Nghệ sĩ Bạch Tuyết: Cải lương còn vô tâm với niềm đau

Từ ngày 4-8, vòng tuyển chọn của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2016 sẽ bắt đầu diễn ra. Cuộc thi đã đi được chặng dài hơn 10 năm và vẫn đang thu hút khán giả.

Có một thực tế là nhiều năm qua không mấy ai còn coi cải lương chuyên nghiệp nhưng hai năm gần đây nhiều chương trình giải trí trên truyền hình lại đưa cải lương vào để có rating (lượt xem) cao như Cặp đôi hoàn hảo, Gương mặt thân quen, Danh hài đất Việt, Tài tử tranh tài, Làng hài mở hội, Sao nối ngôi

NSND-TS-Cải lương chi bảo Bạch Tuyết đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về những trăn trở của cải lương hôm nay.

Không có tuồng đo ni đóng giày

. Cải lương đã và đang có những cuộc thi lớn như giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ…Vì sao cải lương và những gương mặt trẻ ấy vẫn chưa tiếp cận được công chúng trẻ như các sao trẻ giải trí thời gian qua?

+ Những bạn trẻ làm cải lương bây giờ không có những vở tuồng hay được đo ni đóng giày như thế hệ chúng tôi lúc còn trẻ. Chúng tôi thời đó nổi được là do có những vai diễn, vở diễn đo ni đóng giày cho riêng mình. Các bạn thì phải diễn lại mãi những vở diễn cải lương kinh điển cũ đã đóng đinh dấu ấn của các nghệ sĩ tiền bối. Mà nghệ thuật lạ lắm, một khi đã đi vô trái tim của con người ta rồi thì sẽ ở lại mãi chứ không đi ra. Các bạn có diễn kiểu nào thì cũng sẽ bị so sánh, bị chê, rất thiệt thòi.

Tiết mục Tình sử Mỵ Châu trong chương trình truyền hình thực tế Sao nối ngôi được đánh giá cao về việc đầu tư rất kỹ lưỡng. Ảnh: HÒA BÌNH

. Cho đến nay nói về cải lương vẫn không ít người có quan điểm cải lương là sến sẩm, trang phục kim sa hột lựu, nghệ sĩ ăn mặc, trang điểm màu sắc lòe loẹt và nói chuyện hoa hòe, lạc hậu… Bà nói gì về quan điểm như thế?

+ Chúng ta nên nhớ rằng cải lương không phải là sến sẩm, lạc hậu, lê thê, màu mè… Đúng nghĩa thì cải lương là luôn mới mẻ, văn minh, hiện đại vì từ cải lương ngay từ đầu đã xuất phát từ câu “Cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

Còn ở bản thân người làm nghề, phần nhiều giới cải lương ít chịu khó chăm chút mình và quan tâm xã hội xung quanh khi rời nhân vật trở về đời thường, đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay. Lúc chưa thành danh, có bạn vì hoàn cảnh chưa có điều kiện học hành trường lớp chính quy như mọi người. Nhưng có được chút tiếng tăm, có sự thương mến của công chúng, các bạn không thể viện lý do gì để không tự nâng tri thức của mình lên bằng sách báo, những thông tin đầy đủ trên mạng xã hội. Thực tế hôm nay đòi hỏi một nghệ sĩ với một trình độ học vấn hoặc hiểu biết hạn chế thì khó thể đóng xuất sắc vai người thầy thuốc, người lãnh đạo, nhà doanh nghiệp, một nhà báo…

Xa lạ với hơi thở cuộc sống

. Theo bà, cải lương hôm nay cần gì để tồn tại và phát triển?

+ Về nội dung, cải lương hôm nay phần nhiều xa lạ, lạc lõng, vô tâm với niềm đau, nỗi khổ cũng như những hy vọng, khát khao mang tính thời sự của cộng đồng. Giới trẻ sẽ tìm được những thứ đó ở đâu trong cải lương? Cải lương đang rất cần những vở được viết mới, hay, phù hợp với cuộc sống, với giới trẻ, đo ni đóng giày riêng cho các nghệ sĩ trẻ.

Cải lương và cả nghệ sĩ không nên ngại làm mới, tiếp thu cái mới, cải lương là phải đẹp, phải sang như trước đây. Chúng ta phải học tập cách làm các game show, các chương trình truyền hình thực tế, làm cải lương một cách chuyên nghiệp, đẹp đẽ, văn minh. Tôi thấy mỗi chương trình này đều được đầu tư chăm chút từ sân khấu cho đến nghệ sĩ thiệt đẹp với bộ phận thiết kế, trang điểm, trang phục, quần áo, tóc tai… có stylist chuyên nghiệp. Tại sao cải lương, nghệ sĩ cải lương không làm cho mình theo cách như vậy?

. Xin cám ơn bà.

Cải lương đang thời khó khăn, diễn viên cải lương trẻ vì thế càng hiếm hoi cơ hội để được khán giả biết đến. Hơn 10 năm qua Chuông vàng vọng cổ là cuộc thi giúp những người trẻ đam mê cải lương có cơ hội được khán giả biết đến nhiều nhất. Nhiều giọng ca vọng cổ hay, chân phương xuất thân từ dân làm ruộng, lái sà lan như Lê Văn Gàn, Võ Thành Phê nhờ cuộc thi này đã một bước trở thành nghệ sĩ, được lên sân khấu hát những vở tuồng kinh điển trong chương trình Ngân mãi chuông vàng. Những giọng ca khác như Võ Minh Lâm, Thu Vân, Ngọc Đợi, Như Huỳnh… thì trở thành ngôi sao của những đoàn cải lương chuyên nghiệp như Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn Cao Văn Lầu, Đoàn cải lương Văn công Đồng Tháp…Tuy nhiên, hơn 10 năm trôi qua, những gương mặt này vẫn chưa có được vai diễn ghi được dấu ấn trong lòng công chúng để nhắc đến là khán giả nhận ra ngay.

  HÒA BÌNH_

_______________________________  _______

Sân khấu cải lương bây giờ thiếu đủ thứ, nhà hát chuyên nghiệp không có, chỉ có nhà hát trăm năm xuống cấp rồi cải tạo, lên đời thành hội trường không chuyên. Loại này chất lượng âm thanh dùng để nói và la, không phải để ca du dương hay để nhìn thấy được ánh sáng tập trung, thiết kế hiện đại, hấp dẫn người hát cũng như tạo cảm giác cho người thưởng ngoạn. Chưa an cư thì cải lương khó mà lạc nghiệp. Chúng ta không thể không tạo dựng cơ ngơi cho cải lương. Đó là yêu cầu chính đáng cho một loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc giúp nhận diện văn hóa truyền thống Việt Nam, cái gọi là “nhân dạng quốc gia” khi đối mặt với các nền văn hóa trên thế giới.

NSND-TS-Cải lương chi bảo BẠCH TUYẾT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm