LHP Cannes lần thứ 68: Những cú sốc ẩn mình... chờ nổ

Tất nhiên, các vụ mất cắp tư trang hay những trò lố của các ngôi sao hội tụ về Cannes cũng có thể gây được ồn ào, huyên náo như vậy. Nhưng điều khiến Cannes nổi bật không thể nhầm lẫn trong thế giới điện ảnh đa tạp, đó là cách nó mang đến cho người mộ điệu của những bộ phim “vị nghệ thuật” chưa từng chiếu ở đâu khác. Dù 12 ngày diễn ra của Cannes năm nay (từ ngày 13 đến 24-5) chỉ giới thiệu 51 phim truyện, phân bổ trong năm chương trình chính thức nhưng chúng là kết quả của quá trình bộ phận giám tuyển chọn lọc hơn 1.800 phim từ khắp thế giới trong một năm qua, ngay cả khi phim còn đang trong phòng dựng.

Một Cannes khác biệt

Như nhiều liên hoan phim lâu đời khác, Cannes - sắp bước qua mùa hội thứ 68 - cũng đang đối diện với “tuổi già” và sức ép đổi mới. Lần đầu tiên sau 10 năm, liên hoan không chọn phim khai mạc là một “bom tấn” Hollywood góp mặt nhiều ngôi sao để phô trương thanh thế, mà chọn một phim của nước chủ nhà - phim La tête haute (tạm dịch: Ngẩng cao đầu) của nữ đạo diễn kiêm diễn viên Emmanuelle Bercot. “Đây là thông điệp rất rõ ràng, cho thấy chúng tôi khát khao có một khởi đầu mới cho liên hoan bằng sự khác biệt đậm nét và năng động” - ông Giám đốc nghệ thuật Thierry Fremaux được báo chí thế giới trích lời trong buổi họp báo giới thiệu liên hoan hồi trung tuần tháng 4 vừa qua.

Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ sẽ được nhà phát hành Fortissimo giới thiệu tại Cannes.

Trên tinh thần một liên hoan dành riêng cho giới làm nghề, có thể nói Cannes thường xuyên giới thiệu những bộ phim mà sáng tạo độc đáo của chúng có thể được ngưỡng mộ rộng khắp nhưng cũng thường khi bị chỉ trích dữ dội. Năm nay không ngoại lệ. Trước thềm liên hoan, nhiều người đã sốc với hình ảnh trên poster phim Love (Yêu) của đạo diễn người Argentina Gaspar Noé, nằm trong chương trình Midnight Screenings. Bộ phim xoay quanh mối quan hệ tay ba giữa một cậu trai và hai cô gái, giới thiệu mình bằng hình ảnh trực quan theo đúng nghĩa đen: Cận cảnh ba cặp môi đang “quyện” vào nhau đầy nóng bỏng!

Tuy nhiên, những ẩn số gây chú ý nhiều nhất phải kể tới 19 phim tranh giải Cành cọ vàng. Nước chủ nhà Pháp chiếm thế áp đảo với năm phim. Một trong số này đề cập tới chủ đề loạn luân - là phim Marguerite et Julien (Marguerite và Julien) của nữ đạo diễn Valérie Donzelli. Phim xoay quanh mối quan hệ giữa đứa con trai và con gái của một quý tộc vùng Tourlaville (Pháp), từ những tình cảm trìu mến dành cho nhau khi còn ấu thơ, dần biến thành niềm đam mê cuồng nhiệt theo năm tháng. Vụ việc làm xã hội giận dữ khiến họ thành những kẻ trốn chạy vì bị săn đuổi.

Những tham vọng khác

Giới truyền thông cũng nhắc nhiều tới The Tale of Tales (Truyện của các truyện) của đạo diễn người Ý Matteo Garrone như là ứng viên sáng giá cho giải cao nhất. Với diễn xuất của cô đào Salma Hayek, phim này là dự án đầy tham vọng chuyển thể từ tuyển tập 50 truyện ngắn The Tale of Tales của Giambattista Basile, nhà văn Ý sống ở thế kỷ 17. Đạo diễn Garrone nói tới tờ Variety, ông chọn tác phẩm kinh điển này vì tính chất trộn lẫn giữa hiện thực và huyền ảo của nó, điều mà ông luôn tìm kiếm trong nghệ thuật.

Nhìn qua các phim tranh giải, người ta thấy Cannes năm nay có sự cân bằng giữa phim của các đạo diễn gạo cội từng nhiều lần được đề cử Cành cọ vàng và phim của các nhà làm phim trẻ. Laszlo Nemes, đến từ Hungary, lần đầu có phim tranh giải nhờ tác phẩm Saul fia (Con trai của Saul), thuật lại chuyện một ông bố tù nhân ở trại tập trung Auschwits của Đức quốc xã được giao nhiệm vụ đốt thi thể những đồng bào đã chết. Ông phát hiện trong đám lửa bốc lên xác đứa con trai của mình, mà ông đã không thể chăm sóc cho cậu khi còn sống. Mệnh lệnh đạo đức khiến ông biết mình cần phải kéo ra được cái xác và nhờ một giáo sĩ người Do Thái làm lễ chôn cất đàng hoàng cho con.

Phim Việt vẫn kịp để lại dấu ấn tại Cannes

Điện ảnh châu Á có ba phim tranh giải tại Liên hoan phim Cannes lần này, gồm Nhiếp ẩn nương của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền (Đài Loan) với góp mặt của Thư Kỳ, Những ngọn núi chuyển dời của Giả Chương Kha (Trung Quốc) và Em gái nhỏ của chúng ta của Kore-eda Hirokazu (Nhật). Điện ảnh Việt Nam lần này tiếp tục vắng bóng phim trình chiếu và dự giải, dù là bên lề như Tuần lễ các nhà phê bình mà Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di từng tham gia năm 2010. Dù vậy dấu ấn phim Việt vẫn có mặt tại hoạt động chợ phim của Cannes. Mới đây nhất, hãng Fortissimo tuyên bố họ đã mua bản quyền phát hành quốc tế phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ để giới thiệu tại liên hoan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm