Khó bảo hộ bản quyền điện ảnh thời @!

Sáng 23-4 tại TP.HCM, Cục Bản quyền tác giả, Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM và Hội Truyền thông điện tử TP.HCM đã tổ chức hội thảo Bảo hộ bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình trong môi trường số.
Khán giả mất quyền xem tác phẩm gốc
Từ trước đến nay, vấn đề bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình ít được lưu tâm hơn bản quyền âm nhạc trong môi trường số. Chính từ thiếu lưu tâm mà việc vi phạm lĩnh vực này ngày càng tràn lan.
Theo thống kê của luật sư Phan Vũ Tuấn, Chánh Văn phòng Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, hiện có trên 180 trang mạng có đăng tải phim. “Chúng tôi không thể công bố 180 trang mạng này vi phạm bản quyền phim. Tuy nhiên, trong một lần trao đổi với đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ - MPAA, tôi được biết MPAA chưa cung cấp bản quyền phim cho bất cứ trang mạng nào từ Việt Nam” - luật sư Tuấn cho biết.
Còn đạo diễn Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho rằng: “Chúng tôi quan tâm việc bảo hộ bản quyền điện ảnh, truyền hình từ bức xúc của nghệ sĩ. Nhà sản xuất phim đầu tư cả năm mới ra tác phẩm nhưng quản lý không tốt nên chỉ sau một, hai ngày công chiếu là mất bản quyền, đồng nghĩa với việc mất khả năng thu hồi vốn và làm giảm nhiệt huyết nghệ sĩ”.
Đạo diễn Xuân Hải khuyến cáo: “Nguy cơ nước ngoài không dám phát hành phim tại Việt Nam, nguy cơ nhà sản xuất trong nước không dám sản xuất. Hai nguy cơ đó khiến khán giả là người thiệt thòi nhất. Họ không có tác phẩm gốc để xem và họ bị ảnh hưởng quyền lợi”.

Khó bảo hộ bản quyền điện ảnh thời @! ảnh 1
 

Phim
The Wolf of Wall Street được đề cử ở mùa Oscar vừa qua chưa từng được phát hành chính thức tại Việt Nam nhưng trên các trang mạng đều có. (Ảnh chụp lại màn hình trang mạng phimhh.com)

Trong năm 2013, Hiệp hội Điện ảnh Mỹ đã gửi đơn đến Bộ VH-TT&DL yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả với tác phẩm điện ảnh của MPAA tại ba trang mạng: http://phim47.com/; http://v1vn.com/ và http://pub.vn/.
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, sau khi thanh tra Bộ VH-TT&DL vào cuộc, yêu cầu chủ ba trang mạng trên dỡ bỏ ngay các bản sao tác phẩm điện ảnh xử lý vi phạm hành chính thì các trang mạng này đổi hoặc giữ tên miền như cũ và tiếp tục vi phạm. Cụ thể như trang mạng http://phim47.com/ đã đổi thành phimhh.com, hai trang còn lại vẫn đăng tải những phim mới nhất chưa chiếu trên truyền hình hoặc rạp.
Phim chưa phát hành cũng bị vi phạm
Giữa tháng 4 vừa qua, MPAA gửi hồ sơ liên quan đến việc vi phạm bản quyền phim một số trang mạng này và các trang mạng khác tại Việt Nam. Song song với MPAA, Đài TVB Hong Kong cũng thông báo đến Bộ những trang mạng Việt Nam vi phạm bản quyền khi đăng tải những chương trình, phim của đài… với chi tiết danh sách và hành vi vi phạm.
Ông Danny Quách, Giám đốc Marketing cụm rạp BHD, cho biết với những phim nhà phát hành này nhập trực tiếp thì việc bảo vệ bản quyền dễ dàng hơn. Lý do là “tất cả phim BHD nhập đều lên kế hoạch trước khi chiếu khoảng sáu tháng. Lúc đó phim đang trong giai đoạn hậu kỳ hoặc đang quay. Vì thế khi nhập về phim hoàn toàn mới, chưa công chiếu ở thị trường nào để có thể thất thoát bản phim lậu”. Bên cạnh đó, trước khi nhập phim, BHD cũng rà soát để xác định có thất thoát bản phim lậu trên mạng hay chưa mới nhập để phát hành.
Nhà phát hành Galaxy cũng có đội ngũ để rà soát bản phim ngoại trước khi nhập về, song nhiều phim trước khi nhập về Việt Nam đã từng chiếu ở một, hai thị trường nào đó. Và hiển nhiên, khi phát hành phim nhà phát hành lại phải đối đầu với băng đĩa lậu và những bản phim lậu lưu hành tràn lan trên mạng.
Ba trang mạng mà MPAA khuyến cáo chỉ là một phần rất nhỏ trong 180 trang mạng đang cho xem, tải miễn phí phim tại Việt Nam hiện nay. Việc vi phạm bản quyền phim trên môi trường số không chỉ với phim ngoại mà cả ở phim Việt.
Đối với phim trong nước, ngoài việc đội ngũ nhân viên canh khán giả để tránh việc quay phim, chụp ảnh phim chiếu ở rạp thì Công ty Cổ phần Phim Thiên Ngân cũng có đội ngũ chống vi phạm bản quyền trên mạng. Đội ngũ này sẽ canh trên mạng để phát hiện trang mạng nào đăng tải phim của hãng. Sau đó họ sẽ thông báo ngay trang mạng vi phạm để bắt buộc gỡ phim khỏi trang mạng.
Dẫu chặt chẽ vậy nhưng bản nháp bộ phim Bụi đời Chợ Lớn của hãng phim Thiên Ngân vẫn bị tuồn ra thị trường băng đĩa lậu và trên mạng. Hay trước đó, bộ phim Cánh đồng bất tận, chưa công chiếu ra rạp đã có bản lậu ở thị trường băng đĩa lậu và Internet. Và cả hai trường hợp này nhà sản xuất, phát hành vẫn chưa tìm ra được thủ phạm để xử lý.
Buổi hội thảo kết thúc trong tình cảnh thực trạng vi phạm tràn lan nhưng hướng xử lý vẫn chưa đi đến cuối cùng, bởi hiện tại, khung pháp lý để xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường số của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện. Việt Nam cũng chưa đủ điều kiện để áp dụng các công nghệ trong việc ngăn chặn, phát hiện vi phạm bản quyền.
QUỲNH TRANG
 
Hàn Quốc bắt buộc cài đặt hệ thống quản lý sao chép lậu
Tại Hàn Quốc, đầu những năm 2000, băng đĩa lậu vẫn còn ngoài đường phố. Nhưng từ năm 2005, với sự phát triển của công nghệ, nhà nhà người người bắt đầu tải phim miễn phí từ trang mạng về máy tính, điện thoại để xem chứ không còn cảnh mua băng, đĩa về nhà xem. Tình hình vi phạm bản quyền ở Hàn Quốc lúc đó cũng tràn lan như Việt Nam hiện nay.
Trong năm 2011, Hàn Quốc có 2,7 tỉ nội dung các mảng điện ảnh, âm nhạc, truyền hình, game, xuất bản bị vi phạm bản quyền làm thất thoát 2.400 tỉ won (khoảng 40.000 tỉ đồng VN).
Vào năm 2012, bên cạnh việc nâng mức độ xử phạt vi phạm bản quyền, tiến hành luật “bất quá tam” (vi phạm ba lần sẽ ngưng dịch vụ)…, Hàn Quốc đã bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến tiến hành cài đặt hệ thống quản lý sao chép lậu. Tuy nhiên, hệ thống này cũng chỉ chặn được 10% những trang mạng, còn các kiểu vi phạm trên mạng khác như qua torrent… không áp dụng được. Trong năm 2013, chỉ riêng điện ảnh việc vi phạm bản quyền trên mạng làm thiệt hại cho các nhà sản xuất, phát hành 4.000 tỉ won (tương đương 68.000 tỉ đồng VN). Vì vậy suy cho cùng, trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền, việc nhận thức và ý thức người dân về sở hữu trí tuệ vẫn là mấu chốt quan trọng nhất.
Ông JUNG TEA SUN, Tổng Giám đốc Tập đoàn CJE&M Hàn Quốc tại Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm