Mẹ của đạo đức

Đó là một ý của triết gia Đức Friedrich Nietzsche: “Fear is the mother of morality”. Tôi không rõ Nietzsche viết ý này trong tác phẩm nào, theo nghĩa nào, vì chỉ đọc nó là câu trích trong một bài viết. Nhưng ngẫm ra tôi thấy ý này của vị triết gia từng làm đảo lộn tư tưởng Tây phương thế kỷ XIX có thể giúp cắt nghĩa nhiều hiện tượng suy thoái đạo đức ở xã hội ta hiện nay.

Cái Sợ đây không phải là bản năng, mang tính sinh học, mà là cái sợ tinh thần, mang tính xã hội. Đạo đức của các tôn giáo giữ cho các tín đồ trong sạch và lương thiện bằng nỗi sợ ở một đấng tối cao có thể thấu suốt tâm tư, việc làm của họ, và có thể trừng phạt họ vì những lỗi lầm phạm phải ở thế gian, ở kiếp sống. Theo một đạo nào là có mang theo một nỗi sợ nhưng không phải là sợ hãi, sợ sệt của một sự bắt buộc, cưỡng bách, mà cái sợ đó đã chuyển hóa thành một trạng thái tinh thần thường trực có ý nghĩa siêu thoát và thanh tẩy cho con người, giữ cho họ không phạm điều ác, không làm điều xấu, khi họ làm theo những điều răn đã biến thành những mệnh lệnh đạo đức.

Con người bỏ mất “mẹ của đạo đức” theo ý của Nietzsche sẽ dễ dàng sa ngã và phạm tội. Chuyện xưa kể có kẻ đêm khuya đem vàng tiền vào phòng riêng hối lộ một ông quan thanh liêm. Ông quan từ chối và nói rằng ông không thể nhận hối lộ vì sợ. Kẻ kia hỏi sợ gì, có ai biết đâu. Ông quan đáp: Ở đây có tôi và anh nhưng còn có trời và đất, việc này ngoài anh biết, tôi biết, còn có trời biết, đất biết, vậy nên tôi sợ. Thực sự, cái sợ của ông quan trong chuyện này là cái sợ chính lương tâm mình, và đó mới là cái chính giữ cho ông cái tiếng thanh liêm, chứ không phải là cái sợ sự trừng phạt của luật pháp. Người mẹ tổ chức đám cưới cho con tốn kém tiền bạc tỉ tính hàng chục hẳn sẽ phải đắn đo nếu biết sợ sự tương phản đến thành đối lập giữa cái riêng của mình và cộng đồng xung quanh, do đó tự khiến mình rơi vào vòng xoáy dư luận. Cứ cho là chị ấy không cố ý phô trương giàu có, không cố tình xúc phạm người khác khổ nghèo hơn mình, chỉ là làm một đám cưới đàng hoàng cho con thôi. Nhưng nếu trong khi tính toán việc này, chị có thoáng lo sợ về mặt đạo đức thì chắc “người mẹ” đã thức dậy trong chị để giúp chị bớt đi những điều tiếng cho hạnh phúc của con mình.

Vụ việc ở Tiên Lãng vừa qua minh chứng rõ rệt nhất sự không biết sợ của các quan chức xã, huyện đối với nông dân của mình, thế tức là họ đã đánh mất “người mẹ đạo đức” và hậu quả thế nào thì mọi người đều đã thấy. Khi ban hành quyết định cưỡng chế và ra tay thi hành cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn, những “ông quan địa phương” ở Tiên Lãng đã bất chấp tất cả, đã tưởng mình có toàn quyền sinh sát trên địa bàn của mình, đã không mảy may sợ một điều là họ đang tước đi quyền sống và cuộc sống của một con người, một gia đình, một vùng đất. Tiếng súng nổ từ phía người bị cưỡng chế không chỉ nói lên cái sự không biết sợ (trong trường hợp này là bị dồn đến đường cùng thì phải liều) của họ, mà còn cảnh báo người đi cưỡng chế cũng phải biết sợ, ở đây là “cái sợ đạo đức”.

Từ cái ý của Nietzsche, liên hệ đến vụ Tiên Lãng và không chỉ vụ đó, tôi nhớ đến một ý nhà thơ Chế Lan Viên nói trước 1975 đã được nhà phê bình Ngô Thảo ghi lại trong cuốn sách vừa xuất bản: “Ngày xưa đến như một tay tri huyện, quyền lực nhất một vùng, nó cũng có những cái sợ của nó... Bây giờ, thì người có quyền chẳng phải sợ ai nữa. Mọi thế lực, quyền thế nằm trong tay họ. Muốn gì được nấy. Muốn gì nói nấy. Không còn giới hạn quyền lực. Đó là một tai họa cho dân. Và sợ, đó là một cảm giác khủng khiếp. Phải bạc tóc, qua rất nhiều chiến thắng, quang vinh, thì mới biết tới cái sợ” (Dĩ vãng phía trước, NXB Hội Nhà văn, trang 137).

“Fear is the mother of morality” (F. Nietzsche) = Đừng ai phải mồ côi “mẹ đạo đức”.

Góc của PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm