Không có Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương 2007?

Cuối tháng 9 đầu tháng 10 hàng năm là thời điểm các nước chốt lại danh sách phim dự thi LHP châu Á- TBD. Tuy nhiên, năm nay gần như biệt tăm thông tin về LHP này, trang web chuyên đề thường mở trước giờ khai mạc 1-2 tháng mà giờ vẫn chưa xuất hiện.

Thông tin này cũng chẳng đến nỗi bất ngờ lắm. Còn nhớ LHP châu Á - TBD 2006 tổ chức ở Đài Loan, một số đạo diễn, phóng viên của ta đi dự về đã phải thốt lời ca thán về sự không hoành tráng và long trọng, uy tín lẫy lừng như ta vẫn tưởng hoặc như ta từng tổ chức ở Hà Nội năm 2000.

Mỗi năm một thành phố thuộc khu vực này đăng cai LHP châu Á- TBD, nhưng công tác tổ chức vài năm qua cho thấy cũng tùy từng nước đánh giá hoặc nhìn nhận về sân chơi điện ảnh này ở mức nào mà đầu tư và hô hào nguồn tài trợ theo mức ấy.

Phim 'Sinh mệnh'
Phim 'Sinh mệnh'

Ngẫm thêm một chút, tới đây có lẽ các LHP mang quy mô “Liên Hợp Quốc” hoặc tầm châu lục sẽ nhạt phai dần trên bản đồ LHP quốc tế. Không phải là xu hướng mà thực tế, các LHP danh giá hiện nay chính là những LHP mang tên địa danh tổ chức hoặc chỉ là của một quốc gia nhưng lại có tầm ảnh hưởng quốc tế rất lớn như Oscar, Cannes, LHP Berlin, LHP Venice...

Ngay trong khu vực châu Á-TBD, từng quốc gia cũng đang xây dựng cho mình những LHP mang tầm quốc tế như LHP quốc tế Thượng Hải, LHP Pusan, LHP Fukuoka, LHP quốc tế Singapore, LHP quốc tế Bangkok (Thái Lan), LHP quốc tế Mumbai (Ấn Độ)… Tiền của đổ vào những LHP thương hiệu quốc gia có lẽ cũng thiết thực hơn.

LHP Việt Nam tới đây cũng sẽ phải được đầu tư nhiều hơn nếu muốn mở rộng quy mô hoặc thêm chữ international- quốc tế vào tên gọi. Tháng 11 tới, giải Bông sen vàng lần thứ 15 diễn ra tại Nam Định sẽ chứng kiến nhiều cuộc “cạnh tranh” trở lại từ những giải Cánh diều vàng thường niên.

Ví dụ Áo lụa Hà Đông rất có thể lại đua phiếu bầu với Hà Nội, Hà Nội, rồi Chuyện của Pao và Sống trong sợ hãi tiếp tục đo đếm ai nhiều giải hơn… Nếu cứ thế này, hẳn cánh phóng viên theo dõi Cánh diều vàng với Bông sen vàng sẽ thấy nhàm lắm!

Nhưng rất may, đã xuất hiện những yếu tố mới, ví dụ Mùa len trâu từng tham gia giải Cánh diều và LHP châu Á-TBD mấy năm trước nhưng vẫn là cái tên mới tại giải Bông sen vàng năm nay.

Chánh Phương film cũng đăng ký Dòng máu anh hùng dự thi. Hãng phim Giải Phóng lên danh sách phim dự LHP Việt Nam lần thứ 15: Cú đấm, Giá mua một thượng đế, Chuông reo là bắn, Gió thiên đường, Mùa len trâu.

3 năm qua Hãng phim truyện VN sản xuất được khoảng 10 phim, nhưng lần này chỉ có 6 phim dự giải Bông sen vàng: Giải phóng Sài Gòn, 5 ngày trong đời vị tướng, Đường thư, Vũ điệu tử thần, Chiến dịch trái tim bên phải, Những ngày mùa hè.

Như vậy, lại có thêm nét mới cho LHP lần này là các đạo diễn trẻ không những xuất hiện nhiều hơn mà có người còn có nhiều phim dự thi:

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng có hai phim Đường thư và Vũ điệu tử thần (nếu Hãng phim Hội Nhà văn cũng gửi Hà Nội, Hà Nội dự thi thì Tuấn Dũng có mặt ở 3 phim); nếu Hãng phim Thiên Ngân cũng đăng ký 2 trong 1 thì riêng đạo diễn Đào Duy Phúc sẽ có 3 phim làm cho 3 hãng gồm: 2 trong 1 (Hãng Thiên Ngân), Chiến dịch trái tim bên phải (Hãng phim truyện VN), Sinh mệnh (Hãng phim truyện I).

Trở lại với LHP châu Á-TBD, tiếc là lâu nay phim Việt thường giành nhiều giải ở sân chơi này, cụ thể là năm ngoái lập hattrick với Phim tài liệu hay nhất (Còn lại với thời gian), Giải đặc biệt (Chuyện của Pao), Giải thưởng lớn (Sống trong sợ hãi).

Nhưng sân chơi này còn tiếp tục hay hướng tới hai năm tổ chức một lần thì điện ảnh Việt cũng phải nhìn xa trông rộng hơn. Dù phim có lọt vòng tranh giải hay không thì các LHP quốc tế vẫn mở những cánh cửa rộng cho phim Việt tham gia bằng nhiều hình thức tiêu điểm, hội thảo, giới thiệu chùm phim…

LHP quốc tế Hawaii diễn ra từ 18- 28/10 tới đây là dịp để nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan và đạo diễn Nhuệ Giang được mời sang giới thiệu về điện ảnh Việt, cuối tháng 9 này đạo diễn Đào Duy Phúc cùng phim Sinh mệnh cũng sang Pháp tham gia một sự kiện văn hoá lớn ở đây…

BÍCH HƯƠNG - (Theo Tiền Phong)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm