“Không” - ca khúc đầu tay của Nguyễn Ánh 9 gắn liền Elvis Phương

Không đã làm bước đệm để ông tự tin sáng tác một số tình khúc sau này trong gia tài âm nhạc chỉ vỏn vẹn chưa quá 20. Trong đó chỉ có hai ca khúc Mẹ Việt Nam ơi Mùa thu cánh nâu ông phổ thơ tặng Khánh Ly, còn lại đều do ông sáng tác.

Nguyen Anh 9

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (1940-2016). 76 tuổi đời với hơn 20 tình khúc.

Không ra đời ngẫu hứng như thế nào?

Tháng 8-1970 nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cùng ca sĩ Khánh Ly có chuyến sang Nhật Bản biểu diễn tại Hội chợ quốc tế Osaka. Trong lúc chờ thang máy ở khách sạn, ca sĩ Khánh Ly hỏi về chuyện tình khi ông vừa chia tay người yêu. Thay vì trả lời, sẵn cây đàn trên tay, ông đã dạo đàn rồi hát ngay “Không. Không. Tôi không còn yêu em nữa”.

Sau khi trở về Việt Nam được sự khuyến khích của Khánh Ly, ông đã hoàn tất Không trong khoảng một tiếng đồng hồ. 

Về ca khúc Không, trong một cuộc phỏng vấn, ông lại trả lời khác: "Vào cuối năm 1969-1970, tôi có chuyến lưu diễn ở Pháp cùng đoàn nghệ sĩ trong nước, lúc ấy có Khánh Ly. Một đêm trời trở lạnh, tôi và Khánh Ly tản bộ, bất ngờ trong tôi lóe lên dòng nhạc, tôi thử ngân nga một mình, Khánh Ly nghe thấy và bảo: "Hay lắm, anh hát tiếp đi...". Thế là nhạc phẩm Không ra đời và được ca sĩ Elvis Phương thể hiện rất thành công."

Không được Khánh Ly thu lần đầu trong đĩa nhựa của nhãn đĩa Tình ca quê hương.

Đây có lẽ là ca khúc đơn giản, ngắn gọn nhất trong nền tân nhạc Việt Nam chỉ với một câu “Không. Không. Tôi không còn yêu em nữa” được lặp đi lặp lại nhiều lần. Ca từ Không vỏn vẹn 119 chữ nhưng riêng câu "Không. Không. Tôi không còn yêu em nữa” chiếm 71 chữ! 

Cũng chính ca khúc đơn giản ấy đã góp phần tạo nên tên tuổi gắn liền với cuộc đời ca hát của Elvis Phương - một ca sĩ trước đó chỉ chuyên hát nhạc ngoại quốc tại các club Mỹ. 

Elvis Phuong

Ngoài  Không, ca sĩ Elvis Phương còn trình diễn thường xuyên trên sân khấu: Ai đưa em về, Chia phôi, Lời cuối cho em,... rất thành công.

Trước sự thành công bất ngờ của ca khúc đầu tay, Nguyễn Ánh 9 cảm hứng viết tiếp Ai đưa em về  vào cuối năm 1971 đầu năm 1972.

Từ ca khúc Không, sau đó ông đã sáng tác hàng loạt tình khúc ghi dấu tên tuổi trong nền tân nhạc Việt Nam: Một lời cuối cho em, Chia phôi, Trọn kiếp đơn côi, Tình khúc chiều mưa...

Thú vị nghệ danh Nguyễn Ánh 9

Nguyễn Ánh 9, tên thật: Nguyễn Đình Ánh sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940. Nghệ danh Nguyễn Ánh 9 là do người yêu đầu tiên của ông đặt cho. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói: "Đây là tên mà cô ấy đặt cho tôi. Khi tôi viết những bản nhạc đầu tiên, lấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên của vua Gia Long. Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi vậy nên lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9" (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đệm dương cầm cho ca sĩ Elvis Phương hát ca khúc "Không" của ông

"Không" cũng chính là ca khúc hiếm hoi của Việt Nam được đặt lời bằng tiếng Hoa.

Cùng thưởng thức ca khúc đầu tay Không qua tiếng hát của ca sĩ Elvis Phương.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đệm piano cho ca sĩ Elvis Phương hát Không. Nguồn: YouTube/VTV9

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm