Làn sóng nữ quyền hậu Oscar

Lễ trao giải Oscar đã qua gần một tuần, thế nhưng dư âm của nó vẫn còn rất mạnh mẽ. Bên cạnh những hình ảnh chế nhạo John Travolta với nụ hôn bị gọi là khiếm nhã dành cho Scarlett Johansson hay Neil Patrick Harris gần như khỏa thân trên sân khấu… thì dư âm lớn nhất của Oscar năm nay là vấn đề bình đẳng giới.

Điện ảnh là chiếc bánh của nam giới

Trong lễ trao giải Oscar, nữ diễn viên Patricia Arquette đã được vinh danh tại hạng mục Diễn viên nữ phụ xuất sắc nhất cho vai người mẹ đơn thân ở bộ phim Boyhood. Cuối phần phát biểu của mình, Patricia đã làm rung động buổi lễ bởi lời kêu gọi mạnh mẽ về nữ quyền. “Gửi đến những người phụ nữ, những người đã sinh ra để đóng thuế và trở thành công dân của đất nước này. Chúng ta đã đấu tranh cho quyền bình đẳng cho nhiều nhóm người trong xã hội, bây giờ là lúc để chúng ta đứng lên đòi lại quyền bình đẳng về mức lương cho chính mình và quyền bình đẳng nói chung đối với tất cả phụ nữ trên nước Mỹ này. Một lần cho tất cả!” - Patricia kêu gọi. Ủng hộ Patricia là tràng pháo tay dài của những người tham dự cùng tiếng la lớn “Yes! Yes!” và hành động giơ tay đồng ý của Meryl Streep, Jennifer Lopez bên dưới sân khấu.

Đây không phải là lần đầu một diễn viên lên tiếng về bất bình đẳng giới thể hiện trong thu nhập của diễn viên Hollywood nhưng đây là lần đầu tiên trên sân khấu trao giải Oscar có nữ diễn viên nhắc đến vấn đề này. Trước đó, ở Liên hoan phim Cannes 2014, nữ đạo diễn Jane Campion (nữ đạo diễn duy nhất từng giành giải Cành cọ vàng) phát biểu: “Ngành công nghiệp điện ảnh như một miếng bánh mà phần lớn nam giới là người ăn hết”. Jane Campion cũng cho rằng bất bình đẳng giới trong ngành công nghiệp điện ảnh gây cản trở phụ nữ và nữ đạo diễn này khẳng định phân biệt giới tính trong ngành điện ảnh là phi dân chủ. “Những gì còn thiếu trong điện ảnh ngày hôm nay chính là những câu chuyện mà phụ nữ kể” - Jane Campion nói.

Patricia Arquette phát biểu khi nhận giải Diễn viên nữ phụ xuất sắc nhất tại Oscar vừa qua. Ảnh: WASHINGTON POST

Thu nhập của Angelina Jolie thua xa Tom Hanks

Vấn đề bất bình đẳng giới là vấn đề có thật của Hollywood. Một so sánh đơn giản nhất, Angelina Jolie có thể là ngôi sao nữ thu nhập cao nhất ở Hollywood nhưng Angelina vẫn đứng cách xa Leonardo DiCaprio hay Tom Hanks. Lý giải vấn đề này, nhiều bài báo lẫn nhiều nhà phân tích đều cho rằng gốc rễ do sự phân biệt giới tính trong ngành công nghiệp điện ảnh. Bởi với những phim bom tấn có doanh thu khổng lồ thì phụ nữ khó kiếm được vai lớn mà chủ yếu là nam giới. Nữ diễn viên chủ yếu xuất hiện như tô điểm hương hoa cho các vai nam chính mà thôi. Chính từ đó khi nhảy ra khỏi thị trường Hollywood, nữ diễn viên ít có cơ hội vào các vai kiếm ra tiền vì thị trường ngoài Hollywood vốn quen thuộc với các vai nam diễn viên hoành tráng và luôn muốn xem họ biểu diễn nhiều hơn. Bên cạnh đó, nữ diễn viên cũng buộc phải đóng những cảnh giường chiếu, khỏa thân nhiều hơn nam diễn viên; hay những vị trí như nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch… tỉ lệ nữ cũng khá ít ỏi. Như thống kê của Hiệp hội Điện ảnh New York (NYFA) trên 250 phim của Hollywood thì tỉ lệ phụ nữ làm nhà sản xuất chiếm 25%, biên tập chiếm 20%, biên kịch chiếm 15% và đạo diễn chỉ chiếm 9%.

Sự kiện bất bình đẳng giới rõ nhất trong năm 2014 của Hollywood là việc trả cát sê cho nữ diễn viên Jennifer Lawrence thấp hơn so với các diễn viên đóng cùng trong phim American Hustle. Cụ thể, các nam diễn viên trong phim được hưởng 9% lợi nhuận phòng vé từ phim trong khi Jennifer chỉ có 5%. Sau khi thông tin này rò rỉ, Jennifer đã được nâng lên 7%.

Làn sóng nữ quyền lan rộng

Sau phát biểu của Patricia Aquette, bên cạnh ý kiến ủng hộ cũng có ý kiến trái chiều. Cụ thể, cựu diễn viên Stacey Dash, giờ phụ trách phân tích văn hóa và bình luận trên kênh Fox News, cho rằng cô kinh hoàng khi nữ diễn viên Patricia đã “tự lăng xê” mình và muốn làm nên một lịch sử của mình khi nói về vấn đề bất bình đẳng giới. “Tôi thích một giải Oscar quyến rũ và sang trọng hơn là một lời khóc lóc về việc đòi hỏi tiền lương phải được trả như nhau”.

Tuy nhiên, phát biểu của Stacey Dash lập tức bị nhiều bài báo vặn lại. Trong đó, tờ Huffington Post đã vặn Stacey Dash bằng hàng loạt số liệu của Hiệp hội Phụ nữ các trường ĐH Mỹ (AAUW) như: Ở Mỹ nếu một người đàn ông có thể được trả 1 USD thì người phụ nữ chỉ được trả 78 cent cho công việc như vậy; tại 500 công ty lớn của Mỹ, tỉ lệ phụ nữ làm giám đốc điều hành chỉ chiếm 14,6%... và sự bất bình đẳng này tồn tại trong tất cả 50 tiểu bang của Mỹ.

Bài báo cũng khẳng định vấn đề tiền lương cho nữ diễn viên và nam diễn viên ở Hollywood cũng rất khác nhau. Với diễn viên nữ, sau 34 tuổi thì mức cát sê sụt giảm hẳn, trong khi đó với nam giới thì độ tuổi này kéo dài đến tận 51 tuổi.

Và sau phát biểu của Patricia, vấn đề bình đẳng giới được lan rộng. Nó không còn là câu chuyện của một lễ trao giải, của một Hollywood, của Mỹ, mà của nhiều hiệp hội đòi công bằng cho phụ nữ trên thế giới.

Chiến dịch truyền thông về quyền phụ nữ

Ngay sau phát biểu của Patricia, một chiến dịch truyền thông xã hội về quyền phụ nữ đang diễn ra. Tổ chức nhân quyền phụ nữ Equality Now đã liệt kê 10 điều luật phân biệt đối xử với phụ nữ tồi tệ nhất từ khắp nơi trên thế giới đi kèm một kiến nghị toàn cầu về quyền bình đẳng của phụ nữ: Nga - Phụ nữ không thể lái xe tải; Bahamas - Người chồng có thể cưỡng hiếp vợ; Pakistan - Lời nói của phụ nữ ít giá trị hơn nam giới; Luật Do Thái không cho phụ nữ ly hôn; Hoàng gia Anh - Phụ nữ không được tham gia thủy quân lục chiến; Nigeria - Bạo lực gia đình vẫn được cho phép; Afghanistan - Phụ nữ phải xin phép chồng khi ra khỏi nhà; Malta - Phụ nữ bị bắt cóc hợp pháp nếu sau đó người bắt cóc kết hôn với người phụ nữ đó; Saudi Arabia - Phụ nữ bị cấm lái xe; Madagascar - Phụ nữ không được làm việc vào ban đêm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.