Lượng phim tư nhân ngang ngửa nhà nước

Lần đầu tiên giải Cánh diều được tổ chức tại TP.HCM và cũng lần đầu tiên Hội Điện ảnh Việt Nam quyết định kết hợp với Công ty Truyền thông Mekong Media, TNN Media để tổ chức giải. Tất cả đều là thông tin đáng mừng với hy vọng một giải Cánh diều 2007 hoành tráng hơn.

“Xôm tụ” phim tư nhân!

Thời gian qua, dư luận cho rằng công tác chuẩn bị cho giải Cánh diều 2007 còn khá âm thầm và các hãng phim tư nhân cũng không mặn mà lắm khi “không thèm” gửi phim tham dự. Tuy nhiên ngược với dư luận, đến ngày cuối cùng của thời hạn đăng ký tác phẩm phim nhựa tham gia dự giải khu vực phía Nam vào hôm qua (26-2), các hãng phim tư nhân đã đồng loạt gửi phim.

Chốt lại, thay vì con số khiêm tốn tám phim như ban đầu, mảng phim nhựa đã lên đến 11 phim, trong đó các hãng tư nhân tham dự bốn phim: Nụ hôn thần chết, Duyên trần thoát tục, Sài Gòn tình ca và Mười.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chánh văn phòng Hội Điện ảnh Việt Nam, người phát ngôn chính thức của giải Cánh diều 2007, không giấu hào hứng: “Số lượng phim tham gia như vậy là phấn khởi. Điều này thể hiện các hãng phim rất quan tâm đến giải Cánh diều. Có thể nói số phim các hãng tư nhân tham gia nhiều hơn và chủ yếu tại phía Nam, khẳng định thị trường phim tại TP.HCM rất sôi động”.

Kéo công chúng đến gần?

Trong bốn hãng phim tư nhân tham gia giải Cánh diều năm nay, có lẽ sẽ có nhiều ý kiến tiếc cho Cú và chim se sẻ của Hãng phim Chánh Phương không kịp có mặt. Đại diện Hãng phim Chánh Phương cho biết hiện phim đang nằm trong dự án chiếu rạp của hãng và phim đang trong công đoạn chỉnh lại cuối cùng để được cấp phép nên không thể tham dự. Còn phim Dòng máu anh hùng thì không tham gia nữa vì đã dự quá nhiều liên hoan phim.

Ông Nguyễn Văn Tân cũng nhấn mạnh, đối với hai trường hợp phim Sài Gòn tình ca và Mười, hội quyết định cho tham gia cũng trên tinh thần khuyến khích phim tư nhân. Thực tế, Sài Gòn tình ca đã làm từ năm 2005 và đã tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế. Tuy nhiên, nhà sản xuất chưa phát hành (cho đến đầu năm nay) và chưa hề tham gia liên hoan phim nào trong nước.

“Điểm vướng của phim Mười là ở thành phần sáng tác với đa số là người Hàn Quốc. Nhưng so với thành phần sáng tác với phim Hà Nội, Hà Nội (đoạt giải Cánh diều vàng 2006) thì số người nước ngoài tham gia trong hai phim cũng ngang ngửa nhau. Vì vậy, hội vẫn quyết định cho phim Mười tham gia” - ông Tân nói.

Tăng hơn giải Cánh diều 2006 bốn phim, con số này đã thực sự thể hiện các hãng phim tin tưởng vào giải hay không? Hay các hãng phim tư nhân đang mặn mà hơn với các giải thưởng nghề nghiệp? Câu trả lời có lẽ phải để dành sau khi giải Cánh diều 2007 kết thúc. Tuy nhiên, một phần nào đó, con số này thể hiện sự phân biệt giữa hãng phim tư nhân và nhà nước đã tạm nhường cho mục đích lớn hơn: Kéo công chúng đến với điện ảnh gần hơn và công tác xã hội hóa điện ảnh...

Thành phần ban giám khảo cho thể loại phim truyện nhựa năm nay có nhiều tên tuổi mới: Đạo diễn-Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Huy Thành (Trưởng ban giám khảo), nhà văn Lê Văn Thảo, đạo diễn-Nghệ sĩ nhân dân Khải Hưng, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhà quay phim Phạm Hoàng Nam, họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu, nhạc sĩ Bảo Chấn, diễn viên Hải Yến, kỹ sư thu thanh Nguyễn Thọ Hà.

Liệu những tên tuổi này có đủ sức làm cho dư luận tin tưởng vào giải thưởng hay lại lời ra tiếng vào như sau khi giải Cánh diều 2006 khép lại?

Ông Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam:

Báo chí làm loạn cả lên!

. Ông suy nghĩ sao khi giải thưởng chưa diễn ra, danh sách phim truyện nhựa tham gia chưa được gút... mà dư luận lại đặt quá nhiều vấn đề và tỏ ý không tin tưởng ban tổ chức?

+ Chúng tôi cũng không hiểu tại sao lại như thế, chúng tôi cũng đang đặt dấu hỏi như vậy! Tại sao họ quan tâm những điều không đáng quan tâm khi mà chúng tôi đang sắp xếp, tổ chức? Vừa mất thì giờ lại không để làm gì.

. Phải chăng vì giải thưởng Cánh diều chưa được đánh giá cao?

+ Không phải. Nghệ sĩ rất quan tâm đến giải vì kết quả của giải ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ. Và những giải thưởng này cũng là căn cứ để đưa phim tham dự các giải quốc tế.

Một số tờ báo cho rằng tư nhân không tham gia vì họ xem thường giải, họ tẩy chay... Thực ra các hãng tư nhân tính toán về kinh doanh là chính. Ví dụ như phim Phát tài của Hãng phim Phước Sang không đưa tham dự giải năm nay vì đang phát hành tại các tỉnh. Phim tham dự được giải thì không sao, không được giải sẽ là khó khăn về phát hành. Còn một số hãng khác đang tính toán giờ ra rạp như thế nào... Chứ tự nhiên đưa tham dự giải Cánh diều, phải chiếu miễn phí cho công chúng xem trước như vậy không có lợi cho việc kinh doanh của các hãng. Chính một số tờ báo cứ làm cho nó loạn lên mà không để làm gì cả!

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm