Hơn ba tỷ đồng Hướng về miền Trung

20 giờ đêm qua (24-10), khán đài hơn 3.500 chỗ ngồi của sân khấu Lan Anh (TP.HCM) đã chật kín. Gần hai tuần chuẩn bị, dù vội vã và không ít lúng túng, một chương trình ca nhạc quy mô Hướng về miền Trung do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức với sự góp sức của rất nhiều tấm lòng đã được thực hiện.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM và những khán giả trong tối hôm qua có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Văn Hành, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An, cùng nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà báo, các nhân chứng của trận lũ vừa qua.

Mênh mang phép màu

Một làng quê yên bình với gánh hàng rong, học sinh đi học... Bỗng “rầm... rầm...”, âm thanh của gió thốc, nước dâng, dân quê tan tác - những hình ảnh về trận bão số 5 dữ dội hiện ra trước mắt khán giả. Những clip ngắn tổng hợp về cơn lũ lịch sử vừa qua cũng được chiếu đều đặn trên màn hình, cùng hoạt cảnh tái hiện của hơn 50 vũ công trong tiết mục múa mở màn.

Thùng quyên góp càng lúc càng nặng trĩu. Ảnh: HTD
Thùng quyên góp càng lúc càng nặng trĩu. Ảnh: HTD

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng mở đầu, say sưa với ca khúc Phép màu do chính anh sáng tác, rằng hãy biết yêu thương nhau vì phép màu không ở đâu xa mà do chính chúng ta tạo nên “cuộc sống sẽ luôn có phép màu khi một ngày ta biết nghĩ cho nhau”.

Hướng về miền Trung làm người xem xúc động hơn và lặng đi bởi những đoạn video clip do ban tổ chức vừa thực hiện tại Nghệ An. Vì thật không có lời nào diễn tả hết được sự mất mát này, Quang Dũng bày tỏ cảm xúc sẻ chia với lời hát đượm buồn: “Trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang, từng ngón tay buồn, em mang em mang...”. Không khí khán đài bỗng chùng xuống, những ánh mắt chăm chú vào đoạn phóng sự, rồi những thùng quyên góp được chuyển đi, nhiều nhiều khán giả mở lòng. Danh sách các doanh nghiệp tham gia đóng góp dài thêm. Một tỷ đồng, hai tỷ đồng, ba tỷ đồng, rồi thêm nữa...

Nghệ sĩ Thế Vinh - người vượt lên những nỗi đau về thể xác (cụt một tay) đã thể hiện phần độc tấu guitar bài hát Diễm xưa, từng xúc động kể: “Năm 1983, một cơn lũ đã kéo đến vùng quê nghèo Bắc Bình Thuận của tôi, thoáng chốc mọi thứ đã bị cuốn trôi theo lũ, rồi đói kém, bệnh tật...”.

Ca sĩ Giao Linh, Duy Quang đến với khán giả qua hai ca khúc Thương về miền Trung và Ngày trở về. Khán đài nóng lên khi ca sĩ Mỹ Tâm thiết tha với Dường như ta đã và nhóm Năm dòng kẻ cũng nữ tính hơn trong trang phục áo dài qua bài hát Khát vọng: “Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội...”. Các ca sĩ tham gia chương trình tâm sự: “Máu chảy ruột mềm, chúng tôi thấy mình nặng nợ với đồng bào của mình. Làm được gì cho đồng bào, chúng tôi rất hạnh phúc...”. Đó cũng chính là ước mong mà chương trình muốn đem lại cho đồng bào miền Trung. Chúng tôi mong sẽ góp một phần nhỏ nhoi của mình để cuộc sống bà con bớt chật vật, để có thể hân hoan tiếp tục cuộc sống.

Gặp những người lao mình trong lũ

Phần giao lưu với những nhân chứng từng có mặt trong cơn lũ diễn ra rất ngắn, chỉ hơn 15 phút nhưng đó chính là điểm “dừng” lâu nhất của chương trình. Sau những trang báo khán giả như thêm một lần nữa được thấy lại cơn lũ lịch sử đã quét qua.

Ông Mai Ngọc Phước (bìa trái) - Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM trao tặng 200 triệu đồng cho đại diện tỉnh Nghệ An và 100 triệu đồng cho quỹ “Chung một tấm lòng” của HTV. Ảnh: T.HẢI
Ông Mai Ngọc Phước (bìa trái) - Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM trao tặng 200 triệu đồng cho đại diện tỉnh Nghệ An và 100 triệu đồng cho quỹ “Chung một tấm lòng” của HTV. Ảnh: T.HẢI

Ông Nguyễn Văn Hành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhớ lại: Con đường từ Vinh lên huyện Quế Phong bình thường chỉ mất có ba giờ xe chạy. Nhưng ông đã phải đi mất ba ngày hai đêm, “tăng bo” bằng cả xe lội nước và cuốc bộ mới đến được tâm lũ. Sau đó là một cuộc hành trình nhọc nhằn vào xã Nậm Giải của lãnh đạo tỉnh và các phóng viên mất gần bảy giờ “cắt” rừng.

Phóng viên Hữu Khá, tác giả bài viết ““Bò” vào ốc đảo Nậm Giải” (Pháp Luật TP.HCM ngày 8-10), một trong những người đầu tiên cùng có mặt với lãnh đạo tỉnh Nghệ An vào được Nậm Giải sau khi băng rừng 60 km cả đi lẫn về bộc bạch: “Thấy lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã tuổi cao mà vẫn đi được thì mình cũng phải vào chứ, vào để thấy được cái khổ của người dân”. Ra đến cửa rừng đã gần 9 giờ tối, Hữu Khá tiếp tục về xuôi. Vừa chạy vừa đọc thông tin cho đồng nghiệp viết lại và đến 23 giờ thì những hình ảnh cũng vừa kịp chuyển về để tòa soạn lên khuôn.

Còn Viễn Sự, người đã sẻ chia với Hữu Khá trong hơn một tuần tác nghiệp trong vùng tâm lũ, nói rất thật: “Lúc đó phương án về bài viết chỉ được chúng tôi lên kế hoạch vào chiều tối vì sáng sớm “bò” vào vùng tâm lũ, không ai dám chắc đến chiều có thể trở ra được để chuyển bài về”. Nhiều độc giả đã không ngờ rằng bài viết chỉ được các anh bắt đầu thực hiện lúc 7, 8 giờ tối sau khi vượt hàng chục km đường rừng.

Cảnh tan hoang của miền tây Nghệ An lại một lần nữa hiện ra khi Viễn Sự cho biết hơn hai trăm cây số dọc bờ sông Hiếu gần như đã bị san thành bình địa. “Đó chính là điều mà chúng tôi trăn trở nhất, muốn gửi đến độc giả. Và, nhiều tấm lòng đã được lay động để có chương trình hôm nay dành cho đồng bào miền Trung” - Viễn Sự nói.

Hơn 22 giờ, chương trình khép lại, ấm cúng và còn chút nuối tiếc. Nhưng sự tiếc nuối ấy nói như một khán giả - anh Lê Phúc Yên ở quận 10 (TP.HCM): “Là sự tiếc nuối dư âm của buổi diễn, để chúng tôi luôn nhớ, luôn hướng về miền Trung, luôn nhớ câu “máu chảy ruột mềm””.

Cảm ơn lắm những tấm lòng...

Tổng số tiền nhận được đêm qua trong toàn chương trình là hơn ba tỷ đồng và 500 chiếc cặp học sinh. Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tổ chức đoàn cứu trợ trực tiếp ra miền Trung để chuyển toàn bộ số tiền đến bà con.

Nhộn nhịp... “cò” vé chợ đen

Mặc dù vé xem chương trình ca nhạc đã được phát miễn phí cho bạn đọc nhưng từ 17 giờ chiều qua (24-10), tại cổng vào câu lạc bộ Lan Anh đã xuất hiện rất nhiều người mời chào vé. Giá vé chợ đen được chào bán tới 350.000 đồng/cặp cho ghế ở khu vực trung tâm, còn khu vực hai bên cánh gà được chào giá 200.000 đồng/cặp.

“Cò” phe vé đang chào mời.
“Cò” phe vé đang chào mời.

19 giờ, trời bắt đầu đổ mưa, “cò” phe vé cũng “tranh thủ” chen vào tận phía trong gần khu vực soát vé để mời. Chị Ngọc Ánh, người quê miền Trung, nay ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), đi thăm con học đại học tại TP.HCM quyết định mua vé chợ đen. Biết gia đình chị mua năm vé và vào sẽ ủng hộ tiền cho chương trình nên được “cò” bán giá “khuyến mãi” 70.000 đồng/vé thay vì 100.000 đồng (?).

Trong cánh gà, các văn nghệ sĩ cũng sẵn sàng. Ca sĩ Giao Linh đã tạm gác lại chương trình “show” tại sân khấu Cầu Vồng (126 Cách Mạng Tháng Tám) để đến với Hướng về miền Trung. Ca sĩ Quang Dũng vừa trở về từ Mỹ cũng kịp có mặt. Rồi Mỹ Tâm, Nguyễn Phi Hùng, Thế Vinh, nhóm Năm dòng kẻ...

Và, có một người, dù không trực tiếp tham gia biểu diễn nhưng đã có mặt từ rất sớm, lặng lẽ tham gia trong phần tổ chức nhân sự trong hậu đài. Anh là nghệ sĩ Công Ninh. Toàn bộ các nghệ sĩ, ca sĩ tham gia đều ủng hộ bằng tiền cát-xê tại đêm diễn.

THANH HẢI

QUỲNH TRANG - THẠCH HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm