Một số thiếu sót ở một tổng tập lớn (tiếp theo)

Về năm sinh của Nguyễn Du

Trang 599 viết về Nguyễn Du có chỗ không chính xác. Về năm sinh của Nguyễn Du có nhiều sách viết là 1765. Cũng có ý kiến khác, như cụ Lê Thước trước đây và PGS. Nguyễn Lộc mới đây trong Từ điển văn học bộ mới (NXB Thế giới, 2004), đều cho rằng Nguyễn Du sinh năm 1766. Còn Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính trong sách Nguyễn Du niên phổ và tác phẩm, NXB Văn hoá - Thông tin, 2001, trang 11 thì cho rằng năm sinh 1766 "không đáng tin".

Tập 1 của Tổng tập Nghìn năm Văn hiến Thăng Long
Tập 1 của Tổng tập Nghìn năm Văn hiến Thăng Long

Tôi không đi sâu vào vấn đề năm sinh của Nguyễn Du. Nhưng trong khi có nhiều sách (kể cả sách giáo khoa phổ thông hiện hành) cho rằng Nguyễn Du sinh năm 1765 mà nếu tổng tập muốn theo thuyết cụ Nguyễn Du sinh năm 1766 thì cũng nên đặt thêm một dấu chấm hỏi (?) cho khoa học. Sự thực là, năm 1965 Hội đồng Hoà bình Thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du. Còn viết như thế này trong Tổng tập… là sai: “Ông được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hoá Thế giới. Năm 1966, Việt Nam và nhiều nước trên Thế giới đều tổ chức kỷ niệm 200 ngày sinh của ông”.

Làng Dóng và Làng Gióng

Trang 1.094 viết không chính xác tên cuốn sách của Cao Huy Đỉnh. Tên cuốn sách của Cao Huy Đỉnh là Người anh hùng làng Dóng (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1969).Tổng tập… viết Người anh hùng làng Gióng. Ở đây không phải là vấn đề chính tả mà là có những quan niệm học thuật khác nhau. Cao Huy Đỉnh viết Dóng trong sự liên hệ với ông Đổng, với ông Đùng, với một cái gì lớn lao. Còn Bùi Văn Nguyên và một số tác giả khác viết Gióng với ý nghĩa là gióng tre. Trong gióng tre, từ gióng có nghĩa là: “Đoạn giữa hai mắt của một số cây có thân thẳng; đốt”. (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Viện Ngôn ngữ học chủ trì, NXB Đà Nẵng, trang 402).

Tập sách ghi trân trọng họ tên các vị: Chủ tịch, đồng Chủ tịch, Phó Chủ tịch, uỷ viên Hội đồng biên soạn, tên các vị trong ban thư ký. Hầu hết đây là những tên tuổi lớn. Nếu các vị ấy đọc bản thảo thì họ sẽ phát hiện ra ngay những sai sót vừa nêu.

“Đất nước” hay “dứt nước”?

Trang 1.447 tiếng lạ in sai thành lá:

“Bốn trăm năm khí vượng Non Lam, lá ngọc cành vàng rực rỡ.

Nghìn năm muôn thuở mạch thiêng nước nghĩa, hoa kỳ cỏ lá tốt tươi”. (đúng là cỏ lạ).

Trang 1.088 in hai dòng lục bát như sau:

Thục từ đất nước Văn Lang

Cải tên Âu Lạc mới sang Loa Thành

đất nước là sai, chính xác là dứt nước.

Chức danh và các danh hiệu khác

Thông tin về chức danh khoa học, học vị chưa được xử lý tốt.

Các tác giả Nguyễn Từ Chi (xem chương V, trang 1.100), Lê Trung Vũ (chương VI), Phan Ngọc (chương I, chương VI) là Phó giáo sư nhưng lại ghi là Giáo sư. Sách công bố năm 2007, đến thời điểm năm 2006, PGS.TSKH. Lý Toàn Thắng đã là GS. TSKH, nhưng ở đây chỉ ghi là PGS. TSKH (chương VI). Có vị có học vị nhưng không được ghi, thí dụ GS. Phạm Đức Dương (chương V). Có những người không được ghi chức danh khoa học, thí dụ PGS.TS. Nguyễn Thị Huế, chỉ được ghi TS (chương V), PGS. TS. Tống Trung Tín, chỉ được ghi TS (chương II).

Vấn đề chức danh khoa học (trước đây gọi là học hàm), học vị và chức vụ công tác cần phải được ghi chính xác. Tập I của tổng tập công bố năm 2007, nên ghi rõ ở phàm lệ biên soạn: các chức danh khoa học, học vị và chức vụ công tác là tính đến thời điểm 2005, chẳng hạn. Nếu ghi như vậy thì những người sau thời điểm đó có thay đổi về chức danh công tác (về hưu) hoặc từ Phó giáo sư được lên Giáo sư như ông Lý Toàn Thắng sẽ thấy Hội đồng biên soạn làm việc có khoa học và chính xác. Đã có các cuốn sách về Giáo sư Việt Nam, về Tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại, việc thẩm định, tra cứu không khó. Ngoài ra, những vị phụ trách từng ban chuyên môn chỉ cần gọi điện thoại hỏi những người trong giới của ban mình thì sẽ biết ngay. Việc làm này không khó, vấn đề là có biết cách làm và có chịu làm hay không.

Có thông tin không chính xác về họ tên người (xem chương II): “TS.Kim Chi (Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử)”. Tôi đã gọi điện hỏi TS. Nguyễn Thị Phương Chi, được biết rằng: Không có ai là Kim Chi (kể cả bút danh) giữ trách nhiệm Phó Tổng biên tập tờ tạp chí trên, người đó chính là bà Nguyễn Thị Phương Chi. Bà Phương Chi xác nhận sách Tổng tập... thông tin sai.

Về việc ghi các danh hiệu khác, cũng nên cân nhắc. Có nên đề sau chức danh khoa học là danh hiệu Anh hùng lao động không? (chương I, chương XXVIII). Cơ quan tôi có anh Lê Văn Kỳ (tháng 12 này sẽ nghỉ hưu). Anh có cuốn sách Lễ hội nông nghiệp Việt Nam được in ở Nxb Văn hoá Dân tộc. Trên bìa ghi tác giả như sau: “TB. LÊ VĂN KỲ”. Khi được anh tặng sách, tôi bảo sách ghi sai rồi, phải là TS. (Vì anh là Tiến sĩ). Anh Kỳ cười bảo rằng, không sai, vì anh ấy là thương binh nên chính anh ấy chủ ý ghi TB.

Như thế, nếu có người ghi "Anh hùng lao động", thì người khác cũng có thể ghi “Dũng sĩ diệt Mỹ”, hoặc “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”!

***

Có một số không ít ảnh không có chú thích ai là tác giả (kể cả ảnh màu và ảnh đen trắng, ảnh mới và ảnh cũ). Nếu đọc cuốn Một điệp viên hoàn hảo (viết về người tình báo Phạm Xuân Ẩn), chúng ta sẽ thấy tác giả cẩn trọng trong việc chú thích ảnh như thế nào và sẽ thấy nhược điểm của Tổng tập..., trong khi nhược điểm này rất dễ khắc phục.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Kính (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm