Xóm chạy thận được lên sách

Gần 30 tuổi nhưng chị Trần Phương Nhung (Nam Định) đã có hơn 10 năm gắn bó với xóm chạy thận. Chị gọi cái xóm không có trên bản đồ hành chính của Hà Nội là mặt trận đầy nghĩa tình.

Cuối không phải là cùng

Dáng người nhỏ thó, chị Nhung đón tôi ở đầu căn phòng trọ nằm trên tầng hai một khu nhà. Đường lên nhà nhuộm đặc một màu đen. Căn phòng trọ nơi chị đang thuê trọ còn có bảy người khác nữa, trong đó có hai người phải chạy thận giống chị.

Căn phòng được ngăn cách bằng những chiếc giường tạm bợ, mỗi người một khoảnh để làm nơi ăn chốn ngủ, xung quanh chất đầy những thứ không thể định nghĩa. Cái quen nhất là những chiếc ghế nhựa, cốc chén, ấm nước phục vụ cho việc bán trà đá. Chị tâm sự: “Tôi vừa đi bán trà đá về. Quán này lúc cao điểm có bốn người cùng bán như bác sĩ thay ca vậy, mỗi người bán một lúc rồi gọi người khác xuống tiếp quản”.

Những người chạy thận ở xung quanh khu vực BV Bạch Mai thường tập trung vào những xóm trọ cố định. Những ngày không phải chạy thận họ lại tản đi làm đủ nghề khác nhau. “Có người đi thu mua đồng nát, bán trà đá, đánh giày, cắt tóc… Thậm chí có người còn đi chăm người bệnh” - chị Nhung cho hay.

Có một điều đặc biệt, trái ngược với khung cảnh ảm đạm xung quanh, những bệnh nhân ở đây luôn tự tạo niềm vui cho nhau, chộn rộn tiếng cười. “Ngày đầu tiên đến xóm thuê trọ, lúc đó tôi nghĩ mình chẳng sống được bao lâu nên buồn lắm. Khi đó, cô cùng phòng đã nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi: “Cuối không phải là cùng cháu ơi, phải vui lên mà sống”. Cuối là suy thận giai đoạn cuối ấy” - chị Nhung kể.

Lời động viên đó đã theo chị Nhung đi suốt hành trình nhọc nhằn của mình. Và cũng chính những lời động viên như thế đã thúc giục chị cầm bút viết lại những câu chuyện xung quanh để động viên chính mình và mọi người.

Chị Nhung (trái) và bà Phan Thị Gấm cùng đọc một bài thơ vừa mới sáng tác. Ảnh: V.THỊNH

Chúng tôi là đồng đội

“Người chạy thận ai cũng biết nhau hết, chúng tôi gọi nhau là đồng đội vì cùng chiến đấu trên một mặt trận chống bệnh tật mà” - một người cùng phòng chị Nhung lên tiếng.

Biết có khách lạ, bà Phạm Thị Gấm ở phòng trong liền chạy ra, trên tay cầm cuốn sổ ghi những bài thơ tự sáng tác. bà tự hào kể: “Người bệnh thường mất ngủ nên đêm tôi thường bật đèn điện thoại chiếu vào sổ rồi cứ thế mà sáng tác”. Rồi bà đọc cho tôi nghe những bài thơ mới nhất của mình: Nơi tôi đến là khoa chạy thận/ Lối mòn tôi đi là cổng viện Bạch Mai/ Đường còn dài mà chẳng thấy tương lai/ Có những đêm dài sợ mình ngủ mãi… Nhìn bà hào hứng đọc thơ ít ai biết được chồng bà sau khi bà đổ bệnh cũng mắc chứng trầm cảm.

Thiếu thốn vật chất, đau đớn thể xác nhưng những câu chuyện về nghĩa tình của người chạy thận với nhau kể mãi không hết. “Ở đây người ta sống không bon chen với nhau. mà có gì để bon chen nhỉ, đến cái sống còn mong manh nữa là” - chị Nhung bộc bạch. Như trường hợp của em Hiền (16 tuổi) cũng đã được những người đồng cảnh giúp đỡ. Cha mất, mẹ một mình nuôi mấy chị em, Hiền lên chạy thận, mẹ em cũng phải về quê chăm lo đồng áng. Không có tiền, Hiền ngồi co ro ở góc bệnh viện, mọi người trong xóm biết được, đưa Hiền về cưu mang. Mỗi người góp một ít cho Hiền được 100.000 đồng. Hiền mua hai ổ bánh mì ăn hai bữa, còn lại thì sắm đồ đi bán trà đá.

“Cuộc sống ở đây là vậy đó, chầm chậm trôi từng ngày, khi mình tuyệt vọng thì mọi người động viên mình. khi họ tuyệt vọng thì mình động viên họ… lúc đông đủ sum vầy thì làm mâm cơm quây quần chuyện trò” - chị Nhung tâm sự với tôi khi phía ngoài hành lang, những cư dân xóm trọ bắt đầu trở về sau một ngày mưu sinh.

HỒ VIẾT THỊNH

Những công dân của xóm chạy thận vẫn nhớ câu chuyện về một bệnh nhân trẻ tuổi tên Hằng. Cha Hằng bị liệt phải ngồi xe lăn, Hằng là chị cả nên phải nghỉ học để cáng đáng gia đình. Vậy mà bệnh tật không buông tha cô gái chăm ngoan, hiếu thảo, Hằng phải xa cha để lên Hà Nội chạy thận. Quên đi nỗi đau riêng, thỉnh thoảng Hằng lại tâm sự với mọi người rằng em lo không biết ở nhà các em có đẩy xe cho cha đi dạo không. Đến lúc bệnh của Hằng nặng thêm, bác sĩ bảo phải truyền 20 bình albumin (mỗi chai, khoảng 500.000 đồng thời điểm năm 2007). mẹ Hằng chạy khắp làng vay cũng chỉ đủ mua được một bình, đó cũng là lúc Hằng biết cái chết đã được tuyên với mình.

Thế nhưng khi biết bác cùng phòng bệnh của mình bị tai biến phải đưa về quê, Hằng vẫn cố dùng sức tàn chạy theo, dúi vào tay vợ bác 20.000 đồng. Ngày hôm sau, trái tim trong trẻo của cô gái ấy ngừng nhịp đập.

Điều kỳ diệu quanh ta là tên cuốn sách của chị Trần Phương Nhung do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin và nhà sách Đông Tây liên kết xuất bản, dự kiến ra mắt trong tháng 9.

Cuốn sách là những mẩu chuyện nhỏ đầy tình người mà chị ghi lại được trong hành trình chung sống với bệnh tật của mình. Hằng ngày ngoài việc chạy thận, chị còn làm các đồ hand made, viết văn, viết báo để kiếm sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm