Ngắm bằng lăng tím nở rộ những ngày tháng 4 lịch sử

Bằng lăng, loài hoa không ai bán, ai mua, không ai cắm để trên bàn trong nhà làm cảnh, không hương thơm nên cũng chưa bao giờ hoa góp mặt trong các bữa tiệc sinh nhật, ma chay, cưới, giỗ...

Màu tím của hoa, nhất là khi đang rộ mùa luôn làm lòng ta xao xuyến. Hoa tím đến nôn nao, khắc khoải như những vần thơ tình dang dở...

Hoa như chuyện tình yêu học trò dịu dàng, lãng mạn, trong sáng và đâu đó vẫn có nhiều những kỷ niệm thật khó quên.

Có đôi khi vì nhiều lẽ bộn bề, ta cắm đầu đi mà có thể bỏ lỡ một khoảng trời tim tím. Rồi như là tình cờ giữa mùa bệnh dịch, gặp bằng lăng góc phố thưa người lẻ loi tím, cảm giác thật nhẹ nhàng, thư thái như bị mê hoặc, lòng ngỡ bâng khuâng ngỡ mình lạc về quá khứ...

Với nhiều người, bằng lăng có thể là tuổi học trò mộng mơ, một kỷ niệm đứng dưới gốc bằng lăng chờ ai đó, mà thời gian đợi chợt ngắn đi khi chợt ngắm một cánh hoa bay...

Bằng lăng tựa như một người con gái, cuối thuở xuân thì nhiều trải nghiệm, luôn tiếc nhớ những nỗi niềm xa xưa, khát khao nhớ tình yêu đầu đời lãng mạn chẳng biết đến ưu tư...

Hoa bằng lăng nở rộ vào tháng 4. Ảnh: NÚI XANH

Với tôi, kỷ niệm lần đầu thấy hoa bằng lăng không phải là tuổi học trò, cũng không phải là những ngày tháng 4 như hôm nay...

Tháng 7-1975, sau giải phóng, hồi ấy ra khỏi làng đã là rừng, chứ không phải như bây giờ rừng xưa đã là làng và rừng bây giờ thì xa làng lắm lắm. Tôi có dịp theo mấy ông anh con bà cô ruột, lên rừng cưa cây để bán cho các lò gạch.

Một cây bằng lăng phải hơn một người ôm bị đốn ngã, ông anh nói: “Cây này cũng được gần chục site” (1 site ương đương 1 m3). Trong khi những người lớn hối hả xả cây thành từng khúc, tôi lại thảng thốt nhìn một khoảng đất tím rực hoa.

Khoảnh khắc cành lá đã rạp mình dưới đất rồi, mà hoa vẫn vô tình tươi như không có chuyện gì xảy ra. Hoa như những đứa con cứ vô tư hớn hở trong cuộc đời, mà không biết cha mẹ khốn khó như thế nào.

Hai ngày sau đi qua, lá đã rũ xuống, nhưng hình như hoa vẫn vươn cánh lên. Tôi nghĩ cánh vươn lên lúc này, chắc không phải là khoe sắc, mà có thể là cái vẫy tay vĩnh biệt, tựa cánh tay của một kẻ đang chấp chới giữa dòng sông...

Cũng tháng 7-1979, đơn vị chúng tôi hành quân đi Campuchia. Xe qua đồn biên phòng 23 tại Gia Lai thì quốc lộ 19 không còn là đường nữa. Xe phải chạy trên nền đất rừng mới mở, theo hướng dẫn của công binh, với những lối đi an toàn đã được rà mìn.

Dấu tích vẫn còn hằn trong những cánh rừng biên giới, vết tích của những trận giao tranh với quân Khmer đỏ.

Trên đoạn đường ngổn ngang những cây gỗ các loại mà lính công binh của E280 đã hạ để làm đường cho đại quân ta phản công, giải phóng Campuchia hồi đầu năm.

Bên bãi đất ngổn ngang ấy chợt sừng sững một cây bằng lăng, thân chắc cũng phải ba, bốn người ôm, giữa thân cây là một vết toác rất to, hình như một quả B.40 hay DKZ 100 bắn vào thì phải và xung quanh là chi chít vết lõm của các loại đạn.

Xe chạy nên không kịp nhìn lên trên tán lá xem hoa còn nhiều hay ít, chỉ thấy rằng dưới gốc chi chít những cánh hoa tím rơi, hoa như trải thảm tiễn người đi xa...

Hoa bằng lăng đã nở hết mình.
Mà chưa nói hết những điều muốn nói...

Góc phố tím như một lời nhắn gọi
Hạ vừa sang ký ức xao xuyến về...

Những người anh đưa tôi đi rừng đốn cây 45 năm trước, nhẩm lại thì đã về với đất cả rồi.

Cây bằng lăng biên giới ấy bây giờ không biết có còn không? Đã có bao nhiêu thanh niên như tôi thời ấy, đi qua gốc bằng lăng góc rừng kia mà họ không được trở về?

Kỷ niệm về bằng lăng, về một màu tím hoa được ví như lòng thủy chung, sự thương yêu và hình như có nét gì đó buồn nhẹ, man mác của sự chia xa vẫn cứ đi về theo năm tháng cuộc đời... 

                                                                             Tháng 4-2020

Ngắm bằng lăng tím nở rộ những ngày tháng 4 lịch sử:

Ngắm bằng lăng tím nở nộ lại nhớ những kỷ niệm một thời ở biên giới Campuchi. Ảnh: NÚI XANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm