‘Hoa nơi chiến trường’ sửa thô bạo ảnh lịch sử

Chiều 20-4, ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM, cho biết Công ty Thuận Lê đã thừa nhận triển lãm ảnh “Hoa nơi chiến trường” không phép và hứa nghiêm túc chấp hành quyết định xử lý của quận và cơ quan chức năng.

Lấy ảnh gốc lịch sử và “chế”

Trước đó, tại cửa hàng bán hoa 74E Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1) thuộc Công ty Thuận Lê có gần 40 tấm ảnh, một cuốn catalogue và một số tờ bướm về chiến tranh Việt Nam được trưng bày.

Theo đó, có gần 40 bức ảnh được trưng bày là những tấm ảnh chụp trên chiến trường của các cuộc chiến tranh tại Việt Nam với nhiều khoảnh khắc tàn khốc và đau thương. Những bức ảnh được trưng bày đã được “chế” lại từ ảnh gốc. Hình ảnh súng ống, dây thép gai hoặc những hành động tra tấn, bắt bớ đều được thay thế bằng những bông hoa. Các “tác phẩm” này được treo trên một khung lớn kết bằng dây thép gai tại cửa hàng.

Khi những hình ảnh này lan truyền, cộng đồng mạng đã bày tỏ phẫn nộ và phản ứng quyết liệt cho rằng phản cảm, báng bổ lịch sử “không chấp nhận được”. Tối 19-4, đoàn kiểm tra liên ngành của quận phối hợp cùng UBND phường Bến Nghé tổ chức kiểm tra cửa hàng hoa này và tạm thu giữ toàn bộ những bức ảnh và ấn phẩm trưng bày. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM hôm 20-4, ông Mạc Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Nghé, cho biết các bức ảnh cùng ấn phẩm đã được phường niêm phong và gửi tới Sở VH-TT thẩm định. “Trước mắt phường Bến Nghé tạm giữ các bức ảnh và ấn phẩm vì đơn vị tổ chức đã tiến hành triển lãm không xin phép và việc sử dụng tác phẩm nghệ thuật chưa xin phép tác giả. Ngoài ra, trong số đó có nhiều bức ảnh có nội dung thuộc diện cấm phổ biến” - ông Lĩnh nói.

Các ảnh trưng bày trên dây kẽm gai đã bị tháo xuống. Ảnh: UBND quận 1

Đổi nội dung gốc là vi phạm bản quyền

Giải thích với phóng viên, bà Nguyễn Thị Vân, phòng Marketing Công ty TNHH Thuận Lê, cho rằng đây là một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện liên quan đến các hoạt động xã hội của công ty nhân dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. “Thông qua việc thay thế hình ảnh những bông hoa trong ảnh, chúng tôi muốn hóa giải những nỗi đau chiến tranh, hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, không còn súng đạn, gươm giáo. Hoạt động này chỉ nằm trong phạm vi nội bộ và ý tưởng đưa ra xuất phát từ thiện ý. Chúng tôi không lường sẽ gặp phản ứng dữ dội như thế nên chúng tôi rất xin lỗi và mong được thông cảm” - bà Vân giãi bày.

Liên quan đến vấn đề bản quyền của các bức ảnh gốc, bà Vân cho hay những bức ảnh này được sưu tầm từ trên mạng. Do không biết tác giả ở đâu nên công ty không thể liên hệ để xin phép nhưng đã có dẫn nguồn khi dùng.

Tuy vậy, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cho rằng việc sử dụng tác phẩm nghệ thuật của người khác sửa lại theo ý mình mà làm thay đổi nội dung bản gốc là thiếu tôn trọng tác giả và vi phạm bản quyền nghiêm trọng. “Một điều hết sức cơ bản trong sáng tạo nghệ thuật là dù ý tưởng đó hay những nội dung không phù hợp thì sẽ trở thành phản cảm, thậm chí đi ngược với mục đích muốn hướng tới. Nội dung triển lãm của các bức ảnh nêu trên có thể là nhằm xoa dịu nỗi đau chiến tranh, lãng mạn hóa chiến tranh nhưng suy nghĩ và cách làm không tới, thành ra vô duyên” - ông Nới nói.

Không thể tùy tiện sửa thô bạo ảnh lịch sử

Những bức ảnh được Công ty Thuận Lê sửa lại là không ổn và phản cảm. Về góc độ chuyên môn, đây không phải là sáng tạo nghệ thuật dù mục đích của việc triển lãm nhằm xoa dịu nỗi đau chiến tranh.

Đây là những tác phẩm lịch sử, những bằng chứng lịch sử, những khoảnh khắc về nỗi đau chiến tranh mà các phóng viên chiến trường đã ghi lại. Không thể tùy tiện sửa thô bạo bản gốc của những tấm ảnh này.

Ông HUỲNH VĂN MƯỜI, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm