Một số thiếu sót ở một tổng tập lớn

Tuy vậy, trong bài viết này, GS.TS Nguyễn Xuân Kính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện KHXH Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng: “Tập I có khá nhiều hạn chế, thiếu sót” và “chúng tôi chỉ góp ý về những hạn chế, thiếu sót để tập thể tác giả tham khảo, điều chỉnh những tập sau”.

Từ một vài tiểu tiết

1- Mở đầu tập sách, không có phàm lệ (quy ước) biên soạn. Nếu có quy ước biên soạn, tập sách sẽ được thực hiện khoa học hơn.

2- Tính logic hình thức còn yếu. Trong sáu phần, có phần dưới đề là "chương", có phần không đề tiếng "chương" (xin xem từ trang 2231 - 2257). Ở các trang 2243 và 2244 có chỗ trong phần chữ in hoa to là các mục nhỏ chữ in thường, còn ở nửa cuối trang 2244 chỉ toàn là các tiêu đề chữ in hoa to.

3- Có sai lầm và trùng lặp trong việc sắp xếp, giới thiệu một số nhân vật lịch sử.

Theo lời giới thiệu bộ sách này sẽ gồm 4 tập với 28 phần.

Tập I dày 2260 trang với 6 phần; còn 3 tập nữa đang biên soạn.

Một số thiếu sót ở một tổng tập lớn ảnh 1

Không thể xếp Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Tri Phương vào mục “Bộ tướng lĩnh nhà Tây Sơn” và không thể đặt trong chương VII (Bắc Thành thời Tây Sơn) của phần thứ tư (Lịch sử các vương triều phong kiến, Pháp thuộc trên đất Thăng Long và thời kì có Đảng lãnh đạo).

"Bộ tướng lĩnh" (trang 1583 và trang 2250) là một tập hợp từ không đạt, nên sửa là "Bộ tướng nhà Tây Sơn" hoặc "Tướng lĩnh nhà Tây Sơn".

Hai nhân vật Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Tri Phương phải xếp vào mục “Những gương mặt tiêu biểu” của chương VIII (Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn) của phần thứ tư mới đúng chỗ.

Ở mục “Những gương mặt tiêu biểu” của chương VIII đã nêu cũng có Nguyễn Văn Thành, năm sinh của nhân vật này ở mục này ghi 1757 (xem các trang 1621 và 2250), còn ở chương VII ghi năm sinh của Nguyễn Văn Thành là 1758 (xem các trang 1607 và 2250).

Do có hai chỗ viết về Nguyễn Văn Thành nên có thông tin trùng lặp: Vì bài thơ của Nguyễn Văn Thuyên mà Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử.

Cũng do viết về Nguyễn Hữu Chỉnh ở ba chỗ nên có sự trùng thông tin về cuộc đối thoại giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh (các trang 1528, 1578, 1594).

Sở dĩ có hiện tượng trùng lặp không cần thiết này là vì, có nhiều tác giả viết các mục khác nhau, hoặc một người viết nhiều mục, nhiều tác giả cứ mạnh ai nấy viết, khi viết xong không xem lại của nhau, còn trường hợp một người viết nhiều mục thì do trí nhớ kém hoặc chủ quan không chịu đọc lại kỹ những gì mình viết. Nếu Chủ tịch Hội đồng biên soạn, Phó Chủ tịch Hội đồng biên soạn, các vị Uỷ viên Hội đồng biên soạn, Ban Thư ký để thì giờ đọc lại thì sẽ thấy và chỉnh sửa dễ dàng.

Đến việc đánh giá một số nhân vật lịch sử

Từ trang 1426 - 1430, tác giả gọi các cuộc khởi nghĩa ở làng Ngân Già, ở làng Ninh Xá, cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu, cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương, cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất là các cuộc làm loạn:

- Bình loạn Ngân Già (trang 1427)

- Bình loạn Ninh Xá (trang 1427)

- Bình loạn Quận He (Nguyễn Hữu Cầu) (trang 1427)

- Bình loạn Nguyễn Danh Phương (trang 1428)

- Bình loạn Hoàng Công Chất (trang 1429)

Từ trước đến nay, theo những gì tôi được học và đọc được thì giới nghiên cứu mác xít đều gọi đây là các cuộc khởi nghĩa nông dân . Thời học phổ thông, tôi nghe thầy giảng thơ của Nguyễn Hữu Cầu:

Chờ khi phong tiện đứt giàm vân lung

Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán

Phá vòng vây bạn với kim ô.

Ngày nay ở Tây Bắc vẫn còn đền thờ Hoàng Công Chất. Trong các sách lịch sử văn học Việt Nam, có nhiều đoạn ca ngợi Hoàng Công Chất. Thí dụ, đây là một đoạn trong sách Lịch sử văn học Việt Nam tập I, do Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì, Nxb. Khoa học xã hội công bố năm 1980, trang 85:

“Trong các cuộc khởi nghĩa nông dân thời kỳ này, thường có sự phối hợp giữa miền xuôi và miền núi. Các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương, Hoàng Công Chất, Lê Duy Mật và cả phong trào Tây Sơn đều một phần dựa vào các dân tộc thiểu số.

Sự gắn bó xuôi ngược diễn ra trong sinh hoạt bình thường và trong sự nghiệp chiến đấu giải phóng con người, giải phóng giai cấp bảo vệ Tổ quốc đã được phản ánh trong văn học dân gian. Thơ dân gian Thái về Keo Chất (tức người Kinh tên là Hoàng Công Chất) ở vùng Tây Bắc đã kể về sự gắn bó ấy như sau:

Nghe chăng tiếng hát của quân Keo Chất trong phủ,

Ngân vang khắp cánh đồng Mường Thanh rộng bao la.

Ai ơi! muốn rõ hãy mở mắt trông cho kỹ,

Người Kinh cùng người Thái với người Mèo, người Xá,

Vui vẻ cùng nhau tay làm miệng hát”.

Ở ngay trang 1430 của tổng tập, người viết cũng dẫn một đoạn của bài ca mà nhân dân ca ngợi Hoàng Công Chất. Vậy mà tác giả vẫn gọi đây là “loạn”.

Sách Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập, do Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn đồng chủ biên, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002 (từ trang 397 đến 405) đã viết thỏa đáng về các cuộc khởi nghĩa này. Còn khi viết về Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng, tác giả của Tổng tập đã sử dụng tài liệu xuất bản trước Cách mạng tháng Tám và đã không cập nhật cách đánh giá mới.

Sợ rằng hiểu biết của mình không cập nhật, tôi đã gọi điện thoại hỏi một số người của giới sử học. Họ đều trả lời rằng, coi các cuộc khởi nghĩa nông dân kể trên là các cuộc “nổi loạn” là điều không chấp nhận được. (Tất nhiên chúng ta không khẳng định một chiều các cuộc nông dân khởi nghĩa trước đây).

Theo GS-TS Nguyễn Xuân Kính (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm