Kịch bụi tre, cây chuối sang Mỹ làm mưa làm gió

Đầu tháng 8 mới đây, sân khấu IDECAF đã có bốn suất diễn vở kịch Dạ cổ hoài lang trên đất Mỹ được khán giả ủng hộ nồng nhiệt. Tháng 11 tới, IDECAF tiếp tục đem vở Tía ơi má dìa sang Mỹ. Đây không phải lần đầu tiên kịch nói sang Mỹ…

Kịch Việt được mùa

Năm 2010, sân khấu Kịch Phú Nhuận của nghệ sĩ Hồng Vân đưa vở diễn Kỹ nghệ lấy Tây sang Mỹ. Tiếp đó, các nghệ sĩ kịch kiêm hài ở trong nước như Minh Nhí, Trung Dân, Anh Vũ… phối hợp cùng nhau làm những vở kịch tương đối dài như Gia đình thằng Đậu đi diễn khắp nơi ở hải ngoại. Ông bầu Phước Sang cũng lên kế hoạch đưa hai vở diễn Cha yêu, Mẹ yêu của mình sang Mỹ nhưng kế hoạch không thành vì lý do cá nhân. Sang đến năm 2015, Kịch IDECAF thắng lớn trên đất Mỹ với vở Hợp đồng mãnh thú. Sang năm 2016, IDECAF lại được ủng hộ với Dạ cổ hoài lang trên đất Mỹ, sắp tới là Tía ơi má dìa… Riêng với lực lượng nghệ sĩ hải ngoại tại chỗ, kịch nói Việt cũng đang trên đà phát triển tại Mỹ với sự hoạt động ngày càng sôi nổi của Ban kịch Sống của bà bầu - nghệ sĩ Túy Hồng và Ban kịch Dân Nam của bà bầu Thúy Uyển. Hai bà bầu này liên tục cho ra nhiều vở kịch dài như Trà Hoa Nữ, Giông tố, Sông dài, Đoạn tuyệt, Con nhà nghèo, Lôi vũ, Ảo ảnh cuộc đời…

Cứ có bờ tre, bụi chuối là ăn khách

Có một đặc điểm là gần như tất cả vở kịch nói diễn tại Mỹ những năm vừa qua đều có đề tài về quê hương hay có gốc từ những vở cải lương nổi tiếng. Đạo diễn Hùng Lâm, một gương mặt quen thuộc với rất nhiều vở kịch nổi tiếng ở sân khấu IDECAF, sau nhiều năm qua Mỹ định cư, dựng nhiều vở kịch nói cho các ông bà bầu tại Mỹ, nói: “Tâm cảm lớn nhất của khán giả Việt ở Mỹ là tình hoài hương nên những đề tài truyền thống như nỗi nhớ ly hương, chuyện hôn nhân cha mẹ ép uổng... với những hình ảnh áo dài, áo bà ba, bờ tre, bụi chuối dễ được quan tâm”.

Vở Dạ cổ hoài langmới đây lấy nhiều nước mắt của kiều bào trên sân khấu Mỹ.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Kịch IDECAF vừa từ Mỹ về cũng cho biết: “Hiện cho thấy dòng kịch quê hương đang dễ được khán giả ở Mỹ, yêu thích. Ngay cả bầu show khi đến sân khấu của tôi chọn vở để hợp tác mang sang đây diễn cũng ưu tiên chọn dòng kịch này”. Còn Ngọc Liên, một khán giả trung niên tại Mỹ sau khi xem kịch cho biết: “Tôi vốn rất thích cải lương nhưng tiếc là cải lương bây giờ không được như xưa về tuồng tích, nghệ sĩ mới hay cũ ca diễn cũng không còn được như xưa nên tôi cũng bớt coi cải lương dần đi. Báo chí bây giờ thì hay viết về kịch nên tôi xem qua mạng cũng biết nhiều, do vậy tôi cũng chuyển sang xem kịch. Tôi thích những vở kịch có nội dung hay kiểu diễn gần gũi với cải lương khi xưa với những tình cảm nhân hậu, những mối tình trắc trở nhưng thiện ác phân minh như Sông dài, Trà hoa nữ, Lôi Vũ…”.

Quán ăn vẫn khát diễn

Sân khấu kịch nói trong nước bị giới chuyên môn cho là thụt lùi cả trăm năm so với mặt bằng sân khấu hiện đại thế giới. Vậy nhưng có được một sân khấu biểu diễn kịch nói như trong nước chính là điều mơ ước của các nghệ sĩ Việt kiều tại hải ngoại. Kịch nói vốn không phát triển lắm ở Sài Gòn trước năm 1975 nên lực lượng nghệ sĩ hải ngoại diễn kịch rất ít. Vậy nên ngoài lực lượng tại chỗ như Kiều Oanh, Quang Minh, Hồng Đào, mỗi khi dựng một vở kịch, các ông bà bầu thường phải mời một lượng nghệ sĩ khá lớn từ trong nước sang để phối hợp. Tuy nhiên, rất hiếm hoi những nghệ sĩ kịch gạo cội của các sân khấu kịch tại TP.HCM bay show vì họ đều là trụ cột của sân khấu mình.

Riêng lực lượng đạo diễn kịch tại Mỹ gần như không có. Đảm nhận chính dựng những vở kịch tại Mỹ là những đạo diễn tại Việt Nam mới sang đây định cư vào thập niên 2000 như Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hùng Lâm, Nguyễn Hòa Hiệp. Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc chia sẻ dựng kịch tại Mỹ rất khó khăn vì các diễn viên mỗi người một nghề, mỗi người một việc, việc tập hợp lại tập tành là rất khó nên chẳng thể nào có được một vở diễn, êkíp diễn tốt đẹp, chỉn chu như ở Việt Nam. Cảnh trí, trang phục một vở diễn bên Mỹ cũng thuê mướn hay tận dụng rất tạm bợ. Có bà bầu tiết lộ có khi vở diễn có một bộ bàn ghế thì họ đi mua một bộ thiệt về xài nhưng diễn xong đem trả vì bên Mỹ cho trả lại hàng sau khi mua một tuần. Nhiều diễn viên trẻ cũng nói điểm diễn của những vở kịch có khi chỉ là những quán ăn chứ không phải lúc nào cũng diễn trên một sân khấu thật sự.

Vậy nên ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết khán giả Mỹ đã rất vui mừng, nồng nhiệt với những vở kịch mà sân khấu IDECAF đem sang Mỹ. Bởi họ được xem những vở kịch chất lượng nghệ thuật đã được khẳng định, được diễn bởi một êkíp nghệ sĩ tập luyện, dàn dựng chỉn chu, chuyên nghiệp, nhuần nhuyễn. Tất cả suất diễn của Kịch IDECAF tại Mỹ đều hết vé, đều được khen ngợi với lời nhắn nhủ khán giả muốn được xem nhiều vở kịch hay như vậy nữa. Riêng với sân khấu kịch hải ngoại, tuy còn nhiều khó khăn phía trước nhưng bà bầu Thúy Uyển vẫn tin tưởng rằng: “Kịch dài đang bắt đầu được yêu thích, có đất sống và sẽ còn phát triển nhiều hơn ở Mỹ”.

Sẽ mang Bí mật Vườn Lệ chi sang Mỹ

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Tuy dòng kịch quê hương chiếm ưu thế chủ đạo tại Mỹ nhưng chúng tôi tin khán giả Việt kiều vẫn mong muốn coi những vở kịch đề tài hiện đại mang tính chính luận lẫn nghệ thuật cao. Vở Hợp đồng mãnh thú của chúng tôi được đón nhận rất tốt tại Mỹ năm 2015 là một minh chứng. Sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng đem những vở kịch hoành tráng có chất lượng cao của mình sang Mỹ. Nếu không có gì trở ngại thì năm sau vở kịch lịch sử Bí mật Vườn Lệ chi sẽ đến Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm