Không đọc sách, đừng mong thành công!

Sáng 27-8, tại Thành đoàn TP.HCM đã diễn ra tọa đàm Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào? Tọa đàm do Hội Xuất bản Việt Nam, Sở GD&ĐT và Thành đoàn TP.HCM tổ chức.

Không đọc, không tự học, đừng hòng thi đậu

Tại buổi tọa đàm, nhiều học sinh (HS) và giáo viên (GV) đã nhắc đến việc nhiều HS ngày nay được phụ huynh chăm sóc quá mức từ cho đi học thêm hay mời gia sư kèm cặp thêm. Do đó nhiều em mất khả năng tự lập, chăm sóc bản thân, mất luôn khả năng tự học, tự đọc sách.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, GV Trường tiểu học Triệu Thị Trinh (quận 10), kể vài năm trước cô chủ nhiệm lớp có hai HS sinh đôi có mẹ quá quan tâm đến con vì có con khó. Lớp 5 rồi mà mẹ vẫn soạn cặp cho, chải tóc giùm, đem đồ ăn đến chờ ở cổng trường giờ chơi vì sợ con thiếu chất. Vậy nên các họat động học tập, sinh hoạt, vui chơi đều phải có phụ huynh hai em mới làm được.

Em Lê Nguyễn Vân Anh, lớp 5 Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh TP.HCM, đọc  tham luận về thói quen đọc sách của mình tại tọa đàm. Ảnh: HÒA BÌNH

PGS Hoàng Thị Tuyết, giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM, nói: “Thời của chúng tôi tất cả đều phải tự học, tự đọc sách, nếu không như vậy sẽ không thể nào thi đậu vì đọc sách là nền tảng của học vấn. Không đọc sách chúng tôi không thể thành công”.

Trở lại câu chuyện về hai bé song sinh lớp 5, cô Hạnh chia sẻ sau khi được cô thuyết phục thành công việc đọc sách, đặc biệt sau khi đọc quyển Tâm hồn cao thượng, hai em đã thay đổi hẳn, biết phụ giúp việc nhà, tham gia sinh hoạt cùng các bạn, tự lập hơn. Hai nhân vật này chính là Nguyễn Hữu Anh Thư và Nguyễn Hữu Anh Thi, đang học lớp 8 Trường Nguyễn Văn Tố và đã đoạt giải nhì cuộc thi Lớn lên cùng sách. Cô Hạnh khẳng định: “Thói quen đọc sách đã góp phần hình thành nhân cách và thay đổi nhân cách cho hai em HS”.

Cô Đỗ Hoàng Mai, giáo viên Trường Trần Văn Ơn (quận 11), cũng cho biết các HS giỏi lớp cô nhờ đọc nhiều sách mà viết văn sáng tạo, diễn đạt lưu loát, làm toán tốt vì biết nỗ lực, kiên nhẫn. Cô Mai khẳng định HS sẽ giỏi hơn khi đọc nhiều sách.

Đông đảo thầy cô giáo đã tham dự tọa đàm. Ảnh: HÒA BÌNH

Phát biểu ý kiến về việc đọc sách sẽ ảnh hưởng đến nhân cách như thế nào, cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên Trường Võ Trường Toản (quận 12), nói: “Những ai yêu quý sách thì sẽ sống và suy nghĩ rất nhân văn”. Cùng suy nghĩ, cô Nguyễn Thị Mỹ, giáo viên Trường THPT Đinh Thiện Lý (quận 7), nhận định: “Trẻ em, HS thích đọc sách sẽ biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, biết yêu quý cái thiện, cái đẹp, biết quan tâm đến cuộc sống và những người xung quanh”.

Tạo thói quen đọc sách cho trẻ bằng nhiều cách

Làm thế nào tạo thói quen đọc sách cho trẻ em, làm sao thuyết phục HS thích đọc sách là câu hỏi đau đầu của nhiều bậc phụ huynh và những nhà làm giáo dục hiện nay. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như cha mẹ tập cho trẻ đọc sách tại nhà ngay từ nhỏ bằng cách đọc truyện cùng con, hoặc cha mẹ nên dẫn trẻ đến nhà sách thường xuyên cho trẻ tự chọn sách mình thích, phù hợp lứa tuổi…

Tại tọa đàm, giải pháp được nhắc tới nhiều nhất là tọa đàm này, với sự tham dự chủ yếu của phía nhà trường với các thầy cô giáo và các em học sinh, giải pháp được đề ra nhiều nhất là ngành giáo dục cần phải có những tiết đọc sách dành cho học sinh các cấp, đưa vào chương trình giảng dạy chính quy ở tất cả các trường học trên toàn quốc.

“Chính những tiết đọc sách tại trường học sẽ tạo ra thói quen đọc sách cho các em học sinh, và tạo cả thói quen đọc sách cho toàn xã hội. Bởi việc đọc sách đã giúp nhiều quốc gia phát triển kinh tế giàu mạnh, xây dựng nhân cách con người tuyệt vời như Israel, Nhật Bản. Tại sao Việt Nam lại không thể như thế” – bà Nguyễn Phương Thảo – nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM phát biểu tại tọa đàm.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng và bà  Phan Thị Thanh  Phương - Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM ký kết chương trình hành động chung tạo thói quen đọc sách cho trẻ. Ảnh: HÒA BÌNH 

Tại đây, một số câu chuyện thực tế thú vị về việc tạo thói quen đọc sách cho HS đã được các GV chia sẻ. Cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết nhờ món bánh tráng trộn cô làm đem vào lớp cho HS ăn mà thuyết phục được hai em Nguyễn Nguyễn Hữu Anh Thư và Nguyễn Hữu Anh Thi nói trên ham đọc sách và thay đổi bản thân. Hai cô bé trên thích món bánh tráng trộn cô làm nên cô đưa cho hai bé quyển sách dạy làm món này và một số thức ăn vặt để đem về cho mẹ làm. Mẹ hai em đã gặp cô để cảm ơn và nói hai bé thích món mình làm theo sách của cô. Cô đã trao đổi với phụ huynh về tính cách hai em để uốn nắn kịp thời, đồng thời cho hai bé mượn thêm một vài cuốn sách phù hợp của mình. Từ từ mà hai bé thích đọc sách.

Cô Nguyễn Thu Hà thì kể nhà cô có mở một quán cà phê và cô để ở đó nhiều sách cho khách thích thì đọc. Cô dụ học trò đọc sách bằng cách treo thưởng em nào đọc và tóm tắt một quyển sách thì sẽ nhận được một ly nước uống miễn phí ở quán của mình. Ban đầu các em đọc sách chỉ vì được thưởng nước giải khát miễn phí. Dần dần các em đến quán cà phê sách này vì thích đọc sách và để được chia sẻ với nhau về nội dung, ý nghĩa quyển sách. Sau đó cô tổ chức thêm những buổi trà sữa sách, bánh tráng trộn sách ở sân trường để các em vừa đến với sách vừa vui. Dần dần, sách đã trở thành món ăn không thiếu của nhiều em học trò của cô Hà.

Sau khi tọa đàm “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?” kết thúc, đại diện Hội Xuất bản Việt Nam, Sở GD&ĐT TP.HCM và Thành đoàn TP.HCM đã ký kết một chương trình hành động chung nhằm thực hiện nhiều hoạt động thúc đẩy việc tạo thói quen đọc sách ở học  sinh, sinh viên. 

Học sinh nói: Ngày nay việc đọc sách chẳng dễ dàng gì

“Ngày nay, rất nhiều bạn bè em dường như không có khái niệm đọc sách, mà chơi ipad, iphone, game, facebook… Những quyển sách hiện nay giá cũng không hề rẻ, muốn mua sách thì phải có tiền… Hiện tại chúng em muốn đọc sách cũng không dễ dàng vì phải đi học từ 6 giờ-17 giờ, về học thêm đến 21 giờ mới được về nhà, rồi làm bài tập đến 23 giờ đến cạn kiệt năng lượng. Những địa điểm đọc sách thì cũng không có nhiều… Đừng hối thúc hay ép buộc, hãy để việc đọc sách diễn ra một cách tự nhiên, chủ động đối với mọi người (như tôi vì chán)” – trích ý kiến của em Lê Ngọc Phương Trinh – học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Hiền TP.HCM

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm