“Món ăn lạ” trong Thiên đường ở bên ta

Trong lúc người xem ca thán với loạt phim tập trung vào cuộc sống giàu có nơi thành thị, bộ phim Thiên đường ở bên ta đã thành một “món ăn lạ” khi khai thác bối cảnh của vùng quê sông nước miền Tây.

Đời thật, cảnh thật lên phim

Câu chuyện lấy chồng ngoại của những thôn nữ được đặt vào khung cảnh thơ mộng của Đồng Tháp, nơi có làng nghề dệt chiếu nổi tiếng: Lấp Vò. Đoàn phim đã tái hiện chợ chiếu đêm Lấp Vò, tái hiện làng nghề với đầy đủ các công đoạn làm nên một đôi chiếu: nhuộm lác, phơi lác, dệt chiếu… Nét văn hóa của làng nghề được khéo léo đưa vào phim thành nét duyên dáng, gần gũi, chân thực của bộ phim và tạo được cảm tình với khán giả.

Dưới góc nhìn của đạo diễn từng là nhà quay phim, những hình ảnh trong phim được chăm chút kỹ từng góc quay, từng bối cảnh. Ngoài những con kênh rạch, cầu khỉ, xuồng ba lá và những miền hoa súng tím ngắt, khung cảnh ấn tượng nhất trong phim là làng nghề dệt chiếu. Tạo hình nhiều màu sắc của lác, khung dệt, của những chiếc chiếu mới vừa dệt xong làm tôn vẻ đẹp văn hóa của vùng quê nghèo. Trong khung kinh phí cố định, đoàn làm phim đã phải “sáng tạo” nhiều cách để có những hình ảnh đẹp. Trong phim có cảnh quay hai người yêu nhau hẹn hò tâm sự bên ụ rơm rất lãng mạn. “Thực sự, chúng tôi đã đan phên tre hình ụ rơm úp xuống đất rồi phủ rơm lên trên vì thời điểm đó rơm rất mắc tiền, tới 6 triệu đồng một ghe rơm, mà chúng tôi cần tới ba ụ rơm” - đạo diễn cười hóm hỉnh.

“Món ăn lạ” trong Thiên đường ở bên ta ảnh 1

Vũ Thuyên Trang (vai Duyên), Triệu Tú Trâm (vai Mầm) trong một cảnh phim.

Hạnh phúc trong tầm tay

Những tập đầu bộ phim, khán giả chứng kiến những mối tình đẹp, trong trẻo của những đôi trai gái quê. Những tưởng cuộc tình của họ sẽ mãi đẹp với những câu chuyện về dệt chiếu hay về mùa nước nổi trong những lần hẹn hò ven bờ kênh hay giữa chiếc xuồng. Khi cơn sóng lấy chồng ngoại tràn xuống vùng quê như một cơn sốt, các cô gái có người nước mắt như mưa, có người lạnh lùng quay lưng nhưng đều từ bỏ tình yêu đầu đời để mưu cầu hạnh phúc ở xứ người. Sóng gió bắt đầu bằng sự nhục nhã trong những căn phòng xem mặt chọn vợ, khám trinh tiết… để được làm dâu ngoại. Mỗi cô gái một thân phận, cuộc đời, có người phải bỏ mạng nơi xứ xa, có người bị lừa bán vào động mại dâm… Đến lúc này họ mới nhận ra hạnh phúc thật sự của mình ở đâu.

Phim chọn đề tài không mới nhưng thiết thực, gần gũi với khán giả. Hạnh phúc không phải là điều may mắn từ phương xa đáp xuống mà phải do con người xây dựng, gìn giữ, vun vén.

Một thông điệp khác ở tuyến nhân vật Mai Hồng. Vì không sinh được con, Mai Hồng đã phải đau khổ chấp nhận chồng thuê Duyên đẻ mướn và ngày ngày thấp thỏm lo lắng vì nghi ngờ tình cảm của chồng và Duyên. Chính nghi ngờ, ghen tuông đã làm Mai Hồng trở nên cáu gắt, khó chịu, tàn ác, vô tình vun vén thêm tình cảm của chồng cô và Duyên.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Thành muốn gửi lời nhắn nhủ đến phụ nữ: Nên biết vị trí của mình, biết mình nên làm gì, đừng áp đặt, đừng vô tình đặt chồng mình vào tay người đàn bà khác. Đã là phụ nữ thì càng cần phải dịu hiền, nền nã, nhẹ nhàng hơn nữa ngay trong trường hợp đang “nghi vấn” chồng.

Đạo diễn, diễn viên đều mới

Đạo diễn-NSƯT Nguyễn Quốc Thành tốt nghiệp khoa Điện ảnh-Quay phim năm 1982. Ra trường, ông quay phim tài liệu và đã được giải thưởng quay phim tại Liên hoan phim lần thứ 16.

Trong lần bàn bạc với nhà biên kịch Châu Thổ về hình ảnh cho bộ phim Thiên đường ở bên ta, nhà quay phim Nguyễn Quốc Thành “bị” nhà biên kịch Châu Thổ rủ rê: “Anh biết rõ về vùng này quá, hay anh làm phim này đi!”. Sẵn có vốn kinh nghiệm đã từng làm phim tài liệu về các đề tài: chợ chiếu đêm Lấp Vò (Đồng Tháp), lấy chồng ngoại quốc, nhà quay phim tài liệu Nguyễn Quốc Thành gật đầu nhận làm đạo diễn.

Ngoài đạo diễn, các diễn viên chính trong phim cũng là những diễn viên trẻ, chưa xuất hiện nhiều trên truyền hình: Vũ Thuyên Trang (vai Duyên), Bích Trâm (vai Lành), Triệu Tú Trâm (vai Mầm), Lâm Na Anh (vai Bến).

“Đây là sự mạo hiểm cho cả tôi và nhà sản xuất. Ngay từ đầu chúng tôi đã quyết định chọn những gương mặt mới, thà chấp nhận mạo hiểm hơn là lặp lại những gương mặt cũ và nhàm chán” - đạo diễn Nguyễn Quốc Thành chia sẻ.

Để giúp các diễn viên trẻ nhập vai, nhà biên kịch Châu Thổ đã mô tả chi tiết lý lịch, tính cách từng nhân vật. Bốn cô gái đã quan sát, thâm nhập cuộc sống thôn quê từ cách dệt chiếu, đi cầu khỉ, bơi xuồng… để có chất liệu cho vai diễn. Và những cố gắng của họ đã có kết quả, khán giả thực sự nhìn thấy những cô thôn nữ trong sáng, chân chất, quê mùa không chỉ trong tấm áo bà ba mà cả trong cách bơi xuồng, cách dệt chiếu thành thục và cả cách nói, cười của họ.

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.