Hội cướp cù gần 10 năm chưa có đội thắng

Lễ hội này là một hoạt động văn hóa dân gian lâu đời được người dân làng An Mỹ và Cẩm Phổ (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh) tổ chức thường niên vào khoảng ngày mùng 4 đến ngày mùng 7 âm lịch.

Trưởng làng làm lễ cúng bái Thành Hoàng làng trước khi khai hội

Hội cướp cù được thực hiện với phần lễ và phần hội. Phần lễ được Trưởng làng chủ trì với sự tham gia cúng tế của 1 vị Thầy làng (người đọc văn tế) cùng 5 vị Trưởng họ cao tuổi đại diện cho 5 chi họ trong làng.

Ông là Bộ làng cho biết: Phần lễ được thực hiện để kính báo với Thành hoàng, tiên tổ… cầu chúc cho một năm mới mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành. Phần hội diễn ra ngay sau đó với hình thức là Hội cướp cù.

Quả cù bằng củ chuối được rước đi một cách trang trọng

Quả cù được đẽo gọt công phu từ gốc chuối. "Cù nặng khoảng 2 kg, phải được gọt và nướng trong lửa than 3 lần, mỗi lần 15 phút, như vậy mới đủ độ dai và sức nặng cần thiết", trưởng làng Lê Hữu Nghĩa (61 tuổi) cho biết.

Năm nay Hội cướp cù được chia thành 3 hiệp, mỗi hiệp 30 phút với 2 đội tham gia là Ao Vô (tức xóm trong) và Ao Ra (tức xóm ngoài) của làng Cẩm Phổ. Có năm Hội thu hút đến 300 người tham gia.

Giữa bãi cát rộng khoảng 500 m2, có 2 cột cù (hay còn gọi là cột gôn) bằng cây tre đực. Mỗi cột gôn có một giỏ được đan bằng tre ở độ cao khoảng 5 mét. Trò chơi thu hút đông đảo thanh niên thậm chí cả cụ già cũng háo hức tham gia. Giữa bãi cát trắng, hàng trăm thanh niên lực điền vẫn xoay trần và tranh giành nhau quyết liệt quả cù.

Người chơi sẽ cố gắng đưa quả cù vào "gôn" có độ cao 5 mét từ mặt đất

Tuy đông người nhưng không ai có những hành động tranh đoạt bạo lực, đi ngược truyền thống thượng võ của Hội. Ông Nguyễn Viết Thạnh, người đọc văn tế cúng, nói: "Nếu ai có hành động xô xát, gây thương tích cho người khác sẽ bị phạt rất nặng".

Theo truyền thuyết, xưa ở làng Cẩm Phổ có một đôi vợ chồng sinh sống ở đồi cát vàng phía sau làng nhưng không có con. Với tình yêu con trẻ, mỗi dịp Trung thu, 2 vợ chồng lại sắm sanh bánh kẹo, rồi tung lên trời cho trẻ con bắt, ai muốn bắt được nhiều thì phải cố gắng. Hội cướp cù cũng có thể bắt nguồn từ tích đó.

Lễ hội được rất nhiều người thích thú tham gia

Việc ném cù đúng vào gôn rất khó khăn vì ngoài sự tranh cướp quyết liệt, khi cù được di chuyển đến cột gôn người ta có quyền xô, rung cọc khiến cho quả cù không thể lọt lưới. Khi quả cù vào gôn thì trận đấu kết thúc. "Lâu lắm rồi, chỉ có hai năm 1999 và 2007 là cù được ném vào vào gôn, mấy năm gần đây chưa ai làm được việc đó", ông Nghĩa thông tin. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm