LHP Việt Nam: “Đông đúc” nhưng chưa thể phấn khởi

Nhìn vào danh sách 23 bộ phim vừa được công bố, công chúng không khỏi giật mình.

Bởi có đến hơn phân nửa là phim hài vô thưởng vô phạt (như Hello cô Ba, Hit: Hoàng tử và lọ lem, Yêu anh! Em dám không…), thậm chí có phim còn được gọi là “thảm họa” (như Mùa hè lạnh, Ranh giới trắng đen, Cát nóng…).

Bộ mặt nghèo nàn của điện ảnh?

Để có thể nuôi hy vọng cho một LHP, thông thường dư luận chú ý đến dòng phim tác giả (thuật ngữ trong lĩnh vực điện ảnh để nhấn mạnh dấu ấn sáng tạo của đạo diễn) với những đạo diễn tên tuổi thường gắn với các giải thưởng điện ảnh.

Với Lạc lối (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang) và Đam mê (Phi Tiến Sơn),cả hai phim đều thể hiện tư duy làm phim rất cũ từ đề tài cho đến nhịp điệu phim so với mặt bằng thị trường phim ảnh hiện tại. Trong khi đó, Lấy chồng người ta được chờ đợi bởi cái tên Lưu Huỳnh (từng rất thành công tại nhiều LHP với Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử). Đạo diễn Lưu Huỳnh tự hào về phim Lấy chồng người ta, bởi anh cho rằng ngoài vai trò biên kịch và đạo diễn, anh còn chăm chút và đảm nhận nhiều vai trò khác như đạo diễn hình ảnh, tổ chức đoàn làm phim… Tuy nhiên, kỳ vọng của đạo diễn có lẽ khó mà trùng khớp với nhận xét của nhiều khán giả và giới chuyên môn khi họ đều cho rằng: Bộ phim này có phần đậm nét về tính chất bạo lực, dục tính chứ không mới hơn về mặt nghệ thuật (so với hai phim vừa kể của Lưu Huỳnh).

LHP Việt Nam: “Đông đúc” nhưng chưa thể phấn khởi ảnh 1

Phạm Anh Khoa trong phim Đường đua của đạo diễn Nguyễn Khắc Huy. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Một trường hợp khác những tưởng là đáng chờ đợi cho mùa LHPVN lần này là phim Lửa Phật. Đây là phim có thể loại đặc biệt nhất trong mùa phim năm nay - thể loại giả tưởng. Thế nhưng khi phim công chiếu thì nhận được nhận xét chung: Câu chuyện phim không hay, thế giới giả tưởng không theo một trình tự nào và… “hạt sạn” không nên có khi đưa hình ảnh quảng cáo rượu quá lộ liễu.

“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”

Hy vọng lại được đặt vào những khuôn mặt mới trong giới làm phim. Đường đua của đạo diễn Nguyễn Khắc Huy cùng ê kíp trẻ được ghi nhận là rất tâm huyết với điện ảnh. Tuy nhiên, phim được xây dựng trên một kịch bản còn non và… nằm ở lằn ranh nhập nhòe giữa dòng phim thương mại với dòng phim tác giả, chẳng đâu vào đâu.

Dành cho tháng 6 của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chỉ ở mức đáng khen cho một triển vọng về nghề nghiệp chuyên môn mà thôi.

Nhìn chung lại, không chỉ LHPVN mùa này mà cả nhiều mùa trước nữa, lổn ngổn những phim hài khó nói là có chất lượng nghệ thuật như Yêu anh! Em dám không bên cạnh những phim nghiêm túc như Bí mật thảm đỏ, Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ.

Nên chăng Ban tổ chức LHPVN sàng lọc trước để những phim tham gia liên hoan không quá chênh lệch về chất lượng. Điều này sẽ tạo nên dấu ấn LHPVN đối với khán giả.

Suy cho cùng, ở điện ảnh hay bất cứ lĩnh vực nào khác cũng nên “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.

Khóc vì... “cá rô phi”

Việc chấm điểm những phim tham gia Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 18 còn phải đợi đến giữa tháng 10 mới có kết quả trao giải. Nhưng ngay từ lúc này, sau khi danh sách 23 bộ phim “ứng thí” ở hạng mục “Phim truyện nhựa” được công bố, những ai quan tâm đến bộ mặt điện ảnh nước nhà, thấy gì? Nói cách khác, trong hai năm 2011-2013 kể từ sau LHPVN lần thứ 17 (2011), điện ảnh Việt Nam có gì mới hay không?

Nhìn bề nổi, số lượng phim đã tăng lên. LHPVN lần thứ 17 (diễn ra tại Phú Yên) có 17 phim, LHPVN lần thứ 16 (tại TP.HCM) có 15 phim. Lượng phim tăng, đánh dấu thị phần điện ảnh nội địa thực sự ngày càng lớn ra. Dấu hiệu dễ nhận thấy là doanh thu của một số phim gây “choáng”: Trong mùa phim tết 2013 hai phim Nhà có 5 nàng tiên, Mỹ nhân kế, trong mùa phim tết 2012 hai phim Hello cô Ba, Thiên mệnh anh hùng đều đạt con số doanh thu hàng chục tỉ đồng (ngoại trừ Mỹ nhân kế, ba phim còn lại đều đăng ký tham gia LHP lần này).

Trong 23 phim “ứng thí”, điện ảnh tư nhân chiếm thế áp đảo, chỉ có bốn phim từ các hãng hưởng ngân sách Nhà nước: Cát nóng (Hãng phim Giải Phóng), Đam mê (Hãng phim truyện 1), Lạc lối, Những người viết huyền thoại (Hãng phim truyện VN). Giả sử… vắng bóng các hãng phim tư nhân trong ngày hội điện ảnh cả nước, không khí “chợ chiều” là điều khó thoát khỏi.

Rồi chợt phấn khởi ngẫm nghĩ… Hình như khán giả, yếu tố quyết định việc doanh thu của điện ảnh tư nhân, đang ngày càng được coi trọng, trở thành “nhân vật chính” trong nền điện ảnh VN hiện nay? Tưởng vậy nhưng không chắc vậy.

Tôi nhớ lại gần 10 năm về trước, khi đi dự LHP lần thứ 14 tại Buôn Ma Thuột (2004). Trong một hội thảo tìm giải pháp thu hút khán giả, đạo diễn Lê Hoàng than thở với nỗi niềm… “Ai bảo làm phim ăn khách là sướng?”. Vào thời điểm đó, Lê Hoàng đang trở thành tâm điểm dư luận sau bộ phim làm theo “gu” thị trường là Gái nhảy, Lọ lem hè phố. Đến lượt đạo diễn Đỗ Minh Tuấn bước lên diễn đàn cũng cho rằng mình khổ không kém khi làm phim đề tài cách mạng (phim Ký ức Điện Biên). Cả hai vị đạo diễn, không hẹn mà gặp, đều rớt nước mắt (nước mắt thật), vậy mới quái!

Nghe ai đây? Đạo diễn Trần Thế Dân, hồi đó là phó tổng thư ký Hội Điện ảnh VN, làm một câu đúc kết: “Tôi nghĩ hãy tin vào khán giả, hãy cho họ cái quyền định hướng. Hãy cho khán giả nhiều món ăn để tự họ lựa chọn chứ chỉ một món thì lấy gì mà lựa”.

Bây giờ, 10 năm trôi qua, rõ là có thay đổi. Chẳng thấy đạo diễn từ các hãng nhà nước khóc như Đỗ Minh Tuấn nữa. Cũng chẳng thấy nhà sản xuất tư nhân nào phải khóc hết, mừng là đằng khác, ẵm hàng núi tiền mà không sướng rơn thì ắt có “vấn đề” về đầu óc.

Nhưng bây giờ đến lượt khán giả… khóc. Vì gặm phải bộ phim khô cứng như ngói hoặc vì xem trúng thứ phim mua vui một cách cẩu thả, kém chất lượng (số phim này chiếm phần lớn). Có phim, khán giả vừa rời khỏi rạp bèn buông câu “khi xem xong, đừng quay đầu lại!”, vừa nói vừa tức anh ách. Nhẹ hơn thì xem xong phim rồi... quên luôn.

Khán giả, trong con mắt thị trường, là “Thượng đế”. Bữa nay, “Thượng đế” cũng khóc, do đâu?

Tôi nhớ đến câu chuyện của bạn tôi, một người làm thủy sản dưới đồng bằng Cửu Long. Chuyện rằng: Ở một vài cửa sông hiện nay, nguồn nước bị ô nhiễm khiến cho nhiều giống cá không sống nổi, chỉ còn mỗi cá rô phi tha hồ tung hoành. Cá rô phi sinh sôi ồ ạt, xuống giá thê thảm. Người dân chỉ có nước khóc ròng.

Nhiều phim ồ ạt như hiện nay không khéo cũng đang mắc phải tình trạng cá rô phi”. Thấy nhiều, xin đừng mừng mà nên hiểu đó là sự ô nhiễm.

CHƯƠNG DƯƠNG

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm