Kịch tết: Mâm cỗ đổi món

Không hẹn mà gặp, tết 2016 có đến hai sân khấu cùng khai thác câu chuyện cổ tích Tấm Cám và cùng đều chọn thể loại nhạc kịch với âm nhạc, phục trang cổ màu sắc tưng bừng để dàn dựng.

Xuất hiện kịch cho cả gia đình

Trả lời câu hỏi vì sao lại chọn Tấm Cám để làm vở, đạo diễn kiêm tác giả kịch bản vở kịch Nguyễn Khắc Duy cho biết: “Kịch Buffalo muốn hướng đến một vở diễn dành cho cả gia đình, bao gồm trẻ nhỏ, có thể cùng nhau đi xem trong dịp tết”. Vì làm cho gia đình và làm cho ngày tết vốn là dịp sum họp, đoàn viên, Tấm Cám của Buffalo được làm lại cái kết có hậu so với cái kết tàn độc của câu chuyện cổ tích. Trong vở nhạc kịch này, cuối cùng mẹ con Cám không chết mà hai mẹ con phải trải qua nhiều sự trả giá để nhận ra tội ác của mình, ăn năn, sám hối, yêu thương nàng Tấm thật lòng để đền bù tội lỗi, tổn thương mình đã gây ra. Nàng Tấm sẵn lòng tha thứ cho hai mẹ con Cám để đón nhận được tình thương gia đình, tình mẹ con, tình chị em, cả nhà cùng nhau sum họp.

Vở nhạc kịch này được đầu tư đến 600 triệu đồng, trong đó phần phục trang được tạo hình công phu làm nổi bật tính lịch sử Việt với thời điểm câu chuyện diễn ra được chọn vào thời Lý chứ không mơ hồ như trong cổ tích. Để tạo sự khác biệt cho vở diễn của mình, ngoài cái kết không giống truyện, trong kịch không chỉ cô Tấm được ông Bụt giúp đỡ mà những người ác như mẹ con Cám cũng được một thế lực xấu hỗ trợ khiến câu chuyện giống một cuộc phiêu lưu. Vở được Nguyễn Khắc Duy viết riêng 15 ca khúc, do Công ty Bảy Nốt Nhạc phối khí, vì được làm theo phong cách nhạc kịch Broadway. Ngoài những diễn viên trẻ có khả năng nhảy múa, hát hò giỏi, vở còn tăng cường các nghệ sĩ tên tuổi như Tấn Beo, Công Ninh, Cát Tường, Hoàng Mập… Nhạc kịch Tấm Cám của Buffalo sẽ công diễn ở Nhà hát Bến Thành từ mùng 2 đến mùng 7 tết.

Nhạc kịch Tấm Cám được xây dựng hướng đến một vở diễn dành cho cả gia đình trong mùa tết này. Ảnh: HB

Không cần ngôi sao

Đây là cái tết đầu tiên sân khấu IDECAF chọn kịch thiếu nhi để diễn tết. Sân khấu này đã làm lại vở nhạc kịch thiếu nhi Tấm Cám vốn rất ăn khách trong chương trình “Ngày xửa ngày xưa” của mình cách đây hơn chục năm về trước để diễn tết năm nay. Vở giữ nguyên phiên bản cũ với điểm nhấn là hai nhân vật đình đám mẹ con Cám do hai nghệ sĩ Thành Lộc và Hữu Châu giả gái vào vai. Tuy nhiên, ở lần làm lại này, Tấm Cám của IDECAF được làm mới bằng cách đầu tư thêm phần âm nhạc để màu sắc nhạc kịch nổi trội hơn.

Không chỉ có Kịch IDECAF, tết 2016, sân khấu Sao Minh Béo cũng diễn lại hai vở kịch thiếu nhi đã làm trong năm là Cậu bé rừng xanhNữ thần Mặt Trăng. Minh Béo cho biết kịch thiếu nhi ở sân khấu của anh trong năm dễ bán vé nên anh quyết định diễn thêm vào dịp tết.

Ngoài ra, kịch tết năm nay còn có một món ăn lạ là kịch văn học của sân khấu Hồng Hạc với các kịch bản được chuyển thể từ những tác phẩm văn học trong và ngoài nước của những nhà văn như Nguyễn Ngọc Tư, Hải Miên, Katherine Arley…

Dù là vở cũ hay vở mới, ở thể loại hay đề tài nào, có một điểm nổi bật ở kịch tết 2016 này là diễn viên trẻ xuất hiện khá dày đặc và đảm đương các vai quan trọng trong khá nhiều vở. Đó là một tín hiệu vui cho thấy sân khấu không quá bị động khi mất đi nhiều ngôi sao cho các chương trình giải trí trên truyền hình.

Chuyện tình Lan và Điệp có màu sắc khác

Câu chuyện tình của Lan và Điệp trong tác phẩm văn học Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã trở nên nổi tiếng, in đậm dấu ấn trong lòng công chúng với vở cải lương bi thương Chuyện tình Lan và Điệp. Tết này Lan và Điệp lần đầu tiên được đưa lên sân khấu kịch với sự dàn dựng của nghệ sĩ Thành Hội và một kịch bản hoàn toàn mới toanh do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc và Hoàng Thái Thanh chấp bút (ảnh). Theo Hoàng Thái Thanh, nếu người xưa để cho Lan và Điệp của thế kỷ trước bị động hoàn toàn trước định mệnh thì dưới góc nhìn của năm 2016, đạo diễn Thành Hội cùng tác giả kịch bản đã để các nhân vật đối diện và chủ động với vận mệnh của mình. Điệp đã phần nào chủ động lựa chọn con đường đi, con đường sống và tình yêu của mình chứ không chỉ đơn thuần là bị gài bẫy. Đó cũng là thông điệp Hoàng Thái Thanh muốn gửi gắm trong vở diễn, các bạn trẻ hôm nay, Lan và Điệp của thế kỷ 21 không còn phải bị động mà luôn chủ động với những quyết định của cuộc đời mình.

Kịch tết: Mâm cỗ đổi món ảnh 2

Thể loại kịch hài, kịch ma ăn khách từ nhiều năm trước tiếp tục được các sân khấu khai thác ở tết 2016 với những vở diễn cả cũ và mới. Kịch hài có: Mình có quen nhau hông ở Kịch Hoàng Thái Thanh; Trót yêu, Yêu là phải xài chiêu của Kịch Sài Gòn Phẳng - Thế Giới Trẻ; Một cha ba mẹ, Gia đình bá đạo ở Kịch Phú Nhuận; Cướp dâu, Thú yêu thương ở Kịch IDECAF… Kịch ma gồm: Tiệm tóc âm dương, Ác nghiệt ở Kịch Phú Nhuận; Mộ hoang ở Kịch Sài Gòn Phẳng - Thế Giới Trẻ; Tiếng hát réo linh hồn ở Kịch TKC; Hồn ma phá án ở Sao Minh Béo… Đề tài đồng tính tết này cũng được nhiều sân khấu khai thác như hai vở Một nửa đàn bà, một nửa đàn ông ở Kịch TKC; Xóm trọ 3D phần 2 ở Kịch Phú Nhuận…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm