Họa sĩ Rừng vẽ phụ nữ bằng ký ức

19 tuổi, họa sĩ Rừng đã có triển lãm cá nhân. Ông nói: “Hội họa như định mệnh trời đã phó thác cho tôi, không thoát ra được”. Từ lúc 7-8 tuổi, họa sĩ Rừng đã tập tành vẽ. Ông nhìn sự vật vẽ lại một cách hồn nhiên và luôn đứng hạng nhất lớp môn vẽ. Gia đình không muốn ông trở thành họa sĩ vì mẹ ông quá ngán ngẩm hình ảnh nghèo nàn của những ông thợ vẽ trong làng. Ông trốn gia đình vào Sài Gòn học vẽ.

Họa cái đẹp thân thể con người

Một trong những đề tài ông theo đuổi là tranh khỏa thân nữ. Ông ít khi nhờ người làm mẫu. Những người nữ trong tranh ông thường có nét từa tựa nhau vì cùng xuất phát trong vùng ký ức của họa sĩ. Có thể đó là những người nữ từng đi qua đời ông, là người ông gặp một thoáng ở đâu đó trên vùng đất bazan ở Tây Nguyên (bức Khỏa thân đỏ)…, mỗi người góp một nét cho bức chân dung “mẫu” trong tâm tưởng người họa sĩ này. Rồi từ vùng tâm tưởng đó, những đường nét tuôn lên đầu cọ, trải lên toan hình ảnh một người nữ căng tràn nhựa sống. Ông quan niệm cái đẹp thân thể cần được phô diễn. Đối với ông, câu “Người đẹp vì lụa” không nói lên chính xác cái đẹp của thẩm mỹ, của mỹ thuật. Cái đẹp không phải là trang điểm, lụa là, quần áo mà nó phải là cái đẹp thân thể mộc mạc, đơn giản.

Một thời gian, hội họa của họa sĩ Rừng bay trong cõi vô ý niệm, mộng mơ, xa rời mặt đất và đời sống con người với các loạt tranh trừu tượng, phảng phất không khí siêu thực: Phiêu du mộng tưởng - Ánh sáng và Bóng tối (1993), tiếp theo đó là Trên tầng thanh khí (1999). Sau đó, như có một nguồn cảm hứng từ mặt đất, người họa sĩ mơ mộng này đáp xuống, lắng nghe. Ông gọi đất là Mẹ và ca tụng người mẹ đã sản sinh ra muôn loài. Ông Cảm tạ người nữ vì chính người nữ đã sinh ra nhân loại.

Họa sĩ Rừng vẽ phụ nữ bằng ký ức ảnh 1

Tác phẩm khỏa thân Sen. Ảnh: TRÀ GIANG

Bảy bức tranh khỏa thân trong triển lãm Cảm tạ người nữ của họa sĩ Rừng mô tả người nữ với những thời khắc hạnh phúc nhất: Của lứa tuổi xuân thì với sức sống viên mãn trong một thân thể căng ứ, tràn đầy sinh lực; của thời mộng mơ, hoài vọng; của chặng dừng tình cảm đầu đời, trở thành tình nhân; của thời khắc thành chủ một mái ấm; niềm hạnh phúc hoài thai; nuôi dưỡng con và thuộc về một vùng vĩnh cửu… Hình ảnh người nữ trong tranh ông khi rực rỡ, khi huyền bí thể hiện giá trị cao cả thiêng liêng của phụ nữ và cả nét rạng rỡ, tươi tắn của sự sung túc, đoàn viên.

Nghệ thuật không chiều chuộng tha nhân

Trong hội họa, tranh bán chạy và tranh có giá trị nghệ thuật đôi khi hoàn toàn khác biệt. Có nhiều tác phẩm chỉ được hậu thế chấp nhận sau khi tác giả qua đời. Dù biết thị hiếu của người mua tranh, họa sĩ Rừng vẫn chỉ vẽ cho riêng ông. “Sự sáng tạo là không biên giới. Nếu anh muốn làm gì, hãy làm cái đó. Đừng phụ thuộc vào tha nhân, vào cuộc đời. Mỗi con người phải trung thực với bản thân trước…” - ông bày tỏ.

Với ông, hội họa là hạnh phúc. Một Nguyễn Tuấn Khanh có thể làm công việc khác để kiếm tiền nhưng một họa sĩ Rừng chỉ vẽ tranh cho bản thân. Ông tâm niệm nếu gặp người đồng cảm, bắt gặp cái nhìn của mình trong tranh thì vui, thì hạnh phúc. Nhưng nếu không có ai cùng chung cảm nhận thì tranh ông vẽ là cho ông, chỉ vậy cũng đủ mãn nguyện.

Vì lẽ đó, sau năm 1960, Rừng là một trong những họa sĩ có nhiều tác phẩm phản chiến dù mảng tranh này không được nhiều người quan tâm. Nổi bật trong số đó là bức Mỹ Lai hồi tưởng về cuộc thảm sát của lính Mỹ tại thôn Mỹ Lai (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Dẫu không được chú ý, ông vẫn đeo đuổi đề tài phản chiến suốt 30 năm để nói lên sự vô nghĩa, tàn bạo của chiến tranh và những phận người nhỏ nhoi, mong manh trong cuộc chiến.

Về sau, ông thay đổi, muốn tác phẩm của mình là câu chuyện của cái đẹp nên chuyển hướng qua các đề tài về phiêu du mộng tưởng và sau đó là tranh khỏa thân.

50 năm không phải là chặng đường ngắn của một đời người cũng không phải là chặng đường dài của sáng tác. Và họa sĩ Rừng sẽ còn sáng tác khi ông còn thở.

Họa sĩ Rừng vẽ phụ nữ bằng ký ức ảnh 2

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm