Hòa nhạc đã đến rất gần với công chúng

Tối 1-8, đêm diễn đầu tiên của Hòa nhạc Toyota lần thứ 17 diễn ra tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Khán phòng Nhà hát Lớn gần như không còn một chỗ trống, nhiều người đến vì hòa nhạc, nhiều người đến để nghe thần tượng của họ- ca sĩ Tùng Dương biểu diễn trong một phong cách hiếm thấy.

Những Opera “Russlan and Ludmilla” của nhà soạn nhạc Nga - Mikhail Glinka, đến màn độc tấu Cello ấn tượng của nghệ sĩ ưu tú Trần Thị Mơ, rồi bản concerto giọng Mi thứ Op.85.. dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Bản - Honna Tetsuji đã đem lại một sự khởi đầu ấn tượng.

 Tùng Dương phối hợp ăn ý với nhạc trưởng người Nhật Bản - Honna Tetsuji - cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.Ảnh VNE

Tiếp đến, những giai điệu mơ màng, thần tiên với trích đoạn từ vở ballet “Kẹp hạt dẻ” của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky.

 Buổi hòa nhạc diễn diễn ra trong những giai điệu sâu lắng, sự bùng nổ của chương trình bắt đầu từ phần “góc chỉ huy”, một nỗ lực của nhà tổ chức trong cố gắng “kéo” khán giả đến gần hơn với hòa nhạc.

Ở phần này, nhạc trưởng Honna Tetsuji trình bày mẫu một đoạn nhạc. Sau đó nhường bục chỉ huy cho khán giả được thử vai của mình để chỉ huy giàn nhạc. Bắt đầu từ một sinh viên ngượng nghịu, vật lộn để điều khiến chiếc gậy chỉ huy đi theo ý mình, rồi một chàng trai quần lửng cũng dũng cảm lên đóng vai nhạc trưởng. “Lúc em run, đưa tay chậm thì giàn nhạc cũng chậm theo”, một khán giả chia sẻ. Tiếp đó là những cô bé, cậu bé cầm gậy chỉ huy như cầm một thứ đồ chơi sang trọng và phát hiện nó như một chiếc gậy thần kỳ vì: “Cứ đưa đến đâu thì nhạc theo đến đó”.

Sự ngượng ngùng của khán giả nhập vai, những cử chỉ lúng túng nhưng rất nhiệt tình của họ đem đến nhiều tiếng cười cho khán phòng tưởng như phải rất nghiêm cẩn của dòng nhạc này.

Khán phòng càng thêm thu hút khi ca sĩ Tùng Dương xuất hiện. Anh bắt đầu trình diễn ca khúc “Trường ca sông Lô”, rồi “Người lái đò trên sông Pô Kô” và “Chiếc khăn Piêu” đều được thể hiện rất thành công trong tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả.

Tùng Dương còn hát tặng cho khán giả hai ca khúc ngoài chương trình là “Gần lắm Trường Sa” và “Bài ca hy vọng”.

Có thể nói, với một thể loại âm nhạc không dành cho đại chúng, hòa nhạc Toyota năm nay đã có một nỗ lực đáng ghi nhận để gần hơn với khán giả. Tiết tấu nhạc vui nhộn trong bản phối khí “Chiếc khăn Piêu” hay tiết mục xen kẽ như “Góc khán giả” và một giọng ca gần gũi, chiều chuộng người nghe như Tùng Dương đã phát huy hiệu quả rất tốt.

Sau hai đêm diễn mở màn tại Hà Nội vào tối 1- 8 và 2- 8, Hòa nhạc Toyota sẽ đến với Tây Nguyên vào 8- 8 và TP HCM vào tối 11- 8. Toàn bộ tiền bán vé của 4 đêm nhạc được sử dụng cho chương trình Học bổng Toyota hỗ trợ Tài năng trẻ Âm nhạc Việt Nam.

VIẾT THỊNH 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm