Một cặp vợ chồng Việt-Mỹ: Cùng bảo vệ vịnh Hạ Long

Đến Hạ Long, nhiều người biết đến một cặp chồng Mỹ - vợ Việt lênh đênh trên chiếc thuyền giữa các hòn đảo. Ông là David Brown, chuyên viên dự án FFI (Fauna & Flora International) về bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam, còn bà là Lê Bạch Tuyết, tư vấn viên của Trường đại học RMIT - văn phòng Hà Nội. Họ là một hình ảnh đẹp về tình yêu trong mắt mọi người.

Từ bỏ nghề ngoại giao để lấy vợ

Bốn mươi năm trước, David Brown là một nhân viên Đại sứ quán Mỹ của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Bà Tuyết là một cô gái Sài Gòn, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Mỹ.

“Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp nhà tôi là cặp mắt xanh, rất xanh, vóc người cao lớn. Lúc đó chồng tôi có nhiều phụ nữ ngưỡng mộ nhưng tôi chỉ thấy sợ!” - bà Tuyết cười vui khi nhớ lại. Nhưng một thời gian không lâu sau, cô gái Việt Nam nhỏ nhắn đã bị chinh phục bởi người có đôi mắt xanh ấy vì “tính cách nhà tôi rất chu đáo, đặc biệt tôi bất ngờ vì ông ấy học tiếng Việt rất nhanh và phát âm rất chuẩn”.

Bà Tuyết kể mình đã từ chối lời cầu hôn của rất nhiều người nhưng không cưỡng được lời cầu hôn của David. Sau lời cầu hôn, nhiều thử thách đã đến với hai người. Năm 1967, thời điểm hai người có ý định đến với nhau cũng là lúc chiến tranh đang hết sức ác liệt. Nhân viên ngoại giao David phải làm đơn tự nguyện xin từ bỏ công việc để lấy vợ là một phụ nữ Việt Nam. Phía gia đình cô Tuyết cũng như những người quen của David đều khuyên hai người nên chia tay nhau vì còn nhiều khó khăn ngăn cách hai người như chiến tranh, văn hóa, địa lý...

“Tôi mơ ước làm nhà ngoại giao từ khi 12, 13 tuổi. Nhưng tôi biết trong một thời điểm nào đó, mình phải hy sinh một phần mong muốn của mình” - ông Brown chia sẻ.

Thử thách với hai người yêu nhau lúc đó không chỉ là chiến tranh mà còn là những quyết định của gia đình bà Bạch Tuyết. “Cha tôi yêu cầu ba điều: thứ nhất, gia đình chồng tôi phải có người sang cưới hỏi tôi đúng theo phong tục Việt Nam; thứ hai, ông ấy phải cải đạo theo đạo của gia đình tôi và cuối cùng con cái của chúng tôi cũng sẽ phải theo đạo Công giáo của mẹ”. Trong khi đó, chiến tranh đang khốc liệt, người cha của ông David Brown lại mới qua đời. Dù có rất ít hy vọng nhưng cuối cùng, như có một phép màu, ông đã thuyết phục được mẹ mình sang Việt Nam tổ chức lễ ăn hỏi và lễ cưới cho hai người.

“Ở Việt Nam tôi thấy thoải mái hơn”

Trước khi chiến tranh kết thúc, David cùng người vợ trở về Mỹ. Năm 2002, ông trở lại Việt Nam trong thời gian hai tuần để “tìm hiểu xem Việt Nam đã thay đổi như thế nào sau chiến tranh”. Tháng chín năm 2005, ông trở thành giám đốc dự án FFI ở Việt Nam. Trong khuôn khổ dự án của mình, ông David đã tổ chức một lớp học về bảo vệ môi trường sinh thái ngay trên một con thuyền trên vịnh Hạ Long. Đó là một lớp học nổi trên vịnh, bao gồm nhiều chuyến đi kết hợp giữa tham quan và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Mỗi tuần hai lần, khoảng ba mươi em học sinh sẽ được đi thăm vịnh để tận mắt nhìn thấy những gì đang diễn ra trên vịnh. Không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vịnh, khám phá các hang động, các em nhỏ còn được tham gia các cuộc thảo luận, những trò chơi mang tính giáo dục môi trường. Trong cuộc hội thảo về bảo vệ vịnh Hạ Long ở Hà Nội, ông bày tỏ: “So với những gì tôi đã làm 40 năm trước, khi miền Nam chưa được giải phóng, đây là giai đoạn tôi được làm việc thoải mái hơn, một trăm phần trăm phù hợp với mong muốn của mình”.

“Nếu mong mình thắng thì cả hai sẽ thua!”

Khi David rời khỏi ngôi nhà lớn và sang trọng ở Boston để sang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường ở Việt Nam, bà Tuyết cũng chấp nhận sang Việt Nam làm tư vấn viên về tâm lý và phát triển xã hội chỉ một năm sau. Họ tìm thuê một căn phòng nhỏ và sống thật giản dị bên nhau.

Mấy năm nay, bà Tuyết về Hà Nội. Trong khi đó, ông David Brown lại lênh đênh ở Hạ Long với những dự án bảo tồn di sản thiên nhiên mà ông say mê. Tuy nhiên, bà Tuyết nói: “Tôi rất ủng hộ công việc của chồng tôi, nhất là khi công việc ấy lại có ý nghĩa bảo vệ cho một di sản thiên nhiên nổi tiếng của Việt Nam”.

Khi được hỏi “Cô thích được tặng gì vào ngày Lễ Tình yêu?”, bà Tuyết kể: “ Bất kỳ ngày nào trong năm, chồng tôi cũng đều dành cho tôi một bất ngờ nho nhỏ, như một bức thư viết tay để dưới gối, một bản nhạc mà cô yêu thích gài vào valy, một bài thơ ông viết tặng riêng cho bà... Những món quà bất ngờ như thế làm tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng!” - bà Tuyết cười hiền hậu.

Ông David Brown thì tỏ ra áy náy khi tiết lộ: “Tôi thường hay quên lắm! Một số dịp lễ tôi không nhớ để chúc mừng cô ấy. Có lẽ cô ấy sẽ phàn nàn về tôi”. Nhưng cô Tuyết đã cười rất vui: “Ôi, chẳng có thế đâu! Tôi rất thích những món quà bất ngờ của nhà tôi”.

Bà Tuyết viết nhiều bài thơ ngắn để tặng chồng, trong đó một bài thơ có hình tượng hai cành cây chụm vào nhau, nếu một cành nghiêng lấn về phía trước thì cả hai cành cây sẽ mất cân bằng và cùng đổ. Cô giải thích: “Tình yêu và hạnh phúc cũng như thế đấy. Nếu nghĩ đến mình nhiều, nếu cứ mong mình thắng thì cả hai sẽ cùng thua!”.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm