Lễ giỗ hoa hồng nhớ nghệ sĩ Thanh Nga

Trưa 2-12 (tức 26-10 âm lịch) là đúng 40 năm ngày nghệ sĩ (NS) Thanh Nga và chồng bị sát hại, gia đình NS Thanh Nga, giới NS TP.HCM cùng khán giả nhiều thế hệ đã làm lễ tưởng niệm bà tại quận 4, TP.HCM. Nhiều câu chuyện về NS Thanh Nga đã được nhắc nhớ ở buổi lễ này.

Ra đi ở tuổi 36

Ngày 26-11-1978, khi vừa bước qua tuổi 36, đang độ vàng son của sự nghiệp, nữ NS tài danh Thanh Nga cùng chồng là luật sư Phạm Duy Lân đã bị bắn chết ngay trước cửa nhà riêng ở đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Lê Thị Riêng, quận 1, TP.HCM).

Trên sân khấu, những thước phim tư liệu về các vai diễn của cố NS Thanh Nga và bạn diễn là cố NS Thanh Sang được phát lại trong sự im lặng ngưỡng mộ của mọi người. Từng lời ca, câu thoại, ánh mắt, dáng người của cố NS Thanh Nga thật sống động, tỏa sáng tài năng và sắc đẹp vẹn toàn của bà. Tài năng và sắc đẹp đang ở độ được xưng tụng là “nữ hoàng sân khấu” đó đã vĩnh viễn đi vào lòng người mộ điệu. Vậy nên cho đến hôm nay, 40 năm đã trôi qua, hậu thế vẫn nhắc mãi đám tang của NS Thanh Nga rằng lúc đó đông lắm, có hàng vạn người đưa tiễn, chỉ đông sau đám tang cụ Phan Chu Trinh và người học trò yêu nước Trần Văn Ơn mà thôi.

Nhắc đến tài năng của NS Thanh Nga, “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết nay đã ở độ tuổi hơn 70 vẫn cho rằng: “Thật hiếm có NS cải lương nào hội tụ thanh-sắc-tài toàn vẹn như NS Thanh Nga. Ngày tôi là học sinh, chưa đi hát thì chị là thần tượng của tôi, tôi và chúng bạn đi xin ảnh chị. Khi tôi đi hát rồi, chị như một người thầy của tôi vì tôi luôn lặng lẽ xem chị diễn, quan sát chị để học hỏi. Mới đây thôi, tôi ngồi tại đây xem lại vai diễn Quỳnh Nga của chị trong Bên cầu dệt lụa, đoạn chị tiễn anh Trần Minh - Thanh Sang lên đường đi thi mà nể phục. Chỉ một cái nón thôi mà chị diễn năm động tác, lúc hất ra sau, lúc để trước ngực, lúc quàng lên vai, lúc ôm vào người, lúc đội trên đầu. NS Thanh Nga thật xứng đáng với tình cảm mà khán giả luôn dành cho chị”.

Nghệ sĩ Bạch Tuyết tại lễ giỗ cố  nghệ sĩ Thanh Nga mới đây. Ảnh: LÊ MINH HẠ

Người phụ nữ hiền lành và giàu tình cảm

Khán giả nhớ mãi NS Thanh Nga có lẽ vì tài năng và vẻ đẹp của bà. Còn NS, rất nhiều người nói mình nhớ Thanh Nga vì “nữ hoàng sân khấu” bên ngoài đời thường có một tâm tính hiền lành, chân thật và giàu tình cảm.

NS Hà Mỹ Xuân, người đóng vai Trưng Nhị trong Tiếng trống Mê Linh cùng Thanh Nga, chia sẻ: “Chị Nga không bao giờ giành hơn với đàn em khi diễn. Chị luôn quan tâm, giúp đỡ, lo lắng cho bạn diễn. Như khi tôi đóng vai Trưng Nhị, chị hay chỉnh sửa tóc tai, bông cài cho tôi thêm đẹp, chỉ tôi hát sao cho hay… Có những chuyện nho nhỏ vậy mà tôi nhớ chị hoài”. Còn NS Hữu Châu đã nhớ về cô ruột - NS Thanh Nga - má Ba của mình như sau: “Hồi đó, năm 1970-1972, sân khấu hát không được vì phim ảnh Hong Kong và phần vì chiến tranh nữa, má Ba làm sirô đá bỏ bịch cho con với anh Hải đem đi bán. Tiền bán được má Ba sẽ để dành mua quà Noel cho tụi con”.

Còn NS Kim Cương bảo rằng: “Khi Thanh Nga có con, tôi cũng đã rất vui khoe với Thanh Nga rằng tôi đã mang thai ba tháng. Đến khi Thanh Nga mất, tôi rất xúc động, cảm thương đặc biệt vì Thanh Nga đã dùng mạng sống của mình để đổi mạng cho con, dùng thân mình che đạn cho con”.

NS Mộng Tuyền rưng rưng nước mắt khi nhắc về NS Thanh Nga, bởi Mộng Tuyền là một trong những NS gắn bó chặt chẽ với đoàn cải lương Thanh Minh-Thanh Nga và thân nhất với NS Thanh Nga trong đoàn vì cả hai hay diễn chánh cùng một vai diễn. Mộng Tuyền kể: “Để đến được với anh Lân, chị Thanh Nga phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách bởi anh Lân cũng không phải là người quá giàu có. Tuy nhiên, anh rất yêu thương vợ và chị rất hạnh phúc. Có lần chị Nga khoe với tôi đã dành dụm mua được chiếc nhẫn hột xoàn 4 ly để dành cưới vợ cho Cúc Cu khiến tôi muốn rớt nước mắt.

Sau 1975, tôi không còn diễn chung đoàn với chị. có lần tôi hát ở tỉnh về TP thăm chị, lúc đó cô Ba Thanh Loan - một NS thân thiết với chị mới mất, chị rất buồn nói với tôi: “Chị sợ ngày mình phải chôn anh Lân lắm! Nghĩ phải chia tay nhau, chị rất buồn. Chị ao ước làm sao anh và chị cùng được chết với nhau”. Ngày chị Nga mất, tôi đang diễn ở Long Xuyên, nghe hung tin liền tức tốc đi xe đò về Sài Gòn. Vào tới nhà xác BV Sài Gòn, tôi thấy xác chị Nga đã được trang điểm lại, gương mặt chị vẫn đẹp như đang ngủ, chị đẹp như một thiên thần trong trang phục áo dài gấm đỏ...”.

Cứ thế, những câu chuyện về NS Thanh Nga cứ được giới NS kể mãi ở đám giỗ thứ 40 của bà để rồi nó sẽ còn lưu truyền mãi.

10 năm người còn, người mất

Đây là lần thứ hai lễ tưởng niệm cố NS Thanh Nga được NS Hữu Châu đại diện gia đình đứng ra lo liệu. Lần họp mặt nhớ NS Thanh Nga lần này khiến nhiều người đã từng có mặt ở lễ tưởng niệm 30 năm ngày mất của NS Thanh Nga vào 10 năm trước xúc động, ngậm ngùi. Bởi ở lần tưởng niệm này đã vắng mặt khá nhiều gương mặt gạo cội trong làng sân khấu mãi mãi đi xa như NS Ba Xây, soạn giả Kiên Giang, bà Tám Trống, ông Dương Đình Thảo…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm