Xin tăng ca vì... không đủ sống

“Chỉ vì mức lương không đủ sống nên công nhân mới muốn làm thêm giờ. Chứ bình thường chẳng ai muốn làm thêm” - ông Cao Xuân Dương, Trưởng ban Chính sách, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Hưng Yên, khẳng định tại buổi đối thoại xây dựng chính sách thời giờ làm việc, nghỉ ngơi do Bộ LĐ-TB&XH và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha tổ chức ngày 16-4.

Chỉ cho làm thêm tối đa 300 giờ/năm

Ông Nguyễn Vũ Điệp, Trưởng phòng Lao động, BQL các KCN-KCX Hà Nội, cho rằng mức lương của công nhân hiện nay không đủ để trang trải cuộc sống. Hằng tháng công nhân phải thuê nhà, ăn uống và các nhu cầu cá nhân khác, cộng thêm giá cả ngày càng leo thang, nếu không làm thêm giờ thì không đủ chi tiêu.

Cụ thể hơn, bà Trần Thu Phương đến từ Tổng LĐLĐ VN cho biết theo báo cáo của Tổng LĐLĐ, thu nhập của công nhân, lao động làm công, hưởng lương đạt khoảng 4,6 triệu đồng/tháng, trong đó có tới 43,2% có thu nhập dưới 3 triệu đồng và 18,6% dưới 2,7 triệu đồng.

Vì lương quá thấp nên có nơi công nhân phải đi làm thêm đến 800 giờ/năm. Ảnh: HTD

Ông Phạm Hoàng Minh, Phó Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động (Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH), cho biết thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ thời giờ làm việc, nghỉ ngơi quy định người sử dụng lao động được sử dụng người lao động (NLĐ) làm thêm đến 300 giờ. Khi sử dụng lao động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản về Sở LĐ-TB&XH.

Nhiều đại biểu cho rằng quy định này là chưa phù hợp với thể trạng nhỏ bé và sức khỏe yếu của lao động VN. Đại diện Tổng LĐLĐ VN cho rằng đặc điểm tâm, sinh lý của lao động VN phù hợp với giới hạn giờ làm thêm 200 giờ/năm. Như thế sẽ đảm bảo cho NLĐ có điều kiện nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động để làm việc chất lượng hơn.

Có nơi làm thêm 800 giờ/năm

Ông Nguyễn Vũ Điệp, Trưởng phòng Lao động, BQL các KCN-KCX Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp (DN) ở KCN-KCX chấp hành rất kém quy định về thời gian nghỉ ngơi đối với công nhân. Theo quy định, các DN có thể sử dụng lao động làm thêm 30 giờ/tháng nhưng thực tế có rất nhiều DN sử dụng lao động làm thêm tới 90 giờ/tháng. Cá biệt, có những DN sử dụng lao động làm thêm tới 800 giờ/năm. Lực lượng thanh tra lao động rất ít nên không thể xử phạt hết các DN vi phạm quy định này.

Ông Lê Anh Văn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN, khẳng định quyền nghỉ ngơi là một trong những quyền cơ bản của con người được pháp luật bảo vệ. Tuy pháp luật quy định chặt chẽ nhưng các DN vẫn vi phạm khi huy động NLĐ làm thêm giờ vượt quá thời gian cho phép.

Ông Văn cho rằng việc các DN vi phạm quy định về thời gian nghỉ ngơi còn do NLĐ chưa hiểu về quyền lợi của mình, đặc biệt là quyền nghỉ ngơi trong khi làm việc. Mặt khác, do mưu sinh nên khi được yêu cầu làm thêm thì NLĐ vẫn vui vẻ chấp nhận dù biết điều đó là vi phạm quy định pháp luật lao động.

Ông Văn kiến nghị nên tuyên truyền các quy định về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi để NLĐ biết tự bảo vệ mình.

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là nếu công nhân chỉ làm thêm giờ theo đúng luật thì làm sao đủ sống? ông Cao Xuân Dương, Trưởng ban Chính sách, LĐLĐ tỉnh Hưng Yên, kể khoảng năm 2010, công nhân Công ty HanesBrand tại Khoái Châu, Hưng Yên đình công. Ban giám đốc công ty khi đó không hiểu vì sao công nhân lại đình công, vì lương và mọi chế độ đã cao hơn mức tối thiểu quy định. Đối thoại với công nhân, LĐLĐ và ban giám đốc mới biết công nhân muốn tăng giờ làm, vì dù mức lương công ty trả cao hơn lương tối thiểu nhưng công nhân vẫn không đủ sống. Cuối cùng, công ty quyết định tăng lương lên 300.000-400.000 đồng và công nhân trở lại làm việc bình thường.

Nên để công đoàn thỏa thuận làm thêm giờ

Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo thông tư quy định khi sử dụng lao động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với từng NLĐ là khó khả thi. Vì đối với các DN có hàng trăm, hàng ngàn lao động thì việc phải thỏa thuận với từng người là rất khó. Các đại biểu đề nghị nên để công đoàn đại diện NLĐ tiến hành thỏa thuận làm thêm giờ. Công đoàn có tính hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ, đồng thời cũng nắm rõ chi tiết về công việc của NLĐ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm