Làng cá đổi đời từ… tranh vẽ!

Rồi con đường nhựa rộng mở từ phía nam cầu lại tạo thêm thuận lợi hơn nữa, các làng chài ven biển tận Thăng Bình, Tam Kỳ gần cửa biển Tam Thanh lại được biết đến, tạo ra một tuyến du lịch mới, nhất là khi có thêm một làng chài có tên lạ: Làng Bích Họa xuất hiện…

Xưa, làng chài này mang tên Trung Thanh, thuộc xã Tam Thanh vốn là nơi từng được biết đến với loại nước mắm Tam Ấp nổi tiếng khắp vùng từ xưa. Làng có gần 200 hộ dân với khoảng 500 lao động chuyên nghề đánh bắt hải sản bãi ngang bằng mấy trăm chiếc thuyền nhỏ và nghề làm nước mắm. Đàn ông trên 40 tuổi gần đây ra Đà Nẵng, vào Kỳ Hà đi bạn đánh bắt xa bờ, hầu hết phụ nữ trẻ xin vào làm công nhân may ở Tam Kỳ. Nhưng bươn chải bao nhiêu thì cuộc sống vẫn chỉ đủ miếng ăn, xây được cái nhà cấp 4 tránh mưa bão. Làng Trung Thanh nằm trên dải đất hẹp, một bên là biển luôn bị đe dọa sạt lở và một bên là sông Trường Giang lặng lẽ hiền hòa bao đời…

Những cảnh sinh hoạt từ đời thật của những người dân nơi đây được được vẽ trên tường các nhà trong làng. Ảnh: T.Đ.THẮNG

Cho đến giữa năm 2016, những người sáng lập dự án “Giao lưu mỹ thuật cộng đồng Việt Nam - Hàn Quốc” đặt chân đến làng Trung Thanh đã làm thay đổi tất cả, chỉ sau 18 ngày!

Quỹ giao lưu quốc tế của chính phủ Hàn Quốc và UBND TP Tam Kỳ đồng ý chọn Trung Thanh làm điểm để các tình nguyện viên và các họa sĩ đến từ xứ sở kim chi triển khai dự án… vẽ! Bất cứ bờ tường, cổng ngõ, tường rào nào cũng được sơn lại và… vẽ. Anh Bùi Văn Nhân, thôn phó Trung Thanh, kể ban đầu cũng có nhiều người phản đối, sợ họ vẽ bậy.

Nhưng không, các họa sĩ đi tìm hiểu đời sống, nghề nghiệp của dân làng rồi vẽ thử. Một gia đình anh thợ may, một nữ sinh mặc áo dài, những phụ nữ ngồi bán cá, chiếc thuyền vào bến lúc bình minh… được thể hiện đẹp như thật, vậy là ai cũng thích… được vẽ ngay vào tường nhà mình. Nhà nào không có các mảng tường thích hợp hay tường rào trên những con hẻm dẫn ra biển thì được sơn lại, trang trí hoa lá, các biểu tượng nghề cá bằng màu sắc hài hòa.

Anh Nhân nói từ một làng nghèo, vệ sinh môi trường còn tồn tại bao nhiêu bất cập, Trung Thanh đổi tên thành làng Bích Họa và bây giờ ai cũng thấy mình phải giữ lại tất cả thành quả nghệ thuật mà các tình nguyện viên đã mang đến. Nhà cửa sạch đẹp, mỹ quan. Mọi ngả đường đều thông thoáng và đặc biệt là… người tứ xứ cứ tấp nập đến chơi với dân làng.

Đông nhất là những ngày cuối tuần, người ta nghe đủ thứ giọng nói từ miền Bắc, miền Nam và cả những thanh niên nam nữ đến từ các vùng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Từ đó bao nhiêu dịch vụ ăn uống, giữ xe, thậm chí bắt đầu có dịch vụ nghỉ trưa được mở ra. Chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức cho bà con hiểu về việc buôn bán văn minh, công khai giá cả và niềm nở với khách. Không còn ai tranh giành khách, bắt giá cao mà tất cả đều như nhau. Chúng tôi gửi hai ô tô ở hai nhà khác nhau để đi vãn cảnh, vẫn chỉ giá 10.000 đồng mà được chủ nhà mang chiếu ra che nắng cẩn thận. Nước mắm nguyên chất, thơm ngon Tam Ấp giá chỉ 50.000 đồng mỗi lít giờ được du khách khắp nơi ưa chuộng chứ không chỉ tiêu thụ quanh vùng như trước. Thôn phó Bùi Văn Nhân cho biết giai đoạn 2 của dự án sắp được triển khai và giờ đây mọi người dân đang nóng lòng chờ đợi chứ không dè chừng như trước nữa!

Tham quan, chụp ảnh xong ở làng Bích Họa lại ghé biển Tam Thanh cách đó hơn cây số ăn trưa, tắm biển. Buổi chiều đi viếng tượng đài Mẹ Việt Nam ở Tam Kỳ rồi theo đường ven biển về lại cầu Cửa Đại, Hội An chỉ một tiếng chạy ô tô trên con đường mới…

Ấn tượng về một đổi thay ở làng biển nghèo Trung Thanh - Bích Họa vẫn còn đọng lại trong mỗi người…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm