Lan Phương - “Người đặc biệt” của làng giải trí

Lan Phương ngoài đời khá giản dị, tinh tế, và thông minh hơn những gì người ta nghĩ về cô nếu chỉ gặp cô qua nghệ thuật. Nói thật, mới nhìn Lan Phương cứ như một cô thôn nữ lỡ lạc chân vào nghệ thuật hơn là một diễn viên chuyên nghiệp. Ấy nhưng, đừng để sự ngây thơ bên ngoài đó đánh lừa, Lan Phương phức tạp hơn tất thảy những người phụ nữ (vốn dĩ) cực kỳ phức tạp nào.

Trong khi showbiz có đầy những nghệ sĩ chỉ sống bằng nhan sắc thì Lan Phương sở hữu những quyền năng thậm chí còn hơn cả sắc đẹp. Cô tốt nghiệp khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại Thương và cao đẳng Sân khấu điện ảnh, thậm chí đã từng có thời làm trợ giảng môn... múa.

Lan Phương - “Người đặc biệt” của làng giải trí ảnh 1

Người ta nói những kẻ đa năng thường không giỏi bất kỳ môn nào nhất định, nhưng câu đó sai với Lan Phương. Bằng chứng là cô từng 10 năm đi múa và đủ giỏi để làm trợ giảng môn này, cô lấn sân sang điện ảnh và lập tức tỏa sáng ở những vai diễn đa dạng trong nhiều bộ phim nổi tiếng, từ Cô gái xấu xí, Nữ bác sĩ, Người trong gia đình... Cô “nhón chân” qua kịch và lập tức trở thành gương mặt trụ cột của Sân khấu kịch Phú Nhuận, cô thậm chí từng đóng vai Juliette trong vở Romeo và Juliette của đạo diễn người Mỹ Mark Woolet và Candace Cliff. Nhưng thật ra, năng khiếu đặc biệt nhất của Lan Phương lại chính là ở chỗ cô luôn biết cách khiến cho mọi người ngạc nhiên.

Ở lĩnh vực nào Lan Phương tham gia, cô đều có những thành công nhất định, nhưng không như nhiều nghệ sĩ khác, khi đã đạt được thành công, họ bắt đầu nỗ lực để gặt hái cho mình tiền bạc và danh lợi. Còn Lan Phương, khi có được danh tiếng, cô lập tức tự thỏa mãn bản thân bằng cách nỗ lực để hoàn thành ước mơ học hỏi của mình.

Lan Phương - “Người đặc biệt” của làng giải trí ảnh 2

Diễn viên Lan Phương

Khi Cô gái xấu xí đẩy tên tuổi Lan Phương lên một tầm cao mới, các đạo diễn xếp hàng dài để mời cô tham gia các dự án của mình thì đùng một cái, Lan Phương đăng ký tham gia Tàu thanh niên Đông Nam Á "SSEAYP 2009" do chính phủ Nhật tổ chức trong thời điểm mà các nghệ sĩ thông thường hẳn đã phải “chộp” ngay lấy để chạy show, để đánh bóng tên tuổi.

Sau khi trở về từ Tàu thanh niên Đông Nam Á, Lan Phương một lần nữa thử thách lòng kiên nhẫn của "bà bầu" Hồng Vân khi cô lại lên đường tham gia chuyến hải trình trên du thuyền Nivea Blue Boat tại Hamburg - Đức cùng với hơn 3.000 đại diện đến từ 50 quốc gia. Rồi sau đó là dành cả tháng trời cho chương trình "Promoting social change through the arts" (Thúc đẩy thay đổi xã hội qua nghệ thuật) của chính phủ Mỹ.

Lan Phương - “Người đặc biệt” của làng giải trí ảnh 3

Lý do cho tất cả những chuyến đi này là gì? Cô không nhận được cát-sê, thậm chí phải tự bỏ tiền ra để trang trải cho những chi phí phát sinh. Nhưng cô được rất nhiều, Lan Phương hạnh phúc được đại diện Việt Nam nói về đất nước, con người, thảo luận với bạn bè quốc tế về nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.

Điều đó thể hiện rất rõ khi cô đang tham gia một vở kịch bằng tiếng Anh có tên The importance of being Earnest với mục đích giới thiệu nên kịch nói Việt Nam với các du khách quốc tế. Thậm chí, cô từng làm hẳn một chủ đề thảo luận rất “học thuật” là “Thấu hiểu sự giao thoa của các nền văn hóa” trong một chuyến hành trình.

Với Lan Phương, những trải nghiệm mà cô có được sau mỗi chuyến hành trình, những kiến thức thu được sau những chuyến đi đó giống như một món quà quý giá mà không phải ai cũng may mắn có được.
Hãy nghe cô kể về chuyến đi gần nhất của cô qua Mỹ: “Điều may mắn nhất trong chuyến đi là Phương đã được thưởng thức vở nhạc kịch kinh điển The phantom of the opera của sân khấu Broadway. Phương đã mua vé loại tốt nhất, và quả thực vở kịch xứng đáng với số tiền Phương bỏ ra. Không thể tưởng tượng được kĩ thuật và bàn tay phù thủy của đạo diễn và ê-kip làm việc. Không thể có một giây phút xao lãng để nghĩ về chuyện khác, tất cả những gì Phương có thể làm lúc đó là mở to mắt và hút vào từng chi tiết trên sân khấu. Và Phương còn được xem vở kịch Ngựa chiến, một vở kịch về chiến tranh tuyệt vời, Phương khóc suốt nửa phần sau của vở kịch”.
Nhìn ánh mắt vẫn còn nguyên sự háo hức của Lan Phương mới thấy cô “ngây thơ” đến mức nào. Người ta làm nghệ thuật sau đam mê là vì tiền bạc và danh vọng, còn Lan Phương làm nghệ thuật sau đam mê bởi nghệ thuật mang lại cho cô những cơ hội hiện thực ước mơ vươn đến những chân trời mới, nắm bắt những kiến thức mới, và đưa hình ảnh, con người Việt Nam ra với thế giới. Ấy là cái “dị” của cô gái xinh đẹp này...
Theo Phan Anh-Ảnh: Nguyễn Á (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm