Lọt đường lưỡi bò: Cục trưởng Điện ảnh sẽ bị xử lý sao?

Liên quan đến phim có tựa Việt là Everest - Người tuyết bé nhỏ có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp, theo người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL thì bộ trưởng bộ này đã xác định đây là sự việc nghiêm trọng. Vẫn theo lời người phát ngôn thì Bộ VH-TT&DL sẽ kiểm tra quy trình cấp phép phổ biến phim để phân định trách nhiệm cụ thể.

Quyền cục trưởng Cục Điện ảnh phải chịu trách nhiệm chính

Báo chí hôm trước cũng ghi nhận được ý kiến của cựu cục phó Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát, một thành viên của Hội đồng thẩm định phim cấp trung ương, về việc “có sai sót” trong thẩm định phim trên. Riêng với Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thu Hà, báo Thanh Niên ngày 14-10 có dẫn lời của bà cho là: “Thường thì cục trưởng Cục Điện ảnh không có trách nhiệm xem toàn bộ phim cần duyệt nhưng người nhận trách nhiệm sẽ là tôi, chứ không thể bắt chủ tịch hội đồng thẩm định nhận trách nhiệm được”.

Theo phân công trong Bộ VH-TT&DL, Cục Điện ảnh là cơ quan được bộ ủy quyền cấp giấy phép phổ biến phim đối với phim sản xuất và nhập khẩu của cơ sở điện ảnh thuộc trung ương, địa phương và cơ sở điện ảnh tư nhân trong phạm vi cả nước.

Để có căn cứ cấp phép, cục này sẽ dựa trên sự tư vấn của hội đồng thẩm định phim cấp trung ương bao gồm đại diện cục, đạo diễn, biên kịch, lý luận phê bình điện ảnh và các chức danh khác. Hội đồng này có nhiệm vụ nhận xét, đánh giá từng phim được thẩm định để trình cho cục trưởng Cục Điện ảnh quyết định việc phổ biến hay cấm phổ biến phim. Từ quy định này mà theo lời của người phát ngôn Bộ VH-TT&DL thì buổi thẩm định phim trên có đến 11 thành viên tham gia.

Như vậy, xét chính phụ thì khi phim trên có nội dung không phù hợp với những cấm cản trong hoạt động điện ảnh mà vẫn được cấp phép phổ biến thì người cấp phép là quyền cục trưởng Cục Điện ảnh phải chịu trách nhiệm chính. Những người có liên quan trong hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm phụ về việc thẩm định, tư vấn không đạt yêu cầu.

Cảnh có đường lưỡi bò trong phim Everest - Người tuyết bé nhỏ đang gây xôn xao dư luận về  trách nhiệm thẩm định phim. (Ảnh cắt từ phim)

Chờ quyết định xử lý từ bộ trưởng

Về hình thức xử lý dành cho bà Thu Hà, tất nhiên bộ trưởng sẽ quyết định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Cùng với đó, đối với những cá nhân có sai sót trong hội đồng thẩm định, bộ trưởng có thể tựa trên Luật Điện ảnh để bãi nhiệm và bổ sung người thay thế.

Theo thống kê từ Cục Điện ảnh thì trong năm 2018, cục này đã tổ chức thẩm định, phân loại và cho phép phát hành hơn 350 phim thuộc nhiều thể loại, trong đó có hơn 230 phim truyện nước ngoài… Với số lượng phim ngày càng lớn như thế, dẫu sai sót đường lưỡi bò chắc chắn là vô ý nhưng cần phải tính sao để nhất định không được lặp lại sẽ tiếp tục là một thách thức không nhỏ đối với Cục Điện ảnh và Bộ VH-TT&DL.

Đối với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh, Bộ VH-TT&DL đều có thể đối chiếu với các quy định của pháp luật để tùy trường hợp mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự… 

Nhân đây, một đề nghị từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có thể là một gợi ý để Bộ VH-TT&DL cùng nhiều cơ quan chức năng khác xem xét đến để nội dung phim được quản lý tốt hơn. Đồng thời cũng tạo được tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế.

Đó là thay vì để cơ quan quản lý nhà nước độc quyền kiểm duyệt phim dễ dẫn đến nhiều bất cập, Luật Điện ảnh sửa đổi có thể cho phép nhiều tổ chức hội đủ điều kiện được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim theo các tiêu chí do Chính phủ quy định. Bấy giờ, Bộ VH-TT&DL (Cục Điện ảnh) sẽ tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.

Quy định về phát hành và thẩm định phim

Theo Luật Điện ảnh năm 2006, phim Việt Nam do cơ sở sản xuất phim sản xuất; phim nhập khẩu chỉ được phát hành, phổ biến khi đã có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phổ biến phim gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép và giấy chứng nhận bản quyền phim. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và phim trình duyệt, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh có trách nhiệm cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nêu rõ lý do. Hội đồng thẩm định phim cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) thành lập. Hội đồng thẩm định phim có trách nhiệm thẩm định phim để tư vấn cho người đứng đầu cơ quan quyết định thành lập hội đồng thẩm định phim về việc phổ biến phim và phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi. Hội đồng thẩm định phim có từ năm thành viên trở lên, bao gồm đại diện cơ quan quyết định thành lập hội đồng thẩm định phim, đạo diễn, biên kịch và các thành viên khác.

VIẾT THỊNH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm