tục bị lỗ, sụt giảm khán giả.

Thế nhưng, ở những địa điểm nhóm nghệ sĩ này vừa thua lỗ đóng cửa sân khấu đã có nhóm nghệ sĩ khác thế vào, khai trương sân khấu mới, như trường hợp của nghệ sĩ Minh Nhí làm sân khấu nơi nhóm X-Pro từng làm. Trước đó, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi đã tiếp nhận sân khấu của Nhà văn hóa quận 6 để làm Sân khấu kịch TKC khi ông bầu Bảo Anh phải đóng cửa Sân khấu kịch CTM tại đây…

Tại sao thua lỗ nghệ sĩ vẫn quyết làm sân khấu riêng? Các sân khấu đó tồn tại bằng cách nào? Sân khấu và khán giả sẽ được gì với những sân khấu như thế?...

Sân khấu kịch Quốc Thảo của nghệ sĩ Quốc Thảo và bạn bè trong ngày khai trương. Ảnh: HÒA BÌNH

Sân khấu tồn tại được là nhờ… học trò

Để mở một sân khấu riêng, trước hết phải xuất phát từ lòng đam mê nghề nghiệp mãnh liệt của các nghệ sĩ. Những nghệ sĩ như Minh Nhí, Quốc Thảo, Đại Ngọc Trâm, Nguyễn Khắc Duy - Vũ Hoàng Quân của Buffalo… đều có một đam mê cháy bỏng được làm nghề thỏa sức theo ý mình. Họ mong muốn được dựng, đóng những vở kịch là những tác phẩm chỉn chu, nhân vật được thể hiện đến nơi đến chốn chứ không phải là những tiết mục chắp vá, thiếu hụt đời sống cho nhân vật, câu chuyện.

Vì sao khi làm chung sân khấu với nghệ sĩ Minh Nhí, biết nghệ sĩ Minh Nhí bị lỗ, phải bỏ tiền túi ra bù lỗ mà nghệ sĩ Quốc Thảo vẫn quyết tâm đầu tư vào đây để ra sân khấu riêng cho mình? Đã có nhiều sân khấu mới mở ra trong vài năm gần đây sống và kéo dài hoạt động được là nhờ những hoạt động bên lề như chiêu sinh học viên để dạy diễn xuất. Việc có một sân khấu riêng để học viên vừa học vừa thực hành, được diễn trên sân khấu thực sự, hứa hẹn đầu ra diễn tại sân khấu nhà cho những em giỏi nghề là một hấp lực học viên rất lớn. Sân khấu kịch Sao Minh Béo, Kịch TKC đã rất thành công với mô hình chiêu sinh đào tạo liên tục nhiều khóa với hình thức như thế.

Mở sân khấu riêng gần một năm nay, nghệ sĩ Minh Nhí cũng phát triển mạnh việc đào tạo học viên. Minh Nhí từng thẳng thắn chia sẻ với báo chí rằng sân khấu của anh tồn tại được không những từ tiền túi anh bù lỗ để được làm nghề tử tế mà còn từ học phí vài chục triệu đồng mỗi tháng từ việc dạy học trò. Mở sân khấu riêng cho mình vào cuối tháng 11 này, nghệ sĩ Quốc Thảo cũng nhấn mạnh việc đào tạo học viên bên cạnh việc dàn dựng những vở diễn.

Riêng nhóm Buffalo, bằng tài năng và sức trẻ năng động, những diễn viên trẻ yêu nghề này trụ lại với nghề bằng việc nhận làm các tiểu phẩm, vở diễn theo yêu cầu của các event.

Nhiều sân khấu mới, khán giả được gì?

Việc nhiều sân khấu tư nhân mới liên tục ra đời đã khiến nghệ sĩ có thêm nơi, thêm cơ hội được làm nghề tử tế, khán giả có thêm nhiều địa điểm giải trí lành mạnh, văn hóa, văn minh. Đó là những nỗ lực, tâm huyết đáng trân trọng của các nghệ sĩ đóng góp cho nghề. Song không phải vì thế mà nghệ thuật sân khấu đã được nâng cao. Có thêm nhiều điểm diễn mới, sân khấu TP.HCM vẫn giậm chân tại chỗ, vẫn tụt hậu hoàn tụt hậu.

Bởi xét ra, trong cái sự thiếu thốn những nhà hát đúng chuẩn thực sự dành cho sân khấu Sài Gòn, những sân khấu mới đã phải ra đời trên những sàn diễn rất thiếu chuẩn kỹ thuật chuyên nghiệp. Nhiều sàn diễn của các sân khấu mới ra đời đã từng bị những sân khấu đi trước như Kịch Hoàng Thái Thanh bỏ qua vì không đáp ứng chuyên môn. Thêm vào đó, nhiều sân khấu mới đã dựa vào hào quang của những vở diễn cũ nay tái dựng. Đến nay vẫn chưa thấy những tác phẩm đỉnh cao nào chinh phục được chính dân trong nghề ở những sân khấu mới.

Vậy nên ra đời và tồn tại được đã là một thành công của những sân khấu mới tại làng kịch Sài Gòn. Còn chuyện biến sân khấu thành thánh đường nghệ thuật như trước thì dường như lại quá sức, quá tầm của người nghệ sĩ. Hy vọng khi có sự hà hơi tiếp sức hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, các thánh đường nghệ thuật sẽ lại hồi sinh.

Hài phi lý nhưng không xàm xí

Tôi quyết định đầu tư chất lượng hơn cho sân khấu của mình dù làm một mình. Tôi cải tạo sân khấu rộng hơn, đầu tư lại dàn âm thanh, ánh sáng và làm lại ghế ngồi. Về mặt tiết mục, tôi thấy là phải làm hài theo kiểu mới hiện nay, đó là hài phi lý nhưng không thể xàm xí, dơ tục được mà phải làm sạch, làm ý nghĩa. Tôi tin rằng nếu mình làm hết sức và tử tế thì khán giả sẽ không bỏ mình.

Nghệ sĩ MINH NHÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm