Không có người kế thừa chế tác đàn Chapi

Đơn cử việc hát, kể sử thi Raglai và chế tác chiếc đàn Chapi của người Raglai hiện không có thế hệ kế thừa.

Tại buổi tọa đàm, ông Chamaléa Thơm, người từng tham gia lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, cho rằng đời sống văn hóa của bà con duy trì với các lễ hội, các nhạc cụ như cồng chiêng, mã la, đàn Chapi, hát đối đáp, hát sử thi, cúng đầu múa mới, ăn đầu lúa… rất gắn bó trong đời sống dân tộc Raglai. Tuy nhiên, hiện con em Raglai rất thích nghe nhạc trữ tình hơn là nghe sử thi. Về trang phục thì thích mặc theo mốt, ít ăn mặc theo trang phục truyền thống dân tộc mình. Ông Thơm đề xuất thực hiện việc gìn giữ văn hóa dân tộc nên bắt nguồn từ gốc, không qua sân khấu hóa và cần đẩy mạnh trình diễn văn hóa gắn với đời sống bà con.

Đồng tình sự trăn trở trên, ông Hình Phước Liên, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư nhân lực, vật lực cho việc giữ gìn văn hóa dân tộc Raglai. Tín hiệu đáng mừng là lễ bỏ mã của người Raglai ở xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) được Bộ VH-TT&DL đề xuất UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Không có người kế thừa chế tác đàn Chapi ảnh 1

Ông Chamaléa Âu (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn) chế tác cây đàn Chapi, cần thế hệ kế thừa để bảo tồn nhạc cụ độc đáo. Ảnh: M.TRÂN

Song song phát triển lễ hội, bà Mấu Thị Bích Phanh, đại diện cho người Raglai huyện Bác Ái, cho rằng việc gìn giữ văn hóa truyền thống người Raglai phải giữ gìn từ ngôn ngữ, phát triển chữ viết người Raglai. Bà Phanh kiến nghị nên soạn giáo án dạy chữ Raglai theo tiếng Raglai của Viện Ngôn ngữ vì phương pháp trình bày, từ vựng phù hợp với cách nói dân gian của người Raglai.

Tại buổi tọa đàm, ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Ninh Thuận, cũng cho biết hiện Ninh Thuận đã xuất bản được sử thi Raglai, mở nhiều lớp truyền dạy đánh mã la cho con em ở một số địa phương. Theo ông Anh, việc bảo tồn văn hóa dân tộc Raglai cần được duy trì nhằm tránh bị mai một dần.

MINH TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm