Ngắm hoa anh đào dưới chân Phú Sĩ

Những người trẻ tuổi lại lái xe hướng về núi Phú Sĩ để vừa ngắm hoa anh đào vừa tắm Onsen.

Mùa xuân năm trước, đang bề bộn giữa đống công việc, tôi chợt nhận tin nhắn của anh bạn người Nhật Tsubota: “Ba tuần nữa hoa anh đào nở rộ, đến Nhật chơi và cùng đi tắm Onsen”… Với người Nhật, có hai mùa đẹp nhất trong năm: mùa xuân hãy đi từ đảo Okinawa lên đến tận Hokkaido để ngắm hoa anh đào nở theo thời tiết ấm dần lên, mùa thu hãy đi theo chiều ngược lại để ngắm lá vàng bay theo gió heo may. Chờ đợi cơ hội này đã lâu, tôi thu xếp công việc bay vù sang Nhật.

Cả nước tưng bừng lễ hội

Tùy thời tiết từng năm, hoa anh đào sẽ nở rộ vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Khoảng ba tuần trước đó, cơ quan dự báo thời tiết Nhật có trách nhiệm dự đoán, công bố ngày hoa anh đào nở và ngày bắt đầu lễ hội hoa anh đào, một quốc lễ kéo dài suốt bảy ngày. Tại mỗi địa phương, ban tổ chức sẽ nổi trống mở đầu lễ hội trong 15 phút. Tùy thời tiết từng vùng, tiếng trống mở màn có thể chênh lệch nhau 1-2 ngày và có khi là một tháng.

Ở Tokyo vào kỳ lễ, mọi người đổ xô về Công viên Ueno nơi có đến 1.200 gốc hoa anh đào, nơi ban tổ chức lễ hội nổi trống khai mạc và kết thúc quốc lễ này. Các đôi trai gái dìu nhau đi trong giai điệu nhạc du dương từ sân khấu trung tâm biểu diễn suốt thời gian lễ hội. Những người lớn tuổi đi bộ trên những con đường nằm giữa hàng cây, hít thở không khí ngày xuân. Nhiều gia đình quây quần dưới gốc anh đào bày biện ăn uống, nhấm nháp Sake. Với những công ty, đây cũng là dịp họp mặt dưới gốc anh đào không phân biệt đâu là người lãnh đạo, đâu là cấp dưới. Những tấm bạt màu xanh trải dưới gốc anh đào đầy kín người. Tìm và thuê được chỗ ngồi trong Công viên Ueno hết sức khó khăn và giá thuê cũng không rẻ (10 USD/1 m2/6 tiếng). Giới trẻ lại có thú vui lên xe rong ruổi theo những nẻo đường hoa mà tập trung nhất là núi Phú Sĩ.

Ngắm hoa anh đào dưới chân Phú Sĩ ảnh 1

Hoa anh đào dưới chân núi Phú Sĩ. Ảnh: NCL

Sống kiểu Nhật dưới chân núi Phú Sĩ

Chúng tôi đến thị trấn Hakone sau 3 giờ chạy xe từ Tokyo, ở đây núi Phú Sĩ luôn hiện ra trong tầm mắt. Thời tiết Hakone vẫn còn lạnh khoảng 0 độ C, anh đào ven hồ mới lác đác vài nụ hoa bung cánh. Nắng chiều phản chiếu với lớp tuyết phủ trên đỉnh núi tạo thành màu vàng cam tuyệt đẹp. Những làn khói lam chiều từ hồ Ashi nhẹ tỏa khiến cảnh vật nơi đây mờ ảo hư vô. Đâu đó xa xa vang vọng tiếng chuông chiều, lòng cảm thấy nhẹ nhàng thoát tục! Tsubota vui mừng giải thích: “Mùa xuân, mây thường gối đầu núi hoặc sương mù dày đặc, ít khi thấy được đỉnh núi, bạn thật may mắn!”.

Chúng tôi thuê khách sạn và sống một đêm theo phong cách Nhật. Từ cánh cửa lùa, cửa sổ, chiếc chăn,… đều theo phong cách Nhật. Trong phòng từ sàn cho đến các cánh cửa hoặc bàn uống trà đều làm bằng gỗ, vách bằng thạch cao đặc biệt cách nhiệt, cách âm, được dán giấy hoa văn. Giường ngủ là chiếc đệm trải dưới sàn gọi là tatami. Bàn uống trà nhỏ nhỏ xinh xinh, khi đối ẩm hai người ngồi xếp bằng đối diện nhau. Tsubota mỉm cười bảo tôi: “Bạn phải mặc áo Kimono và đi dép Zori mới được vào nhà hàng. Mọi khách đến đây đều phải như thế, họ muốn du khách có một đêm trải nghiệm khó quên”. Chiếc áo Kimono dài qua đầu gối, khoác lên người thấy hơi vướng víu nhưng vải áo dệt bằng cotton nên mang đến cảm giác ấm áp trong tiết trời lạnh.

Bàn ăn chi chít những chén thức ăn to nhỏ đầy màu sắc. Cắn miếng Tempura (rau củ nhúng một chút ít bột, chiên giòn nhưng vẫn giữ được màu xanh) tan giòn, ăn một vài miếng Yakitori (thịt gà nướng) thơm lừng, nhấm nháp Sake nóng nồng nàn trong cái đêm lành lạnh, rồi những câu chuyện phiếm,… tôi như chẳng nhớ nổi lối về… Đêm đầu tiên tôi thao thức, trằn trọc trong căn phòng lạ lẫm, nhất là tấm đệm trải dưới đất và mọi vật dụng cần thiết đều đặt ở những kệ nhỏ đặt khá thấp và khá gần chỗ ngủ.

Tắm Onsen - niềm tin may mắn

Buổi sáng chúng tôi đi dạo, ngắm hoa dưới chân núi Phú Sĩ. Mặt đất phủ lớp tuyết trắng dày khoảng một tấc, mịn màng. Mọi người tha hồ vọc tuyết, đắp tượng và ném tuyết. Tsubota tặng cho tôi sự ngạc nhiên khác là đưa tôi đến suối nước nóng chỉ cách núi Phú Sĩ khoảng 10 phút đi xe. Từ xa, những cột khói từ các suối nước nóng bốc lên nghi ngút. Tsubota giải thích: “Nằm trên vành đai núi lửa của Thái Bình Dương nên ở Nhật có nhiều núi lửa đang hoạt động, chúng tạo thành những dòng khoáng nóng”. Giữa cái lạnh âm 5 độ trên vùng núi cao, nước lại nóng đến 90 độ. Tsubota mua một vài quả trứng từ các quầy hàng gần đó bỏ vào dòng nước, chỉ 10 phút sau, trứng chín và vỏ trứng chuyển sang màu đen thâm do khoáng chất bám vào.

Chính nguồn nước khoáng nóng này phát sinh ra một sinh hoạt độc đáo là tắm Onsen (tắm khoáng nước nóng). Onsen ngày xưa chỉ phục vụ cho hoàng gia, ngày nay được phổ biến rộng rãi cho mọi tầng lớp không chỉ là hoạt động chăm sóc sức khỏe mà còn là niềm tin tâm linh đem lại may mắn ngày đầu năm. Có hai hình thức tắm Onsen:

Người Nhật thích “tắm tiên” giữa các hồ nước khoáng trong rừng. Các khách sạn ở vùng Hakone dẫn nước khoáng trên núi cao về khách sạn phục vụ du khách chưa quen “tắm tiên”. Trước khi bước vào nhà tắm, khách phải gửi áo quần (theo lý giải của Tsubota là để chống lây nhiễm vi khuẩn). Chưa bao giờ trần truồng đi nhông nhông giữa thanh thiên bạch nhật, tôi ngượng cứng cả người! Những hồ nước nóng tỏa nhiệt làm không gian nhà tắm nóng hực. Giữa hơi khói nghi ngút, người ta bước xuống hồ nước nóng khoảng 60 độ ngâm mình khoan khoái tận hưởng.

Một sớm mai thức dậy, qua khung cửa sổ nhỏ, núi Phú Sĩ nghiêng mình soi bóng xuống hồ Ashi và những cánh hoa anh đào bay theo gió, Tsubota lại cho tôi một câu nói đầy ý nghĩa: Cứ mỗi năm, khi mùa xuân đến, hoa anh đào lại nở nhưng chắc chắn những cánh hoa anh đào năm nay không là những cánh hoa năm trước.

Hoa anh đào tại Nhật có nguồn gốc từ đào rừng ở vùng Hokkaido được lai tạo ra nhiều loại khác nhau. Tùy theo màu hoa, hương thơm và đặc tính khi ra hoa, có thể phân ra làm sáu loại: Yamazakura, Oyamazakura, Oshimazakura, Edohigan, Kasumirakura, Someiyoshino. Do đặc tính hoa to, có màu hồng nhạt và đẹp hơn các loại khác nên Someiyoshino được trồng và phủ khắp nước Nhật. Với người Nhật, hoa anh đào tượng trưng cho tinh thần Samurai của võ sĩ đạo: Biết hy sinh và chết cao đẹp. Người Nhật còn xem hoa anh đào tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, nỗi buồn về sự ngắn ngủi, phù du và tính khiêm nhường, nhẫn nhịn.

Ngắm hoa anh đào dưới chân Phú Sĩ ảnh 2

Sân khấu chính của lễ hội hoa anh đào tại Công viên Ueno.

Để xin visa vào Nhật, du khách liên hệ với Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM theo địa chỉ: 261 Điện Biên Phủ, quận 3. Tel: 08.39333510. Khai thác đường bay trực tiếp từ Sài Gòn đến Tokyo có các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Japan Airlines và ANA (All Nippon Airways). Đồng bản địa của Nhật là đồng yen (1 USD = 91.93 JPY).

Một số hình ảnh về lễ hội hoa anh đào:

Ngắm hoa anh đào dưới chân Phú Sĩ ảnh 3

Ngắm hoa anh đào dưới chân Phú Sĩ ảnh 4

Ngắm hoa anh đào dưới chân Phú Sĩ ảnh 5

Ngắm hoa anh đào dưới chân Phú Sĩ ảnh 6

Ngắm hoa anh đào dưới chân Phú Sĩ ảnh 7

Ngắm hoa anh đào dưới chân Phú Sĩ ảnh 8

Ngắm hoa anh đào dưới chân Phú Sĩ ảnh 9


NGUYỄN CHÍ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm