Không sợ nát thân, chỉ sợ nát phim

Triển lãm ảnh Phóng viên chiến trường đang diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. 40 bức ảnh chọn lọc được bốn cựu PV chiến trường chụp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.Ở đây, người xem bắt gặp những khoảnh khắc khốc liệt của chiến tranh, những nét hùng tráng và dung dị của người lính.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính là một trong bốn cựu PV chiến trường có ảnh trưng bày trong đợt triển lãm này.

Ôm tử sĩ còn ấm nóng mà khóc ròng

. Phóng viên: Ông từng nói đã nhiều lần gạt nước mắt khi bấm máy. Lần đầu tiên hình ảnh tác động mạnh nhất với ông là khi nào, thưa ông?

+ Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính: Tôi đã từng bị bom dội vùi trong trận địa. Khi được đồng đội bới ra, tôi thấy xung quanh là máu của đồng đội mình, thấy những người hy sinh, những người bị thương la liệt, rên xiết. Ấn tượng nhất có lẽ là một lần trên đường đưa tài liệu về, tôi tìm cách vẫy một chiếc xe của ta xin đi nhờ nhưng xe chạy nhanh quá không dừng lại được. Tôi liền chạy theo bíu lấy thành xe rồi nhảy vào, không ngờ đó lại là chiếc xe chở tử sĩ. Tôi sững sờ nhìn những khuôn mặt còn rất trẻ. Có đoạn xe xóc lên, một tấm thân chiến sĩ bị hất lên đổ ập vào người tôi. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi không sợ mà đã ôm lấy người chiến sĩ ấy. Tôi nghĩ chắc cậu ấy vừa hy sinh bởi người vẫn còn mềm và nóng lắm. Trong nhập nhoạng lửa cháy và bóng đêm ở phía trước, tôi cứ ôm cậu ấy mà khóc.

Bức ảnh Nụ cười chiến sĩ dưới chân thành cổ của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính trở thành biểu tượng về sự lạc quan của các chiến sĩ.

. Được biết ông là PV duy nhất chụp ảnh ở thành cổ Quảng Trị thời ấy. Tại sao ông lại tình nguyện đến với một nơi nguy hiểm như thế?

+ Câu hỏi của bạn cũng từng là câu hỏi của một chiến sĩ trẻ ở thành cổ, người đã chỉ đường cho tôi khi tác nghiệp, cũng là người tiễn tôi bơi ngược dòng sông trở về. Anh lính đó 30 năm sau chiến tranh gọi điện thoại cho tôi, nói: “Khi tiễn anh về trên sông Thạch Hãn, em nghĩ chắc anh không về được đâu vì bom đạn địch đánh chặn nhiều lắm. Rồi em tự hỏi, người lính một khi vào đây chiến đấu thì phải có trách nhiệm của người cầm súng, phải giành giật giữa sự sống và cái chết đã đành nhưng còn anh, tại sao anh lại liều mạng sống như thế chỉ để chụp những tấm ảnh? Chỉ đến khi em đứng ở bảo tàng thành cổ, thấy ảnh của anh treo đầy ở đây em mới hiểu được, rằng: À, thì ra anh đổi mạng cướp ảnh để thế hệ sau biết đến những hình ảnh này.

Day dứt suốt đời tiếng kêu cứu của đồng đội

. Có lần nào ông phải tiếc nuối vì không chụp được một hình ảnh nào đó ấn tượng chưa?

+ Nhiều lắm nhưng tiếc nhất là khi tôi vượt sông Thạch Hãn. Cảnh vượt sông của bộ đội ta hào hùng lắm. Giá như tôi được ngồi trên một cái thuyền hoặc một cái phao tốt thì chắc chắn tôi đã thu lại được những hình ảnh ấy.

. Hình ảnh ám ảnh nhất khi ông vượt sông Thạch Hãn là gì?

+ Đêm vượt sông Thạch Hãn năm ấy có rất đông tân binh của Đại đội 312. Mùa mưa, nước xiết, nhiều chiến sĩ của ta kiệt sức bị nước cuốn trôi. Bên cạnh tôi lúc đó có một người lính trẻ, khi máy bay sà xuống, theo phản xạ anh ta buông tay ra khỏi phao để né đạn nhưng vì không biết bơi nên anh ta cứ chìm dần, vừa vẫy vùng anh ta vừa nhìn về phía tôi hét lên: “Đồng đội ơi, cứu tôi với!”. Tôi muốn cứu người lính ấy lắm nhưng chỉ cần tôi buông túi phao của mình ra, bao nhiêu tài liệu máy móc sẽ trôi đi. Giữa tình cảm, nghề nghiệp và lý trí tôi đã để lý trí, nghề nghiệp vượt lên và nhờ thế mới có những hình ảnh Quảng Trị ngày nay. Tuy nhiên, đến tận bây giờ tôi vẫn day dứt.

Chấp nhận dàn dựng nhưng phải tôn trọng sự thật

. Bức ảnh Nụ cười chiến sĩ dưới chân thành cổ của ông đoạt giải thưởng nhà nước, đã ra đời thế nào, thưa ông?

+ Ở thành cổ, bên cạnh cảnh chết chóc, bom đạn còn là sự lạc quan. Tôi đã thấy những người lính vừa phải đối mặt, giành giật giữa sự sống và cái chết xong nhưng một lúc sau họ lại có thể nói cười với nhau. Nhìn nụ cười ấy, tôi bày tỏ với anh em mong muốn miêu tả lại nụ cười lạc quan, sức mạnh tinh thần này của người lính. Nhưng ở trong hầm thì tối quá mà không có bối cảnh thành cổ. Tôi nhờ anh em lên phía trên cười lại nụ cười này. Tôi vừa bấm máy xong, một quả bom dội ngay phía sau chúng tôi.

. Như thế bức ảnh này có sự sắp xếp. Ông nghĩ sao khi có quan điểm cho rằng ảnh báo chí không nên sắp xếp, dàn dựng?

+ Trên thế giới, người ta đã chấp nhận việc dàn dựng nhưng phải tôn trọng sự thật lịch sử, dàn dựng lại như sự thật đã diễn ra. Ví dụ bức ảnh xe tăng ta húc đổ Dinh Độc Lập cũng là dàn dựng đấy chứ. Nhưng khi dàn dựng phải là người lính đó, phải là chiếc xe tăng đó, bối cảnh đó. Hay bức ảnh Hồng quân Liên Xô cắm cờ trên tòa nhà Quốc hội Đức cũng là bức ảnh được dàn dựng và vẫn được chấp nhận.

Quý ảnh chụp hơn cả tính mạng

. Trong chiến tranh, mạng sống của mỗi người lính đều rất mong manh, vậy ông có sự chuẩn bị nào cho trường hợp xấu nhất của mình chưa?

+ Khi chụp ảnh thành cổ xong, tôi đã nghĩ đến tình huống mình sẽ hy sinh trên đường chuyển tài liệu về vì dọc đường bom đạn địch đánh chặn rất nhiều. Nhưng lúc đó tôi cảm thấy không quý thân tôi lắm mà chỉ lo cho những cuốn phim. Vì thế tôi ghi vào 10 tờ giấy cùng một dòng chữ: “Đây là ảnh chụp tại trận địa, nếu ai nhặt được khi tôi đã hy sinh xin chuyển về tòa soạn báo Quân Đội số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội”. Tôi bỏ 10 tờ giấy đó vào 10 cuốn phim, bỏ ở mỗi túi một cuộn để nếu đạn bắn vào mình tan xác thì may ra cũng còn được một cuốn.

. Điều ông tự hào nhất khi còn là PV chiến trường là gì?

+ Điều này gắn với hai cái nhất của tôi: Tôi là PV duy nhất có mặt ở Quảng Trị để chụp được những bức ảnh lịch sử ấy. Và tôi cũng là PV tác nghiệp nhanh nhất trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị đợt 1. Trong chiến dịch ấy, tôi đạt được tốc độ kỷ lục: Từ lúc rời khỏi Đường 9, tôi chạy bộ ra sông Bến Hải rồi vẫy xe các loại về Hà Nội chỉ hết hai ngày rưỡi.

. Xin cám ơn ông.

Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu giành HCV nhà báo quốc tế

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính nhập ngũ tháng 9-1962. Ông công tác tại báo Quân đội Nhân Dân từ năm 1969 với vai trò PV chiến trường. Tác phẩm Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu của ông đoạt giải thưởng lớn, HCV tổ chức quốc tế nhà báo OIJ; tác phẩm Trên đồi không tên đoạt giải nhất Hội Nhà báo Việt Nam năm 1973; chùm ảnh Khoảnh khắc giành giải thưởng Ảnh châu Á Sagamihara… Năm 2007, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính được trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm