Hoàng Đạo, người trông nom NXB Đời nay của Tự lực Văn đoàn

Trước 1945, trong các văn đoàn, báo chí ở Việt Nam như Hàn Thuyên, Tri Tân, Thanh Nghị… Tự lực Văn đoàn với những tên tuổi Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam… nổi lên với hoạt động báo chí, văn chương sôi nổi. Trong những con người ấy, có Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long.

Đường bút nghiên

Văn học sử Việt Nam thời tiền chiến, Tự lực Văn đoàn ghi một dấu ấn lớn với nhóm nhà văn chủ lực được Thế Phong chỉ tên gồm Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ.

Chân dung nhà văn Hoàng Đạo. Ảnh: Tư liệu

Theo nhận định của Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn học sử yếu, cơ quan ngôn luận truyền bá của Tự lực Văn đoàn là tờ Phong hóa tuần báo, sau này nối tiếp là tờ Ngày nay. Và để xuất bản các tác phẩm của văn đoàn, có Nhà xuất bản Đời nay.

Riêng với tờ Ngày nay, trong Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (Phạm Thế Ngũ) cho biết trong những năm 1937-1939 “thường là nơi diễn đàn thời sự cho cây bút sắc sảo của Hoàng Đạo đưa ra những vấn đề chính trị và xã hội đòi chính quyền thực dân giải quyết như vấn đề tự do của nghiệp đoàn, của báo chí, vấn đề đời sống dân quê trong mục Bùn lầy nước đọng; vấn đề công băng và luật pháp trong Trước vành móng ngựa”.

Về Hoàng Đạo, người em gái Nguyễn Thị Thế cho hay Hoàng Đạo là con thứ tư trong gia đình, tên thật là Nguyễn Tường Long (1906-1948). Khi tham gia nhóm Tự lực Văn đoàn, lấy bút danh Tứ Ly.

Bài của Hoàng Đạo (bút danh Trúc Ly) trên báo Ngày nay số 1 ngày 30 tháng 1 năm 1935. Ảnh: ĐÌNH BA

Về tiểu sử, sự nghiệp của Hoàng Đạo, trong Lược sử Văn nghệ Việt Nam - Nhà văn tiền chiến 1930-1945, Thế Phong cho hay Hoàng Đạo theo học và có bằng cử nhân luật, nhưng không làm tri huyện, mà làm Tham tá lục sự vì nghề này còn có thời gian rảnh rỗi để làm báo.

Trong nhóm Tự lực Văn đoàn, Hoàng Đạo là người trông nom Nhà xuất bản Đời nay của nhóm. Riêng về văn nghiệp của Hoàng Đạo, Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm phê bình văn học Nhà Văn hiện đại, đã điểm tên Hoàng Đạo và xếp ông vào nhóm “tiểu thuyết gia luận đề” cùng người anh Nhất Linh, nhưng có nét khác là “tuy cũng thuộc loại tiểu thuyết luận đề nhưng khác với tiểu thuyết của Nhất Linh ở chỗ có khuynh hướng xã hội”.

Nhà phê bình họ Vũ cho rằng sở trường của Hoàng Đạo là về nghị luận, về châm biếm hơn là về tiểu thuyết: “Ở hai loại trên ông phán đoán vững vàng, lập luận chắc chắn, còn ở loại tiểu thuyết ông không được giàu tưởng tượng cho lắm”.

 Tác phẩm Con đường sáng của Hoàng Đạo. Ảnh: ĐÌNH BA

Văn phẩm của Hoàng Đạo được kể tên gồm có tập phóng sự Trước vành móng ngựa (1938), truyện dài Con đường sáng (1940), tập truyện ngắn Tiếng đàn (1941).

Trước đó năm 1939, Hoàng Đạo có sách dạy đạo làm người, sách tu thân qua tác phẩm Mười điều tâm niệm.

Trong những tác phẩm được kể ở trên, Thế Phong nhận định Con đường sáng là truyện điển hình cho sự nghiệp của Hoàng Đạo bởi ở đó “ông muốn hướng dẫn con người nghĩ đến xây dựng sự nghiệp, sau khi đã ê chề với danh hão cuộc đời”.

Đường chính trị và án tù

Giữa cái buổi nước nhà đang vận bĩ, dân Nam yêu nước ai chẳng không bồn chồn trong dạ, chẳng không thảng hoặc nhiều ít mang mối hận mất nước, muốn đánh đuổi kẻ xâm lược, đô hộ để giành lại địa vị độc lập, tự do. Mà lửa lòng yêu nước ấy, giới trí thức lại càng mạnh hơn ai hết. Họ biết chữ, họ có tri thức, họ hiểu đời… họ là giới dẫn dắt tư tưởng cho dân.

Anh em nhà họ Nguyễn Tường cũng không phải là ngoại lệ. Thế Phong cho biết Hoàng Đạo làm chính trị thời gian 1941-1945 cùng với Nhất Linh.

Trong Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường của người em gái Nguyễn Thị Thế, khi nhớ đến hoạt động yêu nước của người anh thứ tư trong gia đình, cho hay anh em nhà Nguyễn Tường để chống Pháp, đã lập hội Ánh sáng ở bãi Phúc Xá bên sông. Kể từ đó, Nhất Linh nay đây mai đó, lúc ở Đồ Sơn, khi đi Thanh Hóa, lúc sang Thái Bình…

Rồi sau Nhất Linh về trại Cẩm Giàng lấy cớ để yên tĩnh viết văn, nhưng thực tế thì “đâu ngờ anh lập hội kín chống Pháp”. Nhưng hội có kín, hoạt động có bí mật thì dạo ấy, Sở Mật thám của Pháp người giăng khắp nơi, rồi cũng bị lộ.

Thời gian sau, hoạt động của hội kín bị lộ. Chính quyền thực dân đến tòa báo để bắt Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo. Nhưng nhờ có người nhà báo tin mà Nhất Linh thoát được.

Còn Hoàng Đạo thì sao? Vẫn bà Thế kể lại sự việc: “Anh Tư tôi bị bắt, bị tra tấn bằng điện dữ dội, anh gan lỳ không chịu tiết lộ gì nên họ cho đi an trí ở huyện Vũ Bản, Vĩnh Bình cùng với ông Khái Hưng”. 

Trong hai năm bị an trí ở đây, Khái Hưng do có hiểu biết về thuốc nên được làm y tá, còn Hoàng Đạo thì lo về ăn uống “sang chợ mua thức ăn về anh em trong tù thổi nấu lấy ăn nên cũng khá và đầy đủ hơn”.

Cái đời tù chính trị của Hoàng Đạo dạo ấy, vẫn theo lời Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường cho hay, không đến nỗi khắc nghiệt lắm: “Mỗi tháng chị Tư lại lên thăm, lần nào cũng quà cáp biếu hậu hĩ lão giám đốc nên họ cũng nể. Vì khi chị lên thăm, anh được tự do vào rừng chơi, vẫn mặc âu phục như đi săn. Cũng vì không có chứng cớ rõ rệt, chỉ mới tình nghi thôi, họ thừa biết anh Tam tôi mới là nhân vật quan trọng”.

Bài của Hoàng Đạo (bút danh Trúc Ly) trên báo Phong hóa số 45 ngày 5 tháng 5 năm 1933. Ảnh: ĐÌNH BA

Sau khi bị an trí trong hai năm, Hoàng Đạo được thả về. Sau này khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong Chính phủ liên hiệp lâm thời, Hoàng Đạo tức Nguyễn Tường Long làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế. Sau này theo Sắc lệnh số 94 ngày 4-6-1946, Nguyễn Tường Long được cử làm cố vấn Bộ Quốc dân kinh tế.

Về sau Hoàng Đạo sang Côn Minh (Trung Quốc). Kết cục của tác giả Mười điều tâm niệm ra sao? Thế Phong cho rằng sau năm 1945, Hoàng Đạo sang Hong Kong rồi bị bắt và mất tích năm 1948.

Còn vẫn lời bà Thế thì khi biết tin chồng đang ở Trung Quốc, vợ Hoàng Đạo sang thăm chồng. Trong lần thứ hai vợ cùng đứa con trai đầu qua thăm, Hoàng Đạo đưa vợ con sang Hong Kong để đi máy bay về nước, còn mình thì “đi xe lửa trở lại Quảng Châu, tới ga Thạch Long, rồi mất luôn tại đó ngày mười sáu tháng sáu năm Mậu Tý, tức ngày 22-7-1948”, an táng tại nghĩa trang Thạch Long, thọ 42 tuổi, kết thúc một đời chính trị và nghiệp báo chí. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm