Không khó để tìm thêm nhiều Đức Vĩnh

Sở dĩ Đức Vĩnh - quán quân chương trình Vietnam’s got talent 2015 dù mới tám tuổi nhưng vô cùng nhập vai Thị Mầu lên chùa, Xúy Vân giả dại, Ông già cõng vợ đi xem hội được bởi em sinh ra và lớn lên tại vùng đất quan họ Bắc Ninh.

Không sống cùng làm sao hiểu!

Những loại hình âm nhạc dân tộc có thể diễn xướng của Việt Nam như dân ca quan họ, ca trù, hát xoan, dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh, đờn ca tài tử Nam Bộ… đều đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. nhưng sau khi được công nhận thì việc bảo tồn những giá trị di sản đó lại là một câu chuyện khó khăn. Trong đó khó nhất là thiếu một thế hệ trẻ kế cận.

Nhiều người trách rằng người trẻ mê nhạc Mỹ, mê K-pop mà quay lưng với âm nhạc dân tộc, điều đó chỉ đúng một phần ở giới trẻ thành thị. Bởi đơn giản đời sống của họ gắn với các trang mạng; từ mạng họ không thấy có ranh giới ngăn cách với thế giới; khi không ngăn cách thì sự thông hiểu hay việc nhạc trẻ của nước ngoài nói được tâm tư, tình cảm của họ thì họ mê, điều đó chẳng có gì làm lạ. Giới trẻ thị thành không sống, không lớn lên với không gian của các loại hình âm nhạc dân tộc thì sao bắt họ phải mê?

Ngược lại, ở những địa phương là cái nôi của dân ca quan họ, ca trù, hát xoan, dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh, đờn ca tài tử Nam Bộ… mỗi ngày họ được nghe câu ca, điệu hát quen thuộc từ mẹ, từ bà thì tự nhiên âm nhạc dân tộc trở thành một điều không thể thiếu trong đời sống của họ.

Như lời kể của nghệ nhân dân gian Hồng Oanh thì ngày nhỏ mấy ai biết di sản là gì mà chỉ là những câu ca cha mẹ hát khi vụ lúa đã xong. “Dưới ánh trăng đám trẻ cùng nhau chơi những trò chơi dân gian và ca điệu ví phường cấy, ví đồng ruộng. Hay cảnh gia đình, làng xóm quây quần bên khay trà, dĩa mứt; mở lịch vạn niên, sấm ký, truyện Kiều ra bắt đầu hát ngâm Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều… và ứng tác những câu thơ” - nghệ nhân dân gian Hồng Oanh kể về thuở ấu thơ của mình. Tức phải có ký ức, phải sống với nó mới mong có những người sau này mê các loại hình âm nhạc dân tộc. Quán quân Vietnam’s got talent 2015 Đức Vĩnh mới đây là ví dụ dễ thấy nhất. Từ nhỏ em được nghe chèo, dân ca, quan họ… của quê hương Bắc Ninh và những làn điệu đó thấm vào máu em.

Quán quân Vietnam’s got talent 2015  Đức Vĩnh xuất sắc trong những vai Xúy Vân, Thị Mầu, ông già cõng vợ đi xem hội… đang làm dấy lên tình yêu âm nhạc dân tộc trong giới trẻ. Ảnh: VTV cung cấp

Phát pháo mở màn

Hiện có rất nhiều chương trình tìm kiếm tài năng ca nhạc dành cho các lứa tuổi thiếu nhi và thiếu niên nhưng tìm mỏi mắt vẫn không có chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc truyền thống.

Theo lời nhạc sư Vĩnh Bảo thì “Ai ai cũng nhìn nhận nhu cầu tất yếu là bảo tồn kho tàng âm nhạc mà cha ông lưu lại. Nhưng khi nói đến bảo tồn bằng cách nào thì chỉ nói qua loa, do đó giới trẻ không thấy được cái tầm quan trọng của kho tàng này. Lại thêm một số bậc cha mẹ cho rằng nhạc Tây phương hay hơn, chẳng những không khuyến khích con em học nhạc dân tộc mà lại còn cấm đoán. Thật ra chúng ta không thể cho nhạc này hay hơn nhạc kia. Vì nhạc là sản phẩm của xã hội, tiếng nói của một dân tộc. Dân tộc nào đã phát minh ra nó dĩ nhiên cảm thấy thấm thía khi nghe nó”.

Hay như nghệ nhân dân gian Tăng Phát Vinh (học trò của nhạc sĩ Cao Văn Lầu) thì rất cần những chương trình tìm kiếm thế hệ kế cận mới của đờn ca tài tử và “không nên tìm đâu xa mà tìm ngay ở các tỉnh Nam Bộ này, nơi mà các em được thấm nhuần từ nhỏ” - nghệ nhân dân gian Tăng Phát Vinh nói. Có lẽ cũng từ lý do đó mà nghệ nhân dân gian Tăng Phát Vinh cùng GS-TS Trần Văn Khê chấp nhận tham gia vai trò cố vấn cho chương trình tìm kiếm tài năng về âm nhạc dân tộc với tên gọi Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống.

Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống có thể xem là phát pháo mở màn cho những chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng dành cho thiếu nhi chuyên về âm nhạc dân tộc trên sóng truyền hình.

Ngoài ý nghĩa giải trí thì đây còn là chương trình mang tính chất phát hiện ra các tài năng mới của đờn ca tài tử. Và sau chương trình các em sẽ không bị bỏ bê mà sẽ tiếp tục nhận được học bổng đúng chuyên ngành yêu thích tại các khoa âm nhạc dân tộc ở địa phương hoặc tại các học viện âm nhạc của Việt Nam.

Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống

Chương trình Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống năm 2015 chuyên về nhạc đờn ca tài tử lần đầu tiên tổ chức sẽ dành cho đối tượng là thiếu nhi 9-15 tuổi thuộc 21 tỉnh, thành Nam Bộ.

Thí sinh tham gia chương trình sẽ dự thi trên các nội dung chính, là những bài bản phổ biến của đờn ca tài tử: các bài dân ca, các điệu lý, các bản Bắc, Vắn, Nam, Oán, Vọng cổ và các câu hỏi về kiến thức liên quan tới đờn ca tài tử… Các em sẽ được những người thầy, những chuyên gia về đờn ca tài tử hướng dẫn, huấn luyện. Kết hợp giữa các buổi thi và biểu diễn là những chuyến dã ngoại tại Bạc Liêu, một trong những cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ.

Vòng sơ tuyển sẽ được thực hiện tại tám tỉnh, thành Nam Bộ, có chia các khu vực để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh ở nhiều tỉnh, thành khác. Từ vòng sơ tuyển sẽ chọn ra 28 thí sinh cho các vòng thi chính thức tiếp theo.

Ban giám khảo sẽ được chia thành hai hội đồng bình luận: Hội đồng miền Tây Nam Bộ và Hội đồng miền Đông Nam Bộ. Qua đó khán giả cũng sẽ nhận thấy được những khác biệt và cả sự dung hòa của âm nhạc tài tử ở hai khu vực này.

Chương trình sẽ lên sóng từ tháng 5-2015 vào 20 giờ Chủ nhật hằng tuần trên sóng Đài Truyền hình Bạc Liêu. Chương trình do Đài Truyền hình Bạc Liêu phối hợp cùng Công ty Truyền thông và Giáo dục Mặt Trời Hồng tổ chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm