Họa sĩ Mạc Hoàng Thượng: Tranh chì của tôi không phù hợp để… treo

Thế nhưng 22 bức tranh chì của Mạc Hoàng Thượng tại triển lãm cá nhân Gần của anh đã thể hiện một nội lực mạnh mẽ mà không phải họa sĩ nào cũng làm được.

. Pháp Luật TP.HCM: Triển lãm Gần đã vào ngày cuối cùng, anh nhận được phản hồi thế nào từ người xem và giới chuyên môn?

+ Họa sĩ Mạc Hoàng Thượng: Ngày Gần khai mạc, tôi nhận được nhiều sự khen ngợi của các họa sĩ “lão thành” như Nguyễn Quân, Nguyễn Văn Thuấn, Lưu Lương Biên… Các sinh viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM cũng đến với tôi và thích thú khi thưởng thức. Có lẽ tôi đã chọn đúng cách để thỏa cái khao khát của mình về một thể loại tranh ít ai chọn. Điều đó là quan trọng nhất với người nghệ sĩ.

Tìm đến chất liệu chì để khẳng định sự riêng biệt

. Xuyên suốt 22 bức tranh chì tại cuộc triển lãm, người xem thấy rất ít những thông điệp vui tươi, trừ các bức như Thiên thầnEm bé. Sự khắc khoải anh đưa vào tranh của mình là cách anh nhìn về cuộc sống, hay chính thực tế cuộc sống đã “ám ảnh” anh?

+ Đó chính là những cảm xúc mà tôi đã từng trải nghiệm. Một mặt cũng là từ cuộc sống thực tế đã đem lại. Tất cả tạo nên những nỗi niềm và càng ngày tôi càng bị ám ảnh. Và rồi chúng trở thành những trăn trở, những khắc khoải khi hằng đêm tôi sột soạt với cây bút chì, biến chúng thành hình ảnh cụ thể.

Họa sĩ Mạc Hoàng Thượng: Tranh chì của tôi không phù hợp để… treo ảnh 1

Ván đấu; chì trên giấy; 120 x 240, 2011. Tác phẩm được Mạc Hoàng Thượng thực hiện trong năm ngày.

. Giữa muôn vàn sắc màu thì màu xám chì của anh có lạc lõng không?

+ Chất liệu chì mặc dù là thô mộc và giản dị nhưng đối với tôi đó là một sự thách thức thú vị để đi tìm màu sắc cho nó, để có thể khoe được vẻ đẹp tận cùng của nó.Tôi nghĩ chì đã được khẳng định và cùng tồn tại bên cạnh các chất liệu khác. Bức tranh dù nhiều màu sắc đến thế nào nhưng nếu không được công chúng đón nhận thì đó mới là sự lạc lõng.

. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật ngành sơn mài và có nhiều cuộc triển lãm chung khá thành công về tranh sơn dầu và chất liệu tổng hợp nhưng khi làm một cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên, anh lại chọn chất liệu chì trên giấy và toan. Thật ra anh đang thăm dò thị trường hay đơn giản chỉ muốn tạo ra một sự khác biệt?

+ Tìm đến chất liệu chì là tôi muốn khẳng định sự riêng biệt, độc đáo. Làm nghệ thuật thì khoan nghĩ đến yếu tố thị trường, nhất là khi mình còn trẻ. Tôi chọn thể hiện đam mê trước hết mọi thứ.

Vẽ đêm sẽ bay bổng hơn

. Đang là giảng viên của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, cái nhìn của sinh viên về người thầy có tạo áp lực cho anh khi anh đặt bút vẽ?

+ Với tôi, sân chơi nghệ thuật là sự tìm tòi riêng biệt để thực hiện đúng thiên chức của một nghệ sĩ. Khi vẽ, không có áp lực nào ngoài chính bản thân tôi. Tôi phải khác, phải mới nhưng tôi phải giữ được tôi.

. Như anh chia sẻ, tranh chì của anh là dành cho người thưởng ngoạn hơn là dùng để kinh doanh. Nhưng nếu người xem yêu thích tranh vẽ chì, anh cho rằng thể loại này có phù hợp để trang trí trong những không gian như phòng khách, phòng làm việc hay phòng ngủ gia đình?

+ Một người nghệ sĩ khi họ có một tác phẩm mới đều muốn mọi người thưởng thức và mua nó. Đó là niềm hạnh phúc. Nhưng khi tôi thực hiện bộ tranh này, điều đầu tiên tôi muốn là thỏa mãn cái tôi của mình trước, tôi không nghĩ đến thị trường hay kinh doanh. Trước đây cũng có một số người mua tranh chì của tôi nhưng đa số họ là những người có sở thích sưu tập tranh chứ không phải người treo tranh phổ thông. Những bức trong triển lãm Gần đúng là không phù hợp treo trong không gian gia đình. Nếu muốn treo tranh chì nên chọn những bức có nội dung nhẹ nhàng, vui vẻ hơn.

. 22 bức tranh chì được anh mô tả khá cận cảnh về gần như toàn bộ cơ thể người như: Bàn tay cô đơn trước gương trong bức “Đối diện”, đôi bàn chân thu mình trong “Mảnh đất” , khóe mắt khóc thầm lặng lẽ trong “Nằm” ... Anh có vẻ rất giỏi về nghiên cứu ngôn ngữ cơ thể, kể cả nhân tướng học. Với bức “Ván đấu”, anh có thể giải thích đôi bàn tay đó thể hiện tâm lý của người chơi cờ đang như thế nào trong thế trận?

+ Bức “Ván đấu” thể hiện một tâm lý căng thẳng và nặng trĩu với đôi bàn tay căng như cánh cung. Hằng ngày chúng ta vẫn thường căng thẳng với những ván cờ đời như thế, mỗi chúng ta.

. Vẽ chì với tranh khổ lớn quả thật là một điều khó. Nói như họa sĩ Nguyễn Văn Thuấn tại buổi khai mạc triển lãm là “Để đạt đến cái thần cảm xúc như Mạc Hoàng Thượng thì thật “kinh”. Anh mất bao lâu để thể hiện sự kinh ngạc đó cho một bức tranh chì?

+ Nếu dành trọn thời gian cho việc vẽ, tôi có thể hoàn thành trong vòng bốn hoặc năm ngày. Nhưng thường tôi chỉ vẽ vào ban đêm. Trong cái tĩnh lặng của đêm, tiếng chì sột soạt trên giấy giúp tôi bay bổng hơn và cũng trăn trở, khắc khoải hơn.

. Lẽ nào chỉ có sự trăn trở và khắc khoải?

+ Thời gian sau này sự khắc khoải được giải tỏa bằng nụ cười trẻ thơ nên tranh của tôi cũng có chuyển biến. Nụ cười của con trai tôi cũng “ám ảnh” tôi nhiều và được tôi ghi lại qua hai bức Thiên thần, Em bé. Một góc khuất nào đó của những tâm hồn nhạy cảm luôn có chỗ trú cho những thiên thần.

+ Cảm ơn anh.

Họa sĩ Lưu Lương Biên: Thượng sột soạt kể chuyện đời bằng bút chì

Họa sĩ Mạc Hoàng Thượng: Tranh chì của tôi không phù hợp để… treo ảnh 2

Những tác phẩm chì của Thượng chắc rằng sẽ làm người xem chú tâm nhiều ở chi tiết. Từng nét chì năng quán xuyến và làm chủ tổng thể khá tốt của anh. Anh kiên nhẫn gắn kết từng nét chì này như việc lần theo những vết tích thay đổi của cuộc sống để rồi dần dần hình thành một kiểu bản đồ của đời sống nhân vật. Ta có thể nghe được tiếng sột soạt của chì trên giấy đều đều kể lại câu chuyện của đời người bằng ngôn ngữ của những đường nét trau chuốt, cẩn thận và trôi chảy.

TRỊNH LÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm