Hoa lẻ bạn

Khiêm nhận ra Thơ ngay từ lúc cô bước qua cánh cổng gỗ màu nâu sậm, khi cô nghiêng người tránh một nhánh hoa buông xuống từ một lẵng hoa treo ở góc tường. Nắng chiều xiên xiên, vàng óng như mật ong hắt lên vai áo Thơ rực rỡ không kém hình ảnh thì quá khứ của Thơ mà Khiêm vừa cùng lúc bắt gặp trong trí nhớ của mình. Kỷ niệm những ngày trẻ thơ bỗng chốc trở về, lộn xộn và chật chội trong hồi ức của Khiêm. Khiêm chợt ngoảnh nhìn lại cánh đồng lúa phía sau lưng mình và trên những ngọn lúa non mỏng manh, xanh mướt, anh như nhìn thấy lại chính mình, Thơ và nhiều khuôn mặt bạn bè. Ngôi nhà nhỏ mới xây nằm giữa khoảnh sân rộng, khuất sau cái hàng rào cao với những chùm hoa giấy đủ màu, ở đó lần đầu tiên Khiêm nhìn thấy con bé mới theo cha mẹ dọn nhà đến làm hàng xóm với nhà mình. Ý nghĩ của Khiêm về con bé kia không mấy tốt đẹp, Khiêm ghét điệu bộ kiêu kỳ và đỏng đảnh của cô ta.

Thơ ngày ấy gần như không chơi với ai trừ hai chị em nhỏ Vi ở sát cạnh nhà mình. Chính con bé Vi lanh chanh đó lại giúp Khiêm và Thơ quen nhau, bắt đầu là vì con nhỏ nhiều chuyện ấy méc lại với Thơ là: “Anh Khiêm nói chị Thơ hách dịch mà không biết quét nhà”. Hai chuyện ấy chẳng liên quan gì tới nhau, Khiêm chẳng nhớ mình đã nói gì với nhỏ Vi nhưng khi nhìn ánh mắt liếc ngang của Thơ ngày ấy, Khiêm lại bỗng dưng không thấy ghét Thơ như mình tưởng. Năm bảy đứa trẻ cùng tuổi dễ dàng chơi với nhau, hồn nhiên, không suồng sã nhưng cũng đủ để cùng cười với nhau, cùng trò chuyện vui vẻ mỗi lần gặp nhau. Chỉ vậy thôi nhưng Thơ làm gì, đi đâu, học hành ra sao Khiêm đều biết. Con bé Vi ngày ấy còn quá nhỏ để hiểu vì sao Khiêm thường tìm cách gợi ý để có thông tin về Thơ. Nhưng chính Khiêm cũng lâu lắm về sau này mới hiểu ra vì sao mình thích nói về Thơ và nghe nói về Thơ. Khiêm nhận ra mình biết yêu vào những ngày cuối cùng học phổ thông, Thơ vào Sài gòn học đại học và Khiêm tạm thời dừng lại. Khiêm chưa nói với ai bao giờ chuyện mình âm thầm ra ga để tiễn Thơ, đứng từ xa để nhìn Thơ cười nói và cũng từ đó Thơ xa dần với kỷ niệm, với những hình ảnh của ngày thơ dại cứ nhòa dần theo năm tháng. Vậy mà vừa nhìn thấy Thơ bỗng nhiên mọi thứ như vừa hồi sinh dưới chiếc đũa thần của bà tiên trong chuyện cổ tích làm cho con tim Khiêm nhói lên. Cái khoảnh khắc đau đớn ấy chính Khiêm cũng ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì vừa xảy ra trong lòng mình. Khiêm cứ nhìn ra cánh đồng, nhìn những ngọn lúa non rung rinh theo từng cơn gió nhẹ, cố dằn cơn xúc động. Một thoáng trong ý nghĩ Khiêm muốn quay lại và gọi Thơ, một phía khác trong lòng Khiêm không muốn Thơ nhận ra mình. Cả hai đã đi về hai phía trên đường đời và thực sự lâu lắm rồi hai người chẳng có chuyện gì chung để nói với nhau. Khiêm không muốn đối diện với Thơ bằng những câu xã giao nhạt nhẽo, Khiêm muốn giữ mãi trong lòng những điều ấm áp, thân tình ngày cũ để còn cảm thấy lòng dịu êm nếu có khi nào nhớ lại chuyện ngày xưa. Nghĩ vậy nên Khiêm ngồi yên, quay lưng lại phía cổng và ước mấy người bạn đã hẹn với anh tới sớm để giải thoát anh ra khỏi trạng thái khó chịu này.

Nhưng Thơ lại cùng đi với những người bạn cũ của Khiêm. Nhận ra Khiêm, Thơ chỉ hơi bất ngờ, cô nghiêng đầu và nụ cười vẫn duyên dáng như ngày xưa:

- A Khiêm, lâu rồi mới gặp nhau. Lâu quá rồi…

Khiêm kéo chiếc ghế bên cạnh cho Thơ ngồi, anh chỉ cười, đúng là lâu lắm rồi anh mới gặp lại Thơ. Sau ngày Thơ đi thì anh cũng đi. Thành phố chỉ như tổ chim và bọn anh trở thành những cánh chim di trú, mỗi năm mới trở lại nhà một lần. Khoảng cách như thế để người ta có thời gian lớn lên, khác đi, thay đổi để khôn ngoan hơn hoặc có thể lại thấy mình vẫn khờ dại, vụng về. Khiêm thấy mình thuộc vế thứ hai. Lâu lắm mới gặp lại Thơ, có biết bao điều để hỏi, để nói với Thơ. Vậy mà Khiêm chỉ cười và dè sẻn từng câu trả lời, anh ước gì mình có thể sôi nổi ồn ào như bạn bè đang cười nói, vung vẩy những cánh tay và không cần giấu đi những tiếng cười.

Thơ nâng ly bia vàng óng chạm nhẹ vào ly của Khiêm nên anh phải cùng cầm ly của mình lên, anh hỏi Thơ nhưng giọng nói không có gì là ngạc nhiên: “Thơ biết uống bia rồi à?”

- Như vậy có nghĩa là Thơ già rồi phải không?

- Bọn mình chỉ mới lớn lên thôi.

- Gặp nhau sau bao nhiêu năm Khiêm chẳng thay đổi gì nhiều nhỉ?

- Nghĩa là sao?

- Vẫn ít nói và không muốn làm mất lòng người khác.

- Vậy sao. Vậy là buồn lắm, vậy là mình vẫn chưa lớn lên được.

Thơ dùng ngón tay vuốt nhẹ những giọt nước đọng trên thành ly, giọng cười của cô gần gũi và quen thuộc:

- Thơ về nhà nhiều lần lắm mà không gặp Khiêm. Khiêm cũng đi học ở đâu đó phải không?

- Mình ra Trường Sa.

- Hay quá. Khiêm nói về Trường Sa đi.

Khiêm nhìn vẻ háo hức trong đôi mắt Thơ mà như thấy lại hình ảnh ngày nào, những buổi tối cả bọn trẻ trong xóm ngồi sát vào nhau nghe kể chuyện ma. Không phải Khiêm là người thích vọng tưởng về chuyện cũ nhưng rõ ràng là mọi chuyện vẫn gần đây lắm, gần đến nỗi như mới ngày hôm qua Khiêm còn đứng bên hàng rào nhà nhỏ Vi để gọi Thơ nhặt giùm trái banh mà lũ con trai lỡ đá vào sân nhà Thơ. Nhưng còn gần hơn nữa là ngày mà Khiêm xách ba lô bước xuống tàu ra với Trường Sa. Có thể là Thơ chỉ háo hức muốn nghe vì tò mò chứ làm sao Thơ hiểu được hết tâm trạng và tình cảm của bọn con trai khi ra đảo. Trong khi bạn bè an lành ngồi trong giảng đường đại học thì bọn anh, mấy đứa học trò của ngày hôm qua phải đấu tranh với nhiều thứ mà lớn hơn hết là nỗi buồn, nỗi nhớ của lần đầu tiên xa nhà. Khiêm không sợ khổ, sợ khó nhưng sợ nhất là những buổi chiều ngồi nhìn mặt trời rơi xuống biển, nhìn mênh mông trời nước và cố đoán xem phía nào là thành phố, là nhà của mình.

Khiêm chưa bao giờ nói với ai cảm giác đó khi mới ra đảo, có lẽ anh cũng không muốn mọi người nhìn ra chỗ yếu đuối của mình, chút tự ái vặt của con trai làm cho anh không được thẳng thắn lắm. Nhưng khi nói về những năm tháng ở đảo thì lại khác, Khiêm thấy mình sôi nổi hẳn lên như đang nhắc về những gì yêu thương nhất. Hồi mới ra đảo anh yếu ớt, thụ động, nhiều lần cứ tưởng mình bỏ cuộc nhưng rồi mỗi ngày trôi qua, rồi nhiều ngày nhiều tháng trôi qua Khiêm lớn lên mà tự mình không biết. Đảo như một trường đại học tổng hợp dạy cho Khiêm nhiều thứ. Hồi mới ra đảo anh chỉ băn khoăn không biết mình sẽ phải sinh hoạt như thế nào, ăn gì, uống gì, có giống ở nhà không. Những băn khoăn nhỏ nhặt ấy sau này làm Khiêm xấu hổ mỗi khi nhớ lại. Thật ra tuổi trẻ cũng mau thích nghi mà thật ra khi ở nhà Khiêm cũng không hẳn là một thứ công tử nên mọi thứ cũng nhanh chóng ổn định. Cái khó của Khiêm và các bạn không phải là những bài học quân sự, cũng không phải là những giờ lên lớp học văn hóa và chính trị. Cái khó là bọn Khiêm tự chiến thắng bản thân, không để mình bị sa đà trong những nỗi nhớ về phía thành phố.

Khiêm chỉ nhớ đến những chuyện nhỏ nhặt vì với Khiêm đó là những thay đổi rõ rệt nhất mà mọi người nhìn thấy khi Khiêm từ Trường Sa trở về. Khi Khiêm kể cho Thơ nghe về cái vườn cây mini của anh ở Trường Sa, Thơ nói một câu: “Hồi nhỏ Thơ cũng thấy Khiêm rất thích trồng cây. Mấy nhánh hoa lẻ bạn mà Khiêm chiết cho Thơ hồi đó bây giờ cũng còn nhưng nhiều lắm, không phải lẻ bạn đâu, hoa mọc dày đẹp quá chừng luôn vậy đó”. Thơ không biết là điều cô vừa nói đã làm Khiêm xúc động. Kỷ niệm hay làm cho lòng ta bồi hồi mỗi khi nó quay trở lại. Trong vườn cây nhỏ ở Trường Sa, Khiêm cũng dành một góc be bé để dăm nhánh lẻ bạn mà anh mang theo trong ba lô, loài hoa mong manh ấy lại có sức sống mãnh liệt, chỉ cần vài tia nước là đủ tươi tắn, đủ lớn để nảy thêm cành. Khiêm yêu những cánh lá dày, nhọn như một mũi kiếm, màu tím thẫm bình dị nhưng không làm người ta thấy buồn mà trái lại, hoa của nó màu hồng nở như nụ cười trẻ thơ nhìn thấy yêu đời hơn. Lâu lắm Khiêm cũng quên là mình có lần trồng hoa lẻ bạn tặng Thơ, ngày xưa trẻ thơ hồn nhiên, cứ nghĩ người nhận quà vui là mình cũng vui rồi. Nhưng thời điểm này thì khác, cũng như mọi người, chắc Khiêm không ngây thơ tặng cho người con gái mình thầm yêu một chậu hoa lẻ bạn.

Khiêm chỉ gặp Thơ tình cờ lần đó. Những lần sau chủ động đợi Thơ nhưng Khiêm chỉ thấy Thơ đi thoáng qua nhà. Lại có lúc Khiêm cố tình đi ngang nhà Thơ nhìn vào nhưng sân nhà Thơ vắng ngắt, chỉ có mấy chậu hoa lẻ bạn treo ở lan can, cành lá tím thẫm và những đóa hoa màu hồng tươi cười, lung linh với nắng. Khiêm tự hiểu Thơ đã đi rồi, nơi của Thơ không phải chỗ này, cái thành phố nhỏ bé, hiền lành này đã trở thành chật chội với một cô gái năng động như Thơ. Khiêm nghe nhỏ Vi nói về sự thành công của Thơ ở thành phố anh lại càng cảm thấy mặc cảm, điều này làm cho Khiêm cảm nhận được sự ngăn cách giữa anh và Thơ. Nhưng Khiêm chỉ rụt rè trong tình yêu thôi, cái bản chất người lính trong anh vẫn cho anh biết mình phải làm gì. Khiêm trở lại trường đại học bằng kết quả bảo lưu từ trước, Khiêm chưa nhìn ra được lối đi của mình, chỉ biết là mình phải tự hoàn thiện và có điều kiện phát huy những điều tốt đẹp đã học tập được từ những năm tháng làm lính.

Ngôi trường đại học nằm trên đỉnh một ngọn đồi ở phía bắc thành phố, đẹp lộng lẫy với hai bên sườn đồi trồng toàn hoa giấy đủ màu sắc nhưng Khiêm thích con đường dẫn lên trường từ phía sau hơn. Cũng bởi vạt đồi bên đó bạt ngàn sắc hồng của hoa ti gôn và ở đó, trong một cái chậu lớn, ai đã trồng từ hồi nào toàn là hoa lẻ bạn, những cánh hoa nhỏ màu hồng mong manh e ấp trong những cành lá màu tím, nhọn như lưỡi kiếm. Khiêm thường đến trường từ tam cấp phía sau cũng vì bên dưới là bến xe buýt nhưng trước hết cũng là vì Khiêm thích nhìn hằng ngày những thứ hoa mình vẫn yêu từ ngày xưa. Khiêm bắt đầu lại những ngày đi học như thế để giảm bớt áp lực học hành vì phải củng cố lại một số kiến thức bỏ quên lâu ngày. Nhưng cũng không khó khăn lắm như Khiêm tưởng, dần dần mọi chuyện đều ổn, các bạn mới trong lớp hầu hết là những bạn trẻ nhưng cũng dễ gần, ai cũng sẵn sàng giúp đỡ khi Khiêm cần và cũng sẵn sàng quấy rầy Khiêm, nhất là những lúc cả lớp sinh hoạt văn nghệ. Khiêm không phải là thứ hoa lẻ bạn nữa nhưng có những buổi chiều ở thư viện ra muộn, Khiêm thường đến ngồi một mình ở những chiếc ghế đá đặt trong sân trường. Ở đó Khiêm nhìn thấy toàn thể mặt biển màu xanh nhạt lấp lánh ánh hoàng hôn. Nhìn biển nhà mình và nghĩ về Trường Sa, lòng xôn xao nhớ những ngày sống ở đảo. Nhớ anh Hải đã dạy Khiêm đàn guitar, nhớ anh Bách dạy Khiêm học Anh văn, nhớ cả chú Toàn dạy Khiêm xem mạch đoán bệnh.

Cuộc sống cứ trôi qua như thế. Lúc ồn ào như ngày biển động, lúc êm ả như thủy triều xuống mỗi chiều. Khiêm không còn lãng đãng như lúc mới về, anh đã biết say mê những bài học mới, đã biết suy nghĩ về những kế hoạch tương lai. Nhưng có lúc gặp lại bạn bè cũ, Khiêm chỉ cười khi có ai đó hỏi thăm về một nửa của mình. Thi thoảng Khiêm cũng có nghĩ về Thơ nhưng đó chỉ là những giây phút bồi hồi về những kỷ niệm xưa cũ, không buồn không vui. Vậy mà Khiêm gần như bị sốc khi nhận được thiệp báo hỉ của Thơ, một cảm xúc rất lạ làm cho Khiêm bần thần một lúc lâu. Thật sự là không còn cơ hội nào nữa, Thơ và anh đã ở hai phía khác nhau của cuộc đời nhưng Thơ không có lỗi gì khi làm tình cảm của Khiêm bị tổn thương. Khiêm không biết có nên tự trách mình đã rụt rè không dám bày tỏ tình yêu của mình với Thơ hay nói cho nhẹ lòng hơn là tại Khiêm và Thơ không có duyên với nhau. Cách nào cũng thế thôi, tình yêu của khiêm chỉ là sự rung động của riêng Khiêm thôi, chút tình thơ dại đó sẽ chỉ là kỷ niệm để ngậm ngùi mỗi khi nhớ lại. Cũng có khi Khiêm tự hỏi có phải mình không được mạnh mẽ và dứt khoát trong tình cảm, rồi lại tự an ủi là tính trời vốn thế nhưng cùng lúc anh lại phát hiện ra mình cũng có năng khiếu hài hước để nhìn mọi việc tươi sáng hơn. Đó là khi anh bắt tay Thơ chúc mừng cô trong ngày cưới, anh nghĩ nếu ngày xưa lớn được như bây giờ thì hẳn anh đã là người đứng cạnh Thơ để bắt tay mọi người đến chúc mừng.

Vui buồn rồi cũng qua và đó chính là cuộc sống, Khiêm còn rất nhiều việc phải làm cho đời mình. Những lúc thư thả Khiêm lại ngắm nhìn những bụi hoa lẻ bạn, những cánh hoa màu hồng thanh mảnh nũng nịu trong đám lá màu tím thẫm. Anh không có suy nghĩ nào khác chỉ thấy lòng nhẹ nhàng với chút vui buồn vẩn vơ, nhủ lòng mình cũng sắp già rồi. Và lại tự trào: “Con người vốn thế”.

Truyện ngắn của KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm