Lấy vở opera Lá đỏ đọ với Lạc trôi Sơn Tùng

Đó là một trong những ý kiến được đưa ra tại hội thảo “Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay”, diễn ra ngày 31-10.

Bối cảnh vở Opera Lá đỏ được dàn dựng gợi không khí chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong trong rừng Trường Sơn năm xưa. Ảnh: plo.vn

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng sau nhiều năm thực hiện, Nghị định 79/2012 và Nghị định 15/2016 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tế. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến ngày càng nhiều nhạc phẩm được sáng tác, phổ biến ra công chúng nhưng không có chất lượng nghệ thuật, nội dung ca từ nhảm nhí như Phiếu bé ngoanTan ka kaEm không hối tiếc…, hay gần đây nổi lên sản phẩm Như cái lò gây ảnh hưởng tới lối sống, đạo đức của giới trẻ.

“Nếu vở opera cách mạng Lá đỏ chỉ có gần 2.000 lượt xem sau nửa năm đưa lên website của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì ca khúc Lạc trôi của Sơn Tùng đạt mốc hơn 100 triệu view chỉ sau hai tháng xuất hiện trên YouTube và có tên trong danh sách MV được xem nhiều ở châu Á. Mặc dù theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Lạc trôi na ná MV ngoại quốc, âm nhạc thuần túy giải trí, ca từ vay mượn…, không có nhiều giá trị nghệ thuật” - bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nói.

“Gặp em trên cao lộng gió – Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ...". Ảnh: muavietnam.com

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên nêu quan điểm: “Thẩm mỹ trong thưởng thức âm nhạc, thẩm mỹ trong nghệ thuật của giới trẻ hiện nay là điều nhà quản lý phải nghĩ, phải làm. Nhưng phải làm như thế nào để vừa đáp ứng được cho họ, vừa phải có một định hướng để họ thưởng thức lành mạnh, không lệch lạc. Những chương trình chính thống của mình vẫn nặng về báo cáo các cấp, công chúng khán giả phần lớn là huy động, rồi tự thấy, tự hài lòng và tự đánh giá cao”.

Bên cạnh đó, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cũng cho rằng cách quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước không thực sự nắm bắt được những gì diễn ra trong đời sống. “Và khi nó bùng nổ thành hiện tượng thì lập tức vào cuộc như sự chữa cháy, thậm chí cấm đoán. Còn thực sự hiểu cái gì là nguyên nhân gốc thì chưa chắc đã hiểu được và có ý thức về điều đó. Đời sống âm nhạc bây giờ phải phong phú, phải đa dạng nhưng chúng ta đang sợ đa dạng, bị ép đi một chiều thì chúng ta sẽ mất giới trẻ. Quản lý phải làm sao đa dạng và làm sao cho môi trường âm nhạc đó phải tốt lên” - bà Châu nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Hình sự-Hành chính, nêu ý kiến: “Việc cho phép những bài hát đã được sáng tác từ năm 1975 về trước về quản lý thì ổn nhưng khó chấp nhận ở chỗ những bài này đã được công chúng biết đến, đã đi vào lòng người, nay chúng ta lại đặt vấn đề cấp phép. Cái này phải tính lại. Có thể chúng ta có cách làm nào đó như là tìm những bài phản cảm để quản lý…” - bà Thoa nói.

Ý kiến của bà Thoa cũng nhận được sự đồng tình của Thứ trưởng Vương Duy Biên. Theo ông Biên, cần hạn chế thủ tục tiền kiểm, tăng hậu kiểm. Điều này tạo điều kiện cho các đơn vị tổ chức nghệ thuật. “Hội đồng thì có thể lúc đến duyệt nghiêm chỉnh nhưng đến khi diễn cởi bớt ra một số thứ thì sao? Chế tài hậu kiểm chặt chẽ, phạt thật nặng thì có tính răn đe” - ông Biên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm